Ngày 17-2-2022, Google vừa công bố báo cáo “Tìm kiếm cho Ngày mai – Search for Tomorrow” phân tích các xu hướng tìm kiếm nổi bật của người Việt trong năm 2021. Trong 5 xu hướng mới của người tiêu dùng kỹ thuật số tại Việt Nam trong năm qua được báo cáo nêu lên thì “Cuộc sống số trở thành dòng chảy chủ đạo” là xu hướng chính và quan trọng nhất.
Tổng quan về báo cáo “Tìm kiếm cho Ngày mai – Việt Nam 2021”
Đây là bản báo cáo “Tìm kiếm cho Ngày mai” thứ nhì của
Google, sau báo cáo đầu tiên hồi đầu năm 2021. Báo cáo nêu lên sự hình thành 5
xu hướng mới của người tiêu dùng kỹ thuật số tại Việt Nam và dự báo những xu hướng
này sẽ dẫn dắt thị trường tiêu dùng kỹ thuật số trong năm 2022 ra sao. 5 xu hướng
đó là:
-
Cuộc sống kỹ thuật số trở thành dòng chảy chủ đạo
-
Nhìn nhận lại cuộc sống
-
Rút ngắn những khoảng cách
-
Tìm kiếm sự thật
-
Sự gia tăng tình trạng bất bình đẳng
Nếu năm 2020 chứng kiến hàng triệu người chuyển sang thế
giới số thì năm 2021 cho thấy sự phát triển vững vàng của dòng chảy kỹ thuật số.
Do vậy ‘Cuộc sống số trở thành dòng chảy chủ đạo” chính là xu hướng bao trùm và
quan trọng nhất, sẽ được xem xét chi tiết trong bài viết này.
Hành trình vào thế giới số
Nếu năm 2020 chứng kiến hàng triệu người tiêu dùng bước chân
vào thế giới số thì năm 2021 cho thấy sức mạnh hiển nhiên của kỹ thuật số. Từ
mua sắm đến dịch vụ, những người dùng mới đã bắt đầu hành trình trực tuyến của
họ do nhu cầu bắt buộc, giờ đây đang chủ động khai thác triệt để hơn cách sử
dụng của mình. Nhanh chóng, tiện lợi và giá cả hợp lý là một vài trong số những
lý do khiến ngày càng nhiều người tiêu dùng lựa chọn lối sống ưu tiên cho kỹ
thuật số.
Ở châu Á – Thái Bình Dương (APAC), quá trình chuyển dịch
tiếp tục diễn ra trong năm 2021 với việc mọi người trực tuyến để truy cập các
dịch vụ bị gián đoạn do ngừng hoạt động thực tế vì đại dịch. Tại Việt Nam đã có
thêm 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới kể từ khi bắt đầu đại dịch, trong đó
hơn một nửa đến từ các khu vực không phải thành phố lớn. Năm 2021 tổng số lượng
tìm kiếm trên Google tăng 37% so với trước đại dịch. Tìm kiếm gia tăng vẽ nên
bức tranh cho thấy nhiều người mới không chỉ bước chân vào thế giới trực tuyến
mà còn nỗ lực tích hợp kỹ thuật số vào lối sống của họ.
Sau 5 tháng ngừng hoạt động trong năm 2021, người tiêu dùng
Việt Nam, những người đã trở nên thoải mái hơn với thế giới số hiện đang chọn
tiếp tục trực tuyến. Trong số những người dùng kỹ thuật số mới ở Việt Nam, 97%
vẫn đang sử dụng các dịch vụ trực tuyến và 99% có ý định tiếp tục làm như vậy.
Những lợi ích như tiết kiệm thời gian và chi phí, sự đa dạng của sản phẩm cung
cấp và dịch vụ giao hàng tận nơi đang thúc đẩy người mua sắm lựa chọn trải
nghiệm ưu tiên kỹ thuật số. Tổng giá trị hàng hóa (Gross Merchandise Volume, GMV)
năm 2021 của Việt Nam dự kiến đạt 21 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm
ngoái, phần lớn do mức tăng trưởng 53% của ngành thương mại điện tử.
Sự gia tăng người dùng trực tuyến do đại dịch khiến các
thương hiệu phải thích ứng và số hóa ở quy mô và tốc độ mà họ chưa từng nghĩ đến.
8 trong số 10 người bán dự đoán rằng trong 5 năm tới hơn một nửa doanh số bán
hàng của họ đến từ các nguồn trực tuyến. Điều này đang thúc đẩy các doanh nhân
thời đại số ở Việt Nam phải hiểu biết về công nghệ, 81% trong số họ có khả năng
sẽ tăng cường sử dụng thanh toán kỹ thuật số trong một đến hai năm tới.
Người tiêu dùng trực tuyến mới và doanh nghiệp trực tuyến
mới
Khi nhiều người dùng mới tham gia trực tuyến, các doanh nghiệp phải phát triển các chiến lược kỹ thuật số của họ để đáp ứng khách hàng của mình. Lượt tìm kiếm trực tuyến ngày càng tăng trên khắp APAC cho thấy các doanh nghiệp đang nỗ lực tìm hiểu thêm về các chiến lược chuyển đổi số và quản lý bán hàng trực tuyến, còn người mua sắm trực tuyến mới đang tìm kiếm phương án mua hàng hiệu quả nhất.
- Bị thúc đẩy bởi làn sóng Covid, các tìm kiếm “mua online” đã tăng 42%, cùng với việc gia tăng tìm kiếm liên quan đến mua sắm online ở các cửa hàng lớn.
- Các tìm kiếm về “trung tâm thương mại” hay “trung tâm mua bán” tăng 45% ở Việt Nam, cho thấy các chủ doanh nghiệp lớn và nhỏ đều đang tìm cách đưa sản phẩm của mình lên nền tảng kỹ thuật số.
- Các tìm kiếm về “ngân hàng online” tăng 58%, “mở thẻ online” tăng 76%.
- Các tìm kiếm về “chuyển đổi số” tăng hơn 57%, cho thấy các doanh nghiệp đang chuyển mình sang thế giới trực tuyến.
Mua sắm? Hãy trải nghiệm online trước
Ngày nay, gần một nửa số người tiêu dùng APAC được khảo sát cho biết rằng không có lý do gì để đến cửa hàng nếu họ có thể mua online những thứ họ cần. Các lượt tìm kiếm gia tăng cho thấy người mua sắm đang sử dụng các kênh kỹ thuật số như một công cụ hữu ích để ra quyết định mua hàng và chấp nhận những nhược điểm như thời gian chờ giao hàng hay chi phí có thể cao hơn một chút.
- Tìm kiếm về những nhà bán lẻ thực phẩm đa kênh tăng mạnh. Ví dụ: tìm kiếm về “Bách hóa XANH” tăng 160%, tìm kiếm về “Co.opmart online” tăng 400%.
- Người mua hàng quan tâm tìm kiếm những ưu đãi khi mua hàng online. Ví dụ: tìm kiếm về “Shopee voucher” tăng hơn 266%.
- Người mua hàng sử dụng hình thức trực tuyến để so sánh tác dụng và lợi ích của các sản phẩm khác nhau. Tìm kiếm về “tác dụng” tăng 16%.
- Ngay cả khi người tiêu dùng mua hàng trực tiếp ở cửa hàng thì họ vẫn có một trải nghiệm online trước đó. Các tìm kiếm về “siêu thị gần đây” đã tăng 58%.
Kỹ thuật số trong cuộc sống thường ngày của chúng ta
Mọi người sử dụng các ứng dụng trên điện thoại và công nghệ ngày
càng nhiều trong cuộc sống thường ngày, hay thử nghiệm các dịch vụ kỹ thuật số
mới như thanh toán không tiếp xúc. Ví điện tử ban đầu là một cách để thanh toán
an toàn trong thời kỳ đại dịch, nhưng sự dễ dàng và tiện lợi mà chúng mang lại
đã chiếm được cảm tình của người tiêu dùng. Kể từ khi đại dịch xảy ra, các giao
dịch tiền mặt đã giảm ở Việt Nam trong khi giao dịch ví điện tử tăng 1,3 lần,
cho thấy sự chuyển hướng lớn sang thanh toán kỹ thuật số.
Các tìm kiếm về “ví điện tử”, “ví kỹ thuật số” tăng 100% phản
ánh xu hướng dùng ví điện tử đang phát triển mạnh.
Những định dạng số được ưa chuộng
Các định dạng kỹ thuật số có động lực phát triển mạnh mẽ khi
người dùng ở APAC ưa chuộng giải trí trực tuyến. Những hình thức livestream để
bán hàng hay để quảng bá sản phẩm được các sàn TMĐT như Shopee, Lazada… ứng dụng
mạnh mẽ và luôn thu hút được lượng khán giả theo dõi rất lớn. Với TV được kết nối
Internet, người mua có thể thoải mái ngồi tại nhà và giao lưu trực tiếp với người
bán qua livestream.
Người tiêu dùng thông qua kênh YouTube để tìm hiểu thông tin,
xem trải nghiệm, so sánh và đánh giá sản phẩm truớc khi mua hàng (lượng tìm kiếm
trên YouTube tăng hơn 1.250%).
Trong lĩnh vực giải trí, người dùng cũng đang chuyển dần
sang các định dạng số. Ví dụ, ở Việt Nam lượt tìm kiếm về “phim hay” tăng 9%,
cho thấy người ta đang chuyển dần sang xem phim trên các thiết bị kỹ thuật số.
Phạm Hoài Nhân
(theo báo cáo Search
for Tomorrow – Vietnam 2021 của Google)
Báo Đồng Nai - 21/02/2022
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét