Khi bạn đến với những ứng dụng AI, nhất là với những AI chatbot như ChatGPT, Gemini... thì Prompt mang ý nghĩa và đóng vai trò rất quan trọng.
Nếu tra từ điển thì prompt nghĩa là lời nhắc, nhưng trong bối cảnh AI thì:
Prompt là yêu cầu, câu lệnh hoặc đoạn văn bản mà người dùng nhập vào để tương tác với mô hình AI. Nó là "đầu vào" để AI hiểu và tạo ra "đầu ra" (văn bản, hình ảnh, mã code, v.v.) theo mong muốn của người dùng.
Hiểu đơn giản, khi bạn sử dụng các công cụ AI, cái mà bạn gõ vào ô chat hoặc cung cấp cho AI để nó xử lý chính là "prompt". Độ rõ ràng, chi tiết và cách diễn đạt của prompt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và sự phù hợp của kết quả mà AI tạo ra.
Chính vì Prompt quan trọng như vậy nên Google đã biên soạn tài liệu tựa là The Art of the Prompt để hướng dẫn người dùng sử dụng Gemini (AI chatbot của Google) hiệu quả nhất.
Dù là viết để dùng cho Gemini nhưng những nội dung này đúng cho prompt của tất cả các AI chatbot khác như ChatGPT, DeepSeek, Grok... Do đó đây là tài liệu hữu ích cho người tìm hiểu cách ứng dụng AI.
Tài liệu là file PDF, viết bằng tiếng Anh, 55 trang dạng slide. Nói chung là không quá khó để đọc nhưng đọc 55 trang tiếng Anh (dù là slide) cũng hơi cực và mất thời gian. Do đang giới thiệu NotebookLM nên tui lấy tài liệu này làm thí dụ cho NotebookLM đọc dùm và tổng hợp, phân tích... Coi như một công đôi chuyện, vừa hướng dẫn xài NotebookLM vừa hướng dẫn tạo Prompt luôn!
Bây giờ bắt đầu nghen.
Như đã giới thiệu trong bài trước, bạn khởi chạy NotebookLM bằng cách vào trình duyệt, nhập: notebookLM.google.com rồi nhấp vào Tạo mới. Như ta thấy trong hình, dạng tài liệu tải lên (gọi là Nguồn) có thể là file PDF, từ Google drive, trang web, YouTube, v.v... Ở đây ta nhấp chọn tệp rồi chọn file The Art of the Prompt vừa download về để upload lên.
Hình 1
Upload xong, giao diện sẽ như hình dưới (bạn có thể click vào hình để phóng to cho dễ nhìn).
Hình 2a
Khung bên trái là Nguồn. Nơi đây ghi nhận và quản lý những nguồn ta tải lên. Khi tìm hiểu về một chủ đề nào đó, ta có thể tải lên nhiều nguồn khác nhau (và cả loại file khác nhau) có nội dung liên quan đến chủ đề đó. NotebookLM sẽ đọc và xử lý tất cả những nguồn đó để đưa ra kết quả tổng hợp. Trong thí dụ này ta chỉ dùng một nguồn cho đơn giản.
Khung ở giữa là Cuộc trò chuyện. Bạn thấy một đoạn ngắn giới thiệu nội dung chính của 55 trang tài liệu ta vừa tải lên, bằng tiếng Việt nha chớ không phải tiếng Anh như nguyên bản. Để dễ theo dõi, tui xin gõ lại như sau:
The Art of the Prompt
1 nguồnTài liệu này là một hướng dẫn được biên soạn bởi các Chiến lược gia và Sáng tạo tại Google nhằm truyền cảm hứng về cách sử dụng Gemini để hỗ trợ các nhiệm vụ cụ thể, đặc biệt là trong các quy trình thu thập thông tin chi tiết và ý tưởng. Nó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc định nghĩa rõ ràng vai trò của Gemini và bản thân bạn khi làm việc với AI để đạt được kết quả tốt nhất. Hướng dẫn khuyến khích xây dựng văn hóa thử nghiệm AI trong nhóm và khám phá các khả năng đa phương thức của Gemini, bao gồm việc sử dụng hình ảnh và các dạng dữ liệu khác. Cuối cùng, nó đưa ra các ví dụ cụ thể về cách sử dụng Gemini cho các tác vụ chiến lược và sáng tạo, như phân tích nghiên cứu, động não ý tưởng và viết nội dung quảng cáo, cùng với các mẹo viết prompt hiệu quả.

Hình 2b
Bên dưới đoạn giới thiệu này ta thấy một khung hội thoại. Bạn có thể đặt câu hỏi và NotebookLM sẽ đọc trong tài liệu để trả lời câu hỏi của bạn. Như vậy khác với ChatGPT hay Gemini là hỏi cái gì cũng được, ở đây nội dung hỏi đáp chỉ giới hạn trong nội dung các tài liệu đã được tải lên trong Nguồn. Khi trả lời, NotebookLM sẽ g chú thích rõ ý đó là lấy từ trang mấy của tài liệu nào. Còn nếu như câu hỏi nằm ngoài phạm vi tài liệu nó sẽ trả lời là không tìm thấy nội dung đó trong [tất cả các] tài liệu tải lên. Thí dụ, bạn có thể hỏi: Gemini có thể hỗ trợ những loại nhiệm vụ sáng tạo và chiến lược nào? Nguyên tắc nào tạo nên prompt có hiệu quả?...
Ở đây ta thấy có mục Bản đồ tư duy, nhấp vào đây nó sẽ tạo cho ta một sơ đồ tư duy về nội dung của tài liệu.
Sơ đồ tư duy (click vào hình để phóng to)
Khung bên phải là Studio. Ở đây đúng là sân chơi thứ thiệt. Ta có các mục:- Hướng dẫn học tập: Tựa như Câu hỏi ôn tập của thầy giáo đối với bài học, kèm theo đáp án.
- Câu hỏi thường gặp: Tức FAQ, những câu hỏi thường gặp đối với chủ đề này, kèm theo đáp án.
- Tài liệu tóm tắt: Đây là tóm tắt với tương đối đầy đủ nội dung của tài liệu, giúp bạn đọc nhanh toàn bộ tài liệu. Và bằng tiếng Việt, không phải tiếng Anh như nguyên gốc.
- Dòng thời gian: Nếu tài liệu có nhiều dữ kiện về thời gian, NotebookLM sẽ liệt kê các sự kiện theo trình tự thời gian để dễ theo dõi.
Và đây mới là tính năng hay nhất, hấp dẫn nhất của NotebookLM: Tạo bản tổng quan bằng âm thanh.
Click vào đây NotebookLM sẽ tạo nên một cuộc nói chuyện giữa 2 người, một nam và một nữ, về toàn bộ nội dung tài liệu đã được tải lên. Cuộc nói chuyện rất tự nhiên với những ậm ừ, ờ héng mà rất đầy đủ, dễ hiểu, bằng tiếng Việt.
Nếu bạn muốn tìm hiểu tài liệu mà làm biếng thì không có gì tuyệt vời hơn tính năng này. Chỉ cần Tạo bản tổng quan bằng âm thanh, rồi nằm nghe 2 đứa nó nói chuyện là đủ hiểu tài liệu nói gì.
Tất cả những điều bạn làm ở đây bạn đều có thể chia sẻ cho người khác, nếu muốn. Tất nhiên là tui cũng có thể chia sẻ cho bạn những nội dung tui đã làm và trình bày cho bạn nãy giờ, nhưng để bạn tự làm lấy mới vui chớ. Phải hông?
Phạm Hoài Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét