Khi Uber xuất hiện tại Việt Nam vào năm 2014, người ta bắt đầu chú ý tới
mô hình kinh doanh độc đáo của nó: nền kinh tế chia sẻ. Kể từ đó mô hình này ngày
càng phát triển mạnh, đặc biệt đây là mảnh đất màu mỡ cho các bạn trẻ khởi nghiệp.
Nhiều dự án khởi nghiệp dựa trên mô hình kinh tế chia sẻ đã được ra đời tại
Việt Nam và trong số đó không ít dự án đã đạt được thành công đáng kể. Thế nhưng
năm 2019 chứng kiến sự sụp đổ hoặc xuống dốc của các ông lớn về kinh tế chia sẻ
trên thế giới, như WeWork, Uber, AirBnb… Vậy tương lai của kinh tế chia sẻ ra
sao? Huy hoàng hay điêu tàn?
Mô hình kinh tế chia sẻ ra đời, kỳ vọng lớn cho nền kinh
tế thế giới
Khá nhiều năm trước, những mô hình chia sẻ đã xuất hiện, dù
rằng khi đó chưa gọi là kinh tế chia sẻ. Năm 1995, Craigslist bắt đầu quyên góp
trực tiếp, thuê địa điểm và bán mọi thứ, từ thú cưng, đồ nội thất cho đến căn
hộ. Năm 2000, Zipcar cho phép các thành viên thuê xe hơi để thực hiện các
chuyến đi ngắn (mô hình Uber, Grab,… sau này). Năm 2004, CouchSurfing biến các
phòng khách thành phòng khách sạn (mô hình Airbnb sau này). Thời đó, smartphone
chưa phổ biến rộng rãi, nên những mô hình này dù có hiệu quả nhưng chưa thu hút
sự chú ý của giới đầu tư.
Nửa sau thập niên 2000 và đầu thập niên 2010 chứng kiến sự
phát triển thần tốc của các mô hình kinh tế chia sẻ. Nổi bật nhất là Uber, Lyft
(chia sẻ xe), Airbnb (chia sẻ căn hộ), WeWork (chia sẻ văn phòng làm việc).
Uber, công ty theo mô hình
kinh tế chia sẻ lớn nhất thế giới. Ảnh: The New York Times
Thật là hợp lý khi với mô hình kinh tế chia sẻ các tài sản của
người này chưa dùng đến được chia sẻ cho người khác dùng, nhờ đó hạn chế tình
trạng tiêu thụ quá mức và ảnh hưởng của nó lên môi trường. Nhà nghiên cứu
Harald Heinrichs cho rằng kinh tế chia sẻ “là con đường mới dẫn tới sự bền
vững”. Chuyên gia Annie Leonard của Greenpeace cho rằng “Kinh tế chia sẻ sẽ
giúp bảo tồn tài nguyên, tạo cơ hội cho mọi người tiếp cận những tài sản họ
không thể sở hữu, và xây dựng cộng đồng”.
Cùng với sự khẳng định của các chuyên gia kinh tế, từ nửa đầu
thập niên 2010 nền kinh tế chia sẻ bắt đầu bùng nổ thành một mô hình kinh tế
trị giá hàng trăm tỷ USD. Mọi thứ đều bị cơn bão chia sẻ cuốn theo. Các ngân
hàng đa quốc gia, các nhà đầu tư đổ tiền vào hàng loạt startup chia sẻ xe đạp, cho
thuê chỗ đậu xe, cho vay ngang hàng, gọi thợ…
Năm 2014, lãnh đạo Airbnb Douglas Atkin khẳng định: “Kinh tế
chia sẻ xứng đáng thành công vì đó là sự phi tập trung hóa tài sản, quyền lực
và kiểm soát”.
Nửa sau thập niên 2010, nền kinh tế chia sẻ sụp đổ tại Mỹ
và châu Âu
Nhà đầu tư khóc “nước mắt
cá sấu” trước bia mộ Kinh tế chia sẻ (Sharing Economy) 1995-2016. Biếm họa của
Medium.
WeWork là một trong những startup hàng đầu nước Mỹ, được
thành lập năm 2010 và có trụ sở tại New York. WeWork đi theo mô hình văn phòng
chia sẻ. Hãng chuyên cung cấp văn phòng chia sẻ cho các công ty công nghệ khởi
nghiệp. Tính đến năm 2018, WeWork quản lý khoảng 4,3 triệu m2 diện
tích văn phòng. WeWork thu hút đầu tư từ hàng loạt đại gia như J.P. Morgan
Chase, Goldman Sachs Group, Legend Holdings…
Cuối năm 2019, WeWork nộp hồ sơ xin phát hành cổ phiếu ra
công chúng lần đầu (IPO). Qua hồ sơ này giới đầu tư giật mình nhận ra tình
trạng sức khỏe tệ hại của WeWork. Thống kê tài chính của WeWork cho thấy: Năm
2016, công ty đạt doanh thu 436 triệu USD nhưng lỗ 429 triệu USD; năm 2017,
doanh thu 886 triệu và lỗ vọt lên tới 890 triệu USD; năm 2018, doanh thu 1,8 tỷ
USD và lỗ 1,6 tỷ USD; 6 tháng đầu năm 2019, WeWork lỗ khoảng 1,3 tỷ USD với
doanh thu 1,5 tỷ USD.
Trong vòng 4 tuần lễ, giá trị vốn hóa của WeWork lao dốc từ
47 tỷ USD xuống còn 10 tỷ USD, mất 37 tỷ USD và có lẽ sẽ còn tụt giảm nữa. Giới
chuyên môn nhận xét rằng WeWork bây giờ chỉ như một xác chết biết đi.
Tình hình của ông lớn kinh tế chia sẻ khác là Uber không đến
nỗi tệ như vậy nhưng cũng chẳng sáng sủa gì. Năm 2018, Uber lỗ tới 1,8 tỷ USD.
Đó là một sự tiến bộ so với năm 2017, khi công ty này lỗ 2,2 tỷ USD. Quý
1/2019, Uber chỉ đạt doanh thu 3 tỷ USD và cũng lỗ tới 1 tỷ USD. Uber từng được
định giá tới 74 tỷ USD trước IPO, và giờ giá trị vốn hóa của nó chỉ vào khoảng
54 tỷ USD. Lyft cũng từng được định giá 15 tỷ USD và giờ giá trị vốn hóa của nó
chỉ vào khoảng 12 tỷ USD.
Giới học thuật Âu Mỹ cho rằng nền kinh tế chia sẻ đã cáo
chung từ 2016. Thời điểm này search trên Google nhóm từ Sharing economy is
dead (nền kinh tế chia sẻ đã chết) cho ra đến… 53,7 triệu kết quả!
Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ là biến dạng của
nền kinh tế chia sẻ. Ví dụ mô hình thuê xe của Uber, Grab: thay vì đúng tinh thần
kinh tế chia sẻ là tài sản (xe) chưa cần dùng đến sẽ được đưa ra phục vụ thì người
ta lại… đổ xô nhau mua xe để chạy Uber, chạy Grab. Từ đó dẫn đến tài sản của xã
hội chẳng những không được tận dụng mà lại càng lãng phí hơn nữa. Đối với mô hình
cho thuê căn hộ kiểu Airbnb cũng vậy, người ta đổ xô nhau mua căn hộ để cho thuê,
làm giá bất động sản tăng cao mà lại không được sử dụng hợp lý.
Kinh tế chia sẻ không tạo ra được sự tin cậy. Thông thường,
chính phủ đóng vai trò trung gian quản lý mối quan hệ giữa các công ty với
người tiêu dùng, trong khi các nền tảng thường né tránh trách nhiệm khi có vấn
đề xảy ra. Ví dụ, từng có trường hợp khách chết hay bị tấn công khi sử dụng
dịch vụ thuê phòng Airbnb hay thuê xe Uber nhưng các công ty này không chịu
trách nhiệm. Kinh tế chia sẻ cũng không đem lại sự ổn định tài chính. Người lao
động làm việc trong các ngành kinh tế chia sẻ như tài xế Uber hay Grab đều có
thu nhập thấp, không có bảo hiểm xã hội hay y tế.
Một nhược điểm chết người nữa của nền kinh tế chia sẻ là rất
nhiều startup lợi dụng sức hấp dẫn của mô hình này để tạo ra các “con hổ giấy”
thu hút các nhà đầu tư, mà WeWork là một minh chứng rõ nét.
Nhưng kinh tế chia sẻ vẫn đang phát triển mạnh tại châu Á
và Việt Nam
Câu nói “Nền kinh tế chia sẻ đã chết” lại hoàn toàn không đúng
ở châu Á! Khác với các quốc gia phương Tây, nền kinh tế chia sẻ tại nhiều quốc
gia châu Á đang phát triển mạnh mẽ. Trung Quốc thành lập một trung tâm chuyên
nghiên cứu về nền kinh tế chia sẻ mang tên SERC và báo cáo của cơ quan này mới
đây cho thấy có khoảng 600 triệu người Trung Quốc đã tham gia ngành kinh tế
chia sẻ, tạo ra khoảng 500 tỷ USD trong năm 2016, tăng 103% so với năm 2015.
Tại nhiều quốc gia ở Đông Nam Á, các doanh nghiệp Startup đi
theo mô hình này đang nổi lên nắm giữ những vị thế nhất định trên thị trường. Ngay
tại Việt Nam thì các doanh nghiệp như Grab, Go-Jek (Go-Viet khi vào thị trường
Việt) đang có những lợi nhuận lớn được tạo ra trong mấy năm trở lại đây. Nhiều
thương hiệu Việt cũng mới tham gia thị trường này, nhận được các khoản đầu tư lớn
và đạt hiệu quả cao, như Be (gọi xe), Luxstay (cho thuê căn hộ)…
Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số
999/QĐ-TTg ngày 12-8-2019 Phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. Đề
án này có 3 mục tiêu chính:
- Đảm bảo môi trường kinh
doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia
sẻ và kinh tế truyền thống.
- Đảm bảo quyền lợi, trách
nhiệm và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia mô hình kinh tế chia sẻ bao
gồm người cung cấp dịch vụ, người sử dụng dịch vụ và doanh nghiệp cung cấp
nền tảng.
- Khuyến khích đổi mới sáng
tạo, ứng dụng công nghệ số và phát triển nền kinh tế số.
17 Bộ - Cơ quan ngang bộ được giao nhiệm vụ nghiên cứu, xây
dựng chính sách phù hợp với 3 mục tiêu trên. Hy vọng rằng các đơn vị trên sẽ đúc
rút kinh nghiệm từ những trường hợp thành công và thất bại trên thế giới để xây
dựng mô hình kinh tế chia sẻ hợp lý nhất tại Việt Nam
Phạm Hoài Nhân
Báo Đồng Nai cuối tuần - 10/01/2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét