Tuần lễ cuối tháng 10 vừa qua diễn
ra sự kiện “Global Media and Information Literacy Week” (tạm dịch Tuần lễ Thông
hiểu về Phương tiện Truyền thông và Thông tin toàn cầu) do UNESCO tổ chức. Đây
là sự kiện hàng năm, được bắt đầu từ năm 2012. Vào dịp này, UNESCO phối hợp cùng
các tổ chức quốc tế tạo nên các hoạt động “xóa mù truyền thông” trên toàn thế
giới.
Media and Information Literacy là gì?
Media and Information Literacy (MIL) là một khái niệm do
UNESCO đưa ra, được định nghĩa như sau: MIL là tập hợp các năng lực giúp cho
mọi người (công dân) có thể truy cập, tìm kiếm, hiểu, đánh giá và sử dụng; có
thể tạo ra cũng như chia sẻ được nội dung thông tin và truyền thông ở mọi dạng
thức, sử dụng được các công cụ khác nhau, có thể hiện quan điểm rõ rệt của cá
nhân (trong việc sử dụng thông tin) và (các hoạt động trên được tiến hành) theo
cách phù hợp với đạo đức và có hiệu quả nhằm tham gia và khuyến khích các hoạt
động mang tính cá nhân, nghề nghiệp và xã hội.
Thuật ngữ tiếng Anh Literacy nghĩa là năng lực đọc,
viết và hiểu một ngôn ngữ nào đó. Khi nói về tình trạng mù chữ người ta cũng
hay dùng từ literacy. Như vậy, so sánh một cách nôm na thì nếu trước nay
ta có việc xóa nạn mù chữ thì bây giờ trong thời đại 4.0 ta có việc xóa
nạn mù phương tiện truyền thông và thông tin. Xin lưu ý rằng trong khái niệm
trên không có từ công nghệ, tức là không hề xét đến bạn dùng ứng dụng nào,
thiết bị gì để tiếp thu và truyền đi thông tin, mà chỉ xét đến việc bạn hiểu thông
tin như thế nào thôi. Đó cũng là lý do tại sao sự kiện Global Media and
Information Literacy Week lại do một tổ chức văn hóa như UNESCO đăng cai chứ không
phải do một công ty công nghệ.
Tuần lễ MIL toàn cầu năm 2021 do Nam Phi và UNESCO đồng tổ
chức từ 24 đến 31-10 với chủ đề “Thông hiểu Phương tiện Truyền thông và Thông
tin vì lợi ích cộng đồng”, với sự hỗ trợ của Ủy ban Châu Âu. Các bên liên quan
trên khắp thế giới đã tụ tập trực tuyến trong dịp quan trọng này và tổ chức hơn
600 sự kiện địa phương để kỷ niệm Tuần lễ. Đây là lần đầu tiên Global Media and
Information Literacy Week do một quốc gia châu Phi đăng cai tổ chức và được tổ
chức ở cấp Liên hiệp quốc, sau khi được Đại hội đồng Liên hiệp quốc công bố vào
ngày 25-3 năm nay. Trong suốt tuần, gần 150 diễn giả đã nhấn mạnh vai trò then
chốt của việc thông hiểu phương tiện truyền thông và thông tin vì lợi ích cộng
đồng trong 25 phiên hội nghị.
“Xóa mù truyền thông” ở các nước Đông Nam Á
Đại dịch COVID-19 khiến mọi người phải chuyển phần lớn công
việc của mình sang online, từ công việc, học tập đến mua sắm, giải trí. Từ đó dẫn
đến việc số người dùng Internet tăng cao. Số liệu thống kê cho biết tại Đông
Nam Á số người dùng Internet năm 2019 là 360 triệu người, năm 2020 là 400 triệu
người và năm 2021 là 440 triệu người. Nghĩa là tăng thêm 40 triệu người mỗi năm.
So với những người dùng Internet đã lâu thì hàng trăm triệu
người dùng mới này ít sành sõi hơn, kém tự tin hơn. Mục đích chính ban đầu của
họ khi tiếp cận Internet là do nhu cầu công việc, rồi nhân tiện đó mới tiếp cận
các kênh thông tin qua mạng khác như mạng xã hội, báo mạng, blog… Do đó nhận thức
của họ về các phương tiện truyền thông này chưa cao. Khi đọc một thông tin trên
mạng, họ chưa ý thức được việc kiểm chứng nguồn tin và cũng không biết kiểm chứng
như thế nào. Và rồi họ hồn nhiên chia sẻ các thông tin này đi, mà không biết đến
tác hại của chúng. Không chỉ những người mới, không ít người cũ cũng chưa có ý
thức về điều này, đúng như khái niệm mù chữ, ở đây là mù về phương tiện
truyền thông và thông tin.
Một số kẻ lợi dụng điều này, tung ra những thông tin không đúng
sự thật hoặc chỉ đúng một phần nhằm lèo lái dư luận theo hướng có lợi cho họ, mà
người ta vẫn thường gọi là dắt mũi dư luận. Trong đa số trường hợp, những
điều này gây ảnh hưởng xấu cho xã hội.
Do đó, ở Đông Nam Á, việc xóa mù truyền thông trong cộng đồng
cần hết sức được coi trọng.
Google góp phần vào việc “xóa mù truyền thông” ở Đông Nam
Á
Nhân dịp Tuần lễ Thông hiểu Phương tiện Truyền thông và
Thông tin Toàn cầu năm 2021 của UNESCO, Google giới thiệu một số hoạt động để “xóa
mù truyền thông” cho người dân ở đây, mục tiêu là đảm bảo nhiều người Đông Nam
Á hơn - đặc biệt là những người dùng lần đầu - có thể lướt Internet một cách tự
tin.
Google đã công bố khoản tài trợ 1,5 triệu USD từ Google.org
để giúp Quỹ ASEAN triển khai hoạt động “xóa mù truyền thông” ở 10 quốc gia Đông
Nam Á. Mục tiêu là trang bị cho hơn 1.000 giảng viên các kỹ năng và tài liệu
mới, cho phép họ đào tạo cho hơn 100.000 người - từ thanh niên đến người dùng
Internet lớn tuổi - trong hai năm tới. Ngoài khoản tài trợ của Google.org, nhân
viên của Google có kế hoạch tình nguyện dành thời gian và chuyên môn kỹ thuật
của họ cho ASEAN Foundation và những người thụ hưởng của tổ chức này.
Tại Diễn đàn kỹ thuật số ASEAN, sự kiện nằm trong Global Media
and Information Literacy Week, Google cho biết họ đang làm rất nhiều điều về
công nghệ, từ việc ưu tiên đưa các trang web có uy tín và chất lượng lên trên
trong kết quả tìm kiếm đến việc tạo ra các công cụ tốt hơn cho người dùng kiểm
tra tính xác thực của thông tin.
Mặt khác, tại từng địa phương, Google có những giải pháp cho
những thách thức cụ thể mà cộng đồng đang phải đối mặt. Ví dụ:
- Tại Indonesia, Google hợp tác với MAFINDO để phát triển
một bộ phim truyền hình dài tập hướng dẫn người xem về cách loại bỏ thông tin
sai lệch trong bối cảnh gia đình, sau đó là tổ chức hội thảo thực hành cho
5.000 người.
- Tại Philippines, Google giúp Học viện Báo chí và Tuyên
truyền Châu Á tạo ra các công cụ giảng dạy và đào tạo cho gần 300 giáo viên
trung học phổ thông. Điều đó bao gồm các video thể hiện “một ngày trong đời”
của một nhà báo địa phương và các video kiểu phóng sự tin tức để bối cảnh hóa
khả năng hiểu biết về tin tức - những video này đã đạt được 40.000 lượt xem của
học viên.
Tại Diễn đàn, Google đã cùng với tổ chức ASEAN, cho ra mắt
một cuốn truyện tranh để minh họa cách thông tin sai lệch có thể lan truyền và
những việc cần làm để ngăn chặn điều đó. Truyện tranh viết bằng tiếng Anh, mọi
người có thể tải về để xem tại đường link: https://www.aseanfoundation.org/asean_digital_literacy_101
“Xóa mù truyền thông” là công việc lâu dài và đòi hỏi nỗ
lực tập thể
Thông tin sai lệch có nhiều mặt và những thách thức mà nó
tạo ra không ngừng phát triển. Do đó, cũng giống như công cuộc xóa nạn mù chữ, “xóa
mù truyền thông” là công việc lâu dài và đòi hỏi nỗ lực tập thể. Cần có sự phối
hợp cùng nhau giữa các cơ quan nhà nước, các công ty tư nhân và tổ chức phi lợi
nhuận để cung cấp cho mọi người kiến thức họ cần. Nhưng trên hết là ý thức cá
nhân của từng người sử dụng Internet để hiểu được mình phải làm gì khi tiếp cận,
phân tích, ghi nhận và truyền tải thông tin.
Phạm Hoài Nhân
Báo Đồng Nai - 15/11/2021
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét