Thứ Hai, 26 tháng 7, 2021

Dùng App trên smartphone để đo nồng độ oxy trong máu

Trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn ra, nhất là khi có chủ trương cho các ca F0 nhẹ và F1 cách ly tại nhà, nhiều người đã lùng mua các máy đo nồng độ oxy trong máu để phát hiện sớm tình trạng thiếu oxy và can thiệp kịp thời khi trở nặng. Bằng chiếc iPhone của mình, bạn có thể cài đặt ứng dụng miễn phí để đo nồng độ oxy trong máu với độ chính xác khá cao mà không cần mua thêm thiết bị nào cả.

Nồng độ oxy trong máu là gì?

Nồng độ oxy trong máu - còn gọi là độ bão hòa oxy trong máu hay chỉ số SpO2 (saturation of peripheral oxygen) - biểu thị cho tỷ lệ Hemoglobin có oxy trên tổng lượng Hemoglobin trong máu. Một phân tử Hemoglobin (Hb) có thể kết hợp với 4 phân tử oxy, khi đã gắn đủ 4 phân tử oxy được gọi là bão hòa oxy. Nếu tất cả các phân tử Hemoglobin trong máu đều gắn với oxy thì SpO2 là 100%.

Thứ Hai, 19 tháng 7, 2021

YouTube đồng hành cùng cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh

Trong thời gian bùng phát dịch bệnh, người dân cần phải ở nhà để tránh lây lan thì YouTube là một công cụ hỗ trợ rất đắc lực. YouTube vừa là kênh giải trí, giáo dục giúp mọi người thư giãn, học tập khi phải cách ly; vừa là kênh thông tin tuyên truyền hiệu quả để chống dịch.

Đợt dịch năm ngoái, YouTube phát huy hiệu quả rất tốt

Năm 2020, lần đầu tiên video về Y tế nằm trong Top 10 video nổi bật trong tổng kết cuối năm của YouTube. Không mang những yếu tố hài, giải trí như những video còn lại trong Top 10, video này có nội dung nghiêm túc, chân phương nhưng cách trình bày rất rõ ràng, ngắn gọn dễ hiểu lại thêm minh họa đẹp mắt và nội dung đúng vào sự quan tâm của mọi người nên này thu hút nhiều người xem. Cách tiếp cận đối tượng khán giả qua mạng xã hội sáng tạo của Bộ Y tế đã được cộng đồng ủng hộ nhiệt liệt, giúp thông điệp lan tỏa rộng và mạnh mẽ hơn, góp phần vào thắng lợi trong phòng chống dịch bệnh tại Việt Nam. Ra mắt vào tháng 4-2020, tính đến thời điểm cuối năm video đã có 23,6 triệu lượt xem.

Một thành quả nổi bật nữa là bài hát chống COVID-19 Ghen cô Vy và video Vũ điệu rửa tay của Quang Đăng đã nhanh chóng lan truyền mạnh trong cộng đồng, chẳng những tại Việt Nam mà còn tạo được sự yêu thích ở nhiều nơi trên thế giới.

Ca khúc Ghen Cô Vy từng được thịnh hành khắp thế giới, thông qua kênh YouTube

Về phía mình, YouTube đã khởi động chiến dịch “Ở nhà với tôi” trên toàn cầu. Tại Việt Nam, YouTube đã thay đổi diện mạo mới để ủng hộ chiến dịch này. Nhiều nhà sáng tạo nội dung YouTube Việt cũng đã bắt đầu đặt hashtag #StayHome #WithMe trên video của mình và tăng cường năng suất tạo ra các video thú vị để động viên tinh thần cho các khán giả của mình, cùng nhau trải qua thời gian cách ly xã hội một cách tích cực và ý nghĩa nhất.

Hoạt động phòng chống dịch năm nay trên YouTube

Với nỗ lực chung tay cùng cộng đồng “ở nhà phòng dịch”, YouTube đã phát động chiến dịch “YouTube Vui hè tại gia – Thả ga hoạt động” trong tháng 7-2021, góp phần nâng cao sức khỏe và tinh thần người dân trong thời gian hạn chế dịch bệnh.

Chiến dịch bao gồm chuỗi livestream kéo dài trong 3 tuần (bắt đầu từ 1-7 đến 24-7), được định hướng nội dung bởi các Nhà sáng tạo hàng đầu hiện nay trên nền tảng YouTube. Các livestream này chia sẻ các hoạt động lành mạnh có thể làm tại nhà, bên cạnh việc khuyến khích mọi người thực hiện khẩu hiệu 5K của Bộ Y Tế.

Chiến dịch chính thức mở đầu bằng Tuần livestream với chủ đề Fitness, diễn ra từ ngày 01-07 đến 08-07. Loạt livestream cho 2 tuần tiếp theo: Tuần 2 - Food & Fun (Nấu Ăn & Giải trí) và Tuần 3 - DIY/ Trau dồi thêm kỹ năng mới. Người xem có thể cùng các Nhà sáng tạo hàng đầu thực hiện những bài tập đơn giản, nấu những món ăn ngon miệng hay tự tay làm một món đồ thủ công đầy ấn tượng,… và trên hết là cùng nhau Vui – Khỏe vượt qua mùa dịch.

Chiến dịch này hiện vẫn đang tiếp tục diễn ra. Người dùng có thể vào YouTube và tìm với hashtag #VuihecungYouTube để tham dự livestream.

Khách quan nhận xét, chiến dịch này không đạt hiệu quả cao. Các video đăng tải chỉ có được khoảng dưới 10.000 lượt xem.

Về phía các cơ quan chức năng, chưa thấy có những video tạo sự quan tâm đặc biệt của công chúng như năm ngoái. Bên cạnh những nội dung cập nhật thông tin hàng ngày, người ta thấy không ít video mang tính giật gân để thu hút sự chú ý của người xem. Không loại trừ trong đó là những thông tin sai sự thật, làm hoang mang dư luận.

Có lẽ những người có trách nhiệm cần tạo thêm những video định hướng tốt và hấp dẫn người xem trên YouTube để phát huy tính năng của công cụ này trong công cuộc phòng chống COVID-19.

YouTube Shorts ra mắt, mở ra sân chơi sáng tạo mới

Giao diện YouTube Shorts

Năm 2020, đội ngũ YouTube phát triển YouTube Shorts. Đây là một công cụ tạo video ngắn bằng điện thoại di động tựa như Tik Tok. Phiên bản thử nghiệm đã đến hơn 26 quốc gia và đã ghi nhận rất nhiều các video Shorts sáng tạo tuyệt vời đến từ cộng đồng YouTube.

Ngày 13-7-2021, YouTube Shorts vừa ra mắt toàn cầu. Hiện nay, ở Việt Nam, trên đa số smartphone người dùng mới chỉ có thể xem các video Shorts, bằng cách nhấp vào Shorts ở phía dưới màn hình. Trong một vài tuần tới, công cụ Shorts sẽ được ra mắt tại hơn 100 quốc gia, những nơi mà YouTube có mặt.

Sau đây là một số điều mà YouTube kỳ vọng từ YouTube Shorts khi bắt đầu ra mắt tại Việt Nam.

Mở ra một sân chơi sáng tạo mới: Sáng tạo chính là điều cốt lõi của video dạng ngắn và YouTube mong muốn việc tạo ra các video Shorts trở nên dễ dàng và vui tươi hơn. Shorts bao gồm sẵn những công cụ sáng tạo video cơ bản như sử dụng camera quay nhiều phân khúc để kết nối nhiều đoạn video với nhau, khả năng quay video cùng với nhạc, điều khiển cài đặt tốc độ và thêm nhiều tính năng khác. Dưới đây là một số tính năng của Shorts, hứa hẹn sự thách thhức lớn với Tik Tok:

-        Thêm văn bản vào các điểm cụ thể trong video của bạn

-        Lấy âm thanh mẫu từ những video Shorts khác để phối hợp vào video của bạn

-        Tự động thêm chú thích vào video Shorts của bạn

-        Ghi hình tối đa 60 giây với camera của công cụ Shorts

-        Kết hợp thêm các clip từ thư viện ảnh trên smartphone của bạn vào video vừa tạo từ camera trong công cụ Shorts

-        Thêm các bộ lọc màu cơ bản để chỉnh sửa video Shorts, nhiều hiệu ứng sẽ được bổ sung sau trong tương lai

Shorts có khả năng lấy âm thanh mẫu từ các video khác trên YouTube, vốn bao gồm hàng tỉ video trên toàn cầu, nên mở ra một sân chơi sáng tạo mới chưa từng có. Đây là lợi thế cực kỳ to lớn của Shorts so với các ứng dụng tương tự khác, như Tik Tok.

Mang đến trải nghiệm xem liền mạch trên YouTube: Ngoài việc hỗ trợ khả năng sáng tạo, việc thiết kế và bố trí Shorts giúp mọi người tìm đến Shorts để giải trí và giúp các nhà sáng tạo được biết đến nhiều hơn. YouTube dành ra một hàng trên trang chủ của mình để giới thiệu về Shorts, ra mắt một trải nghiệm nghe nhìn mới giúp bạn dễ dàng vuốt dọc từ video này sang video tiếp theo và sẽ sớm bổ sung thêm một thẻ Shorts trên phiên bản điện thoại để xem các video Shorts dễ dàng hơn chỉ trong một lần nhấn.

YouTube cũng đang tăng cường sự kết nối của người dùng với nội dung của Shorts, với những nhà sáng tạo và nghệ sĩ mà bạn quan tâm nhất bằng cách tích hợp với nền tảng YouTube mà bạn đã biết đến và yêu thích. Ví dụ, nếu bạn nghe được đoạn trích của một bài hát trên Shorts, bạn có thể dễ dàng tìm kiếm cả bài hát, xem cả MV, hoặc biết thêm về nghệ sĩ - tất cả trên YouTube. Và nó hoạt động theo cả hai cách. Nhấn vào biểu tượng tạo ngay từ video để sáng tạo ra một video Shorts của bạn với âm thanh đó, hoặc tìm hiểu xem cách những người khác sử dụng âm thanh đó trên Shorts.

Hỗ trợ các nhà sáng tạo trên thiết bị di động: YouTube đã hỗ trợ cho cả một thế hệ các nhà sáng tạo, giúp họ biến sự sáng tạo của mình thành ý tưởng kinh doanh và trở thành thế hệ tiếp theo của các công ty truyền thông. Trong hơn 3 năm qua, YouTube đã chi trả hơn 30 tỷ USD cho các nhà sáng tạo, nghệ sĩ và các công ty truyền thông.

Với công cụ Shorts là một phương thức mới để xem và sáng tạo trên YouTube, YouTube đã nhìn nhận một cách hoàn toàn mới về việc tạo thu nhập từ Shorts và trả tiền cho người sáng tạo về nội dung của họ.

---

YouTube Shorts được tạo ra không chỉ cho mục đích góp phần phòng chống COVID-19, nhưng với những đặc điểm, tính năng linh hoạt của mình, đây sẽ là công cụ hiệu quả để các nhà sáng tạo nội dung truyền đi những thông điệp tích cực, những thông tin cần thiết cho cộng đồng để cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.

Phạm Hoài Nhân
Báo Đồng Nai - 19/07/2021

Thứ Hai, 12 tháng 7, 2021

Deepfake, mối quan ngại của cả thế giới

Deepfake là công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo để lấy hình ảnh, giọng nói của một người ghép vào video của người khác. Với đà phát triển của công nghệ, việc tạo nên những video giả như trên ngày càng tinh vi khiến người ta không phân biệt được đâu là thật, đâu là giả, từ đó sẽ gây nên những tác hại khó lường.

Deepfake là gì?

Deepfake là một thuật ngữ ghép từ chữ deep-learning nghĩa là học sâu và fake là giả. Deep-learning là một hướng nghiên cứu trong AI, giúp máy tư duy giống người một cách sâu sắc hơn. Công nghệ deepfake sẽ thu thập hình ảnh khuôn mặt của một đối tượng, sau đó thay thế khuôn mặt này vào mặt của một người khác trong video. Đối với các tập tin âm thanh, deepfake sử dụng bản ghi âm giọng nói của một người thực để huấn luyện máy tính nói chuyện giống hệt người ấy.

Một ví dụ cụ thể và khá thông dụng về deepfake là ứng dụng ZAO của Trung quốc.

ZAO là một ứng dụng hoàn toàn miễn phí, ra đời đầu tháng 9-2019. Bạn chỉ cần đưa lên một tấm ảnh chân dung của mình và chọn trong thư viện các clip của ZAO, gồm trích đoạn các bộ phim điện ảnh hay show truyền hình nổi tiếng là bạn sẽ trở thành diễn viên chính trong các clip ấy.

Ứng dụng ZAO hoán đổi gương mặt bạn với diễn viên trong những video nổi tiếng

Thứ Hai, 5 tháng 7, 2021

Dữ liệu lớn giúp dự báo tình hình kiểm soát dịch bệnh

Theo dự báo của nhóm nghiên cứu Đại học Fullbright, đến đầu tháng 8, TP.HCM sẽ chỉ còn rải rác vài ca mắc COVID-19/ngày và dịch sẽ kết thúc vào cuối tháng 8-2021. Nghiên cứu của nhóm sử dụng dữ liệu đầu vào là số ca bệnh theo ngày dịch tễ; hệ số lây nhiễm cơ bản-R0; tham số về các biện pháp can thiệp (giãn cách xã hội từ báo cáo Google Mobility, khả năng truy vết, lây trong khu cách ly từ phân tích các vụ dịch trước). Trong các dữ liệu đầu vào có báo cáo giãn cách xã hội từ Google Mobility. Báo cáo Google Mobility là gì?

Giãn cách xã hội là giải pháp hạn chế lây lan hiệu quả

Giãn cách xã hội (social distancing) là một chiến lược y tế công cộng, nhằm làm hạn chế sự lây lan của bệnh truyền nhiễm, đang được áp dụng tại rất nhiều nơi trên thế giới trước tình trạng COVID-19 đang bùng phát. Việc hạn chế người dân đến những nơi công cộng hoặc giảm lượng người tập trung ở những địa điểm như cơ quan, bệnh viện... cũng nằm trong chiến lược đó. Có thể thấy rằng việc dập tắt dịch nhanh hay chậm có một phần khá lớn là nhờ ở việc hạn chế tập trung nơi công cộng. Thế nhưng làm sao đo được mức độ giảm tập trung ở những điểm công cộng ấy?