Thứ Hai, 27 tháng 3, 2017

Fanpage Facebook và tầm quan trọng của nó

Cách đây 2 tuần, hàng loạt Trang Facebook (còn gọi là fanpage Facebook) bỗng dưng biến mất, trong đó có những trang có người hâm mộ (người “Thích” trang) rất lớn. Điều này khiến chủ nhân các trang này hoảng hốt như vừa mất một tài sản lớn. Fanpage có công dụng gì, tại sao biến mất và tại sao sự biến mất của chúng lại gây hoảng hốt, lo âu cho chủ nhân như vậy?

Sự cố mất trang Facebook

Trong các ngày 17, 18-3 vừa qua, nhiều trang Fanpage Facebook bỗng nhiên biến mất, trong đó có những trang có lượt người “Thích” rất cao (từ vài trăm ngàn đến vài triệu). Những trang có số lượt “Thích” lớn bị biến mất có thể kể là: Foody.vn (hơn 3 triệu lượt thích), Tiếng Anh là chuyện nhỏ (gần 2 triệu lượt thích), Ghiền bóng đá (gần 900 ngàn lượt thích)… Những trang này bị khóa khiến người dùng không thể truy cập.

Tạo một trang Fanpage Facebook là chuyện dễ dàng và không tốn kém, nhưng làm cho trang hấp dẫn để có nhiều người thích là một việc không hề đơn giản. Để có được vài trăm ngàn người thích phải tốn rất nhiều thời gian, công sức và cả tiền bạc đổ ra để quảng bá nữa. Fanpage là nơi giao tiếp giữa người bán với khách hàng, giữa tờ báo với độc giả, vì vậy mất đi một fanpage có 1 triệu lượt thích tương tự như một công ty mất 1 triệu khách hàng, tờ báo mất 1 triệu độc giả. Đó là lý do vì sao chủ những fanpage bị biến mất ấy hoảng hốt.

Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam trong ngành công nghệ

Khảo sát về 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2016 vừa được công bố. Đây là khảo sát tiến hành hàng năm kể từ năm 2013 do công ty chuyên về giải pháp thương hiệu nhà tuyển dụng Anphabe và công ty nghiên cứu thị trường Nielsen phối hợp thực hiện. Năm nay, 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam được đánh giá theo 24 ngành nghề với hơn 26.000 người trả lời khảo sát (những người có kinh nghiệm làm việc 1 năm trở lên). Xếp đầu bảng là công Ty Unilever Việt Nam. Trong lĩnh vực công nghệ, đứng đầu là Microsoft Việt Nam.

Các nơi làm việc tốt nhất

Danh sách Top 10 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam như sau:

  1. Unilever Việt Nam
  2. Vinamilk
  3. Nestlé Việt Nam
  4. Microsoft Việt Nam
  5. IBM Việt Nam
  6. Vietcombank
  7. Viettel
  8. PepsiCo Foods Việt Nam
  9. Abbott
  10. Heineken Việt Nam
Trong danh sách này có 3 đơn vị Việt Nam (Vinamilk, Vietcombank và Viettel). Lĩnh vực công nghệ có 3 đơn vị, đứng đầu là Microsoft Việt Nam, kế đến là IBM Việt Nam và Viettel.

Thứ Hai, 20 tháng 3, 2017

Điện thoại Xiaomi chính thức vào Việt Nam

Chiều 15-3-2017 tại TP Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ ra mắt Xiaomi, một trong những hãng công nghệ nổi tiếng thế giới của Trung quốc. Xiaomi đã chính thức có mặt tại thị trường Việt Nam thông qua hợp tác chiến lược với nhà phân phối Digiworld – Thế Giới Số.

Lễ ra mắt Xiaomi tại TPHCM

Những tin nhắn tự động biến mất sau 24 giờ

Facebook vừa cho ra đời một tính năng mới: Messenger Day (Ngày của bạn). Tính năng này nằm trong ứng dụng nhắn tin Facebook Messenger, giúp người dùng chia sẻ các hoạt động của mình qua video và hình ảnh. Điều khác biệt là mặc dù người dùng Messenger Day có thể chia sẻ với mọi người hoặc chọn các thành viên trong gia đình hay bạn bè để họ có thể xem và phản hồi tin nhắn của bạn tương tự như các ứng dụng nhắn tin khác, nhưng tất cả nội dung này sẽ tự động biến mất sau 24 giờ.

Messenger Day

Messenger Day chỉ có trên smartphone, không có trên máy tính, và hiện giờ đã có bản trên Android lẫn iOS. Theo Facebook, Messenger Day tập trung vào tính năng chụp ảnh và giúp người dùng chia sẻ những gì xảy ra trong ngày của mình một cách trực quan với bạn bè, người thân. Những người ấy có thể chat với bạn để tạo nên các cuộc trò chuyện thú vị. Tất cả những điều này sẽ biến mất sau 24 giờ!

Messenger Day trên Facebook. Ảnh: Facebook

Thứ Hai, 13 tháng 3, 2017

Google dịch có bước cải tiến lớn

Ra đời đã hơn 10 năm, Google dịch (Google Translate) đã giúp cho người sử dụng rất nhiều trong việc hiểu các văn bản tiếng nước ngoài. Bên cạnh đó, người dùng không khỏi bật cười trước những lỗi dịch hết sức ngô nghê của Google Translate, đến nỗi khi nào gặp một bản dịch lủng củng người ta lại mỉa mai: Chắc là lại nhờ Google dịch rồi! Mới đây, thông tin từ Google cho biết họ đang đưa vào công nghệ dịch mới, đạt độ chính xác cao hơn nhiều.

Thông tin từ Google

Ngày 6-3-17, nhà lãnh đạo sản phẩm Google Translate Barak Turovsky đã đang trên Blog Google thông tin như sau:

“Tháng 11 vừa qua, người dân sống ở các nước từ Brazil đến Thổ Nhĩ Kì và Nhật Bản nhận ra bản dịch ngôn ngữ của họ qua ứng dụng Google Translate (Google Dịch) bỗng dưng chính xác và dễ hiểu hơn. Nguyên nhân chính là vì Google đã áp dụng công nghệ Trí Thông Minh Nhân Tạo cho ứng dụng dịch thuật  (neural machine translation) cho tất cả 8 ngôn ngữ. Trong vòng vài tuần tới, những cải tiến dịch thuật này sẽ xuất hiện trên Google Translate và áp dụng cho nhiều ngôn ngữ hơn, bắt đầu từ tiếng Nga, tiếng Ba Lan, tiếng Thái, tiếng Việt. tiếng Hindi...

Dịch thuật bằng trí thông minh nhân tạo mang lại kết quả tốt hơn rất nhiều so với công nghệ dịch dựa vào cụm từ trước đây của Google Translate. Trí thông minh nhân tạo sẽ dịch toàn bộ câu văn cùng một lúc, thay vì dịch từng đoạn như trước đây. Đồng thời, trí thông minh nhân tạo sẽ khiến nội dung dịch trở nên chính xác và gần gũi hơn với ngôn ngữ hàng ngày của con người.

Lý do khiến chúng tôi vô cùng hào hứng và nhanh chóng áp dụng công nghệ tiên tiến này cho nhiều ngôn ngữ hơn là nó hoạt động tốt hơn hẳn khi học hỏi nhiều ngôn ngữ cùng một thời điểm. Nó có thể sử dụng các điểm tương đồng được tìm thấy giữa nhiều cặp ngôn ngữ khác nhau để tạo ra các phán đoán chính xác hơn trong trường hợp không có nhiều dữ liệu hay thông tin chi tiết để tham khảo.

Chúng tôi cũng nhận thấy công nghệ này không chỉ phát huy tác dụng cho các nhóm ngôn ngữ có mối liên hệ với nhau, chẳng hạn với 4 ngôn ngữ thuộc nhóm Dravidian mà chúng tôi từng thử nghiệm (ngôn ngữ nói sử dụng trong các gia đình phía nam, phía đông, miền trung Ấn Độ và các nước như Đông Bắc Sri Lanka, Tây Nam Pakistan, Afghanistan, Nepal, Bangladesh hay Bhutan…) mà còn với các loại ngôn ngữ không liên quan đến nhau, chẳng hạn với mô hình mà chúng tôi thử nghiệm với tiếng Ba Lan, tiếng Thái và tiếng Việt.

Dù công nghệ cỗ máy dịch thuật bằng trí thông minh nhân tạo là một bước tiến đột phá của Google Translate, vẫn còn rất nhiều việc phía trước phải làm. Chúng tôi sẽ tiếp tục nhờ cậy vào Cộng đồng Dịch thuật, những người có thể giúp chia sẻ các hiểu biết ngôn ngữ của mình bằng cách đóng góp và xem xét lại các nội dung dịch.

Chúng tôi sẽ áp dụng công nghệ dịch thuật bằng trí thông mình nhân tạo cho nhiều ngôn ngữ hơn trong vài tuần tới, nhằm giúp các nội dung dịch trở nên mượt mà và suôn sẻ hơn.”

Ví dụ minh họa

Sau đây là một ví dụ minh họa do Google đưa ra, với nguyên bản là một đoạn văn tiếng Pháp trong tác phẩm Hoàng tử Bé của Saint Exupéry, được dịch sang tiếng Anh
Nguyên bản tiếng Pháp:

Il y avait toujours eu, sur la planète du petit prince, des fleurs très simples, ornées d'un seul rang de pétales, et qui ne tenaient point de place, et qui ne dérangeaient personne.

Máy dịch sang tiếng Anh bằng Google Translate theo công nghệ cũ:

He had always been, on the planet of the little prince, very simple flowers, decorated with a single row of petals, and who held no place, and that bothered no one.

Máy dịch sang tiếng Anh bằng Google Translate theo công nghệ mới:

There had always been, on the planet of the little prince, very simple flowers, adorned with a single row of petals, which held no place, and did not disturb anyone.

Bản dịch của Con Người:
On the little prince's planet the flowers had always been very simple. They had only one ring of petals; they took up no room at all; they were a trouble to nobody.

Có thể thấy là bản dịch do máy dịch theo công nghệ mới (áp dụng Trí tuệ Nhân tạo) đã tốt hơn rất nhiều, nhưng vẫn chưa thể mượt mà như Người dịch.

Tiếc rằng cho đến nay chưa có phiên bản Google Translate dịch ra tiếng Việt theo công nghệ mới nên chưa thể so sánh xem đã tốt hơn đến mức nào. Dù vậy, ta hãy thử xem câu văn trên được Google dịch (theo công nghệ hiện tại) ra tiếng Việt như thế nào. Bản dịch như sau:

Hiện đã luôn luôn, trên hành tinh của hoàng tử nhỏ, rất đơn giản, được trang trí với một hàng duy nhất của các cánh hoa, Hoa và đó đang nắm giữ chỉ ra, và người làm phiền không có ai.

Thật là lủng củng và hơi vô nghĩa. Đúng ra phải dịch là:

Trên hành tinh của Hoàng tử Bé, những bông hoa luôn rất đơn giản, được điểm tô chỉ với một vòng cánh hoa, chiếm chẳng bao nhiêu chỗ và chẳng làm phiền đến ai.

Một ví dụ khác: Hiện giờ nếu ta đưa vào cụm từ Năm Giáp Thân thì Google sẽ dịch là… In Body Armor (Body là thân thể, Armor là áo giáp) chứ không hiểu Giáp Thân là một năm âm lịch. Khi áp dụng công nghệ mới, Google sẽ xem xét trong toàn cảnh câu văn để suy luận trước khi dịch và sẽ phán đoán được ý nghĩa để khỏi dịch sai.

Một ví dụ khác về dịch sai: “Quý” trong Quý Mùi dịch sai thành quarter (quý = 3 tháng), “mất” đáng lẽ phải dịch là die/dead (chết) thì dịch là loss (mất mát).

Hiệu quả tới đâu?

Các nhà khoa học ở Google đã dùng các phép đo – thử để xác định độ chính xác dịch thuật và cho ra mô hình sau:


Biểu đồ thể hiện chất lượng dịch của các phương pháp: Dịch theo cụm từ (PBMT, phrase-based, là phương pháp dịch hiện nay của Google), Dịch bằng Trí tuệ Nhân tạo (GNMT, neural, công nghệ dịch mới của Google) và Người dịch (human). Phép đo thực hiện với các cặp ngôn ngữ: dịch từ Anh sang Tây Ban Nha, Anh sang Pháp, Anh sang Hoa và ngược lại. Mức 6 là mức dịch hoàn hảo tuyệt đối. Xem xeet tổng quan, so với công nghệ cũ (PBMT) thì công nghệ mới (GNMT) có nhiều tiến bộ hơn nhưng vẫn còn khoảng cách về chất lượng so với bản dịch của con người. Ngoài ra, tùy theo cặp ngôn ngữ mà chất lượng dịch cao hay thấp; cặp ngôn ngữ Anh – Hoa, Hoa – Anh có chất lượng dịch thấp nhất, kể cả khi Người dịch.

Theo thông báo của Google những cải tiến dịch thuật này sẽ xuất hiện trên Google Translate và áp dụng cho nhiều ngôn ngữ hơn, bắt đầu từ tiếng Nga, tiếng Ba Lan, tiếng Thái, tiếng Việt. tiếng Hindi... Như vậy trong thời gian ngắn nữa ta sẽ có dịp kiểm chứng những bản dịch từ ngôn ngữ khác sang tiếng Việt và ngược lại tốt hơn hiện nay như thế nào.


Phạm Hoài Nhân
LĐĐN - 13/03/2017

TPHCM gặp gỡ doanh nghiệp CNTT đầu năm 2017

Sáng 10-3-2017, Ủy ban Nhân dân TP.HCM đã tổ chức cuộc Gặp gỡ đầu năm ngành công nghệ thông tin – viễn thông (CNTT-VT) năm 2017 với chủ đề: “Doanh nghiệp CNTT-VT xây dựng thành phố thông minh, hiện đại”. Đây là sự kiện truyền thống hàng năm nhằm thắt chặt mối quan hệ giữa chính quyền thành phố và các doanh nghiệp CNTT-VT, đặc biệt là tạo cơ hổi trao đổi, đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy ngành CNTT-VT.

Tại cuộc gặp gỡ năm nay có khu trưng bày các giải pháp, dịch vụ công nghệ xây dựng thành phố thông minh, hiện đại đến từ các doanh nghiệp. Cuộc gặp có sự tham dự của gần 300 đại biểu ở trung ương, TP.HCM và một số tỉnh thành bạn.

Tại cuộc gặp gỡ cũng đã diễn ra ký kết hợp tác giữa Sở TTTT TP; Hiệp hội Doanh nghiệp TP và Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP với Hội Tin học TP; giữa Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán (Sở Khoa học và Công nghệ)  với Công ty CP Công nghệ Sao Bắc Đẩu và Công ty CP Cloudrender.

Công ty Cloudrender và Sao Bắc Đẩu đã ký kết hợp tác với Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán. Ảnh: Phạm Hồng Phước

Thứ Hai, 6 tháng 3, 2017

Microsoft Việt Nam hỗ trợ thúc đẩy ứng dụng CNTT tại Bộ Tài nguyên và Môi trường

Ngày 1-3-2017 tại Hà Nội, Cục Công nghệ Thông tin (CNTT) thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và Microsoft Việt Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc Microsoft hỗ trợ thúc đẩy ứng dụng CNTT tại bộ này. Cụ thể, hai bên sẽ hợp tác trong lĩnh vực ứng dụng, phát triển CNTT, giới thiệu, đề xuất chuyển giao các công nghệ mới của Microsoft giúp nâng cao hiệu quả quản lý và khai thác các hệ thống CNTT của bộ định hướng theo kế hoạch 5 năm ứng dụng CNTT của ngành tài nguyên và môi trường giai đoạn 2016-2020.

Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ. Ảnh: Microsoft.