Khi Uber xuất hiện tại Việt Nam vào năm 2014, người ta bắt đầu chú ý tới
mô hình kinh doanh độc đáo của nó: nền kinh tế chia sẻ. Kể từ đó mô hình này ngày
càng phát triển mạnh, đặc biệt đây là mảnh đất màu mỡ cho các bạn trẻ khởi nghiệp.
Nhiều dự án khởi nghiệp dựa trên mô hình kinh tế chia sẻ đã được ra đời tại
Việt Nam và trong số đó không ít dự án đã đạt được thành công đáng kể. Thế nhưng
năm 2019 chứng kiến sự sụp đổ hoặc xuống dốc của các ông lớn về kinh tế chia sẻ
trên thế giới, như WeWork, Uber, AirBnb… Vậy tương lai của kinh tế chia sẻ ra
sao? Huy hoàng hay điêu tàn?
Mô hình kinh tế chia sẻ ra đời, kỳ vọng lớn cho nền kinh
tế thế giới
Khá nhiều năm trước, những mô hình chia sẻ đã xuất hiện, dù
rằng khi đó chưa gọi là kinh tế chia sẻ. Năm 1995, Craigslist bắt đầu quyên góp
trực tiếp, thuê địa điểm và bán mọi thứ, từ thú cưng, đồ nội thất cho đến căn
hộ. Năm 2000, Zipcar cho phép các thành viên thuê xe hơi để thực hiện các
chuyến đi ngắn (mô hình Uber, Grab,… sau này). Năm 2004, CouchSurfing biến các
phòng khách thành phòng khách sạn (mô hình Airbnb sau này). Thời đó, smartphone
chưa phổ biến rộng rãi, nên những mô hình này dù có hiệu quả nhưng chưa thu hút
sự chú ý của giới đầu tư.
Nửa sau thập niên 2000 và đầu thập niên 2010 chứng kiến sự
phát triển thần tốc của các mô hình kinh tế chia sẻ. Nổi bật nhất là Uber, Lyft
(chia sẻ xe), Airbnb (chia sẻ căn hộ), WeWork (chia sẻ văn phòng làm việc).
Uber, công ty theo mô hình
kinh tế chia sẻ lớn nhất thế giới. Ảnh: The New York Times