Thứ Hai, 13 tháng 1, 2014

Hôi bia ở Biên Hòa và mạng xã hội

Trước khi xảy ra vụ hôi bia ở Biên Hòa chắc chắn đã có rất nhiều tình huống xe chở hàng bị lật và hàng hóa trên xe rơi xuống đất. Chắc chắn rằng đã có tình huống người dân ùa đến để hôi của hoặc giúp lái xe thu gom hàng hóa bị rơi. Thế nhưng những sự kiện đó không hề được đưa lên phương tiện truyền thông. Chỉ đến khi sự cố xe chở bia lật xảy ra ở vòng xoay Tam Hiệp và đám đông ùa đến hôi của, bị chụp ảnh, quay phim đưa lên mạng thì điều này mới thu hút sự chú ý của dư luận vì tính phản cảm của nó. Cũng từ đó, hầu như có vụ xe chở hàng hóa bị lật nào báo chí cũng đưa tin lên kèm theo là phản ứng của đám đông: ùa vào hôi của hay giúp lái xe bảo vệ hàng hóa.




Rủi thay, ngoài các vụ người dân không hôi của thì lại có một vụ hôi của xảy ra, và vụ đó lại cũng xảy ra ở Đồng Nai: xe chở bắp bị đổ ờ Long Thành! Thế là Biên Hòa – Đồng Nai bị mang tiếng xấu.

Có phải vì bản chất người Biên Hòa - Đồng Nai quá tệ nên khi sự cố xảy ra ở đây thì người dân ùa vào hôi của còn ở nơi khác thì không? Không phải bênh vực cho tỉnh nhà, nhưng theo tôi có những nguyên nhân khách quan dẫn đến tình huống này (mà không phải là vì xảy ra ở Biên Hòa). 

Hãy tưởng tượng tình huống người đầu tiên tới hôi bia. Nơi xảy ra vụ việc là một giao lộ, nơi đông đúc người, xe qua lại. Anh (chị) ta sẽ nghĩ rằng giữa nơi tấp nập như vậy chẳng mấy ai để ý tới mình, của trời cho đầy đường như vậy không lấy thì uổng, mà lấy thì cũng chẳng ai biết. Ngu gì không lấy? Nếu vụ việc xảy ra ở gần nhà anh (chị) ta, hoặc trên một con đường mà lối xóm biết nhau chắc khả năng hôi bia sẽ giảm đi rất nhiều, thậm chí không có hay xảy ra theo chiều hướng ngược lại, là giúp đỡ người bị nạn.

Còn người thứ nhì đến thứ n tới chôm bia? Có những người suy nghĩ giống như người đầu tiên, nhưng đa số sẽ là theo hiệu ứng đám đông, tâm lý bầy đàn. Thằng (con) đó lấy được sao mình không lấy? Không lấy là ngu! Và cứ như thế, đám đông tăng lên dần mà không cần suy nghĩ về hành vi và hậu quả việc mình làm.

Bây giờ ta tưởng tượng Facebook là một đô thị, một giao lộ to tướng. Nơi này cũng rất đông đúc người qua kẻ lại, nên mỗi cá nhân cho rằng hành vi của mình trên ấy sẽ dễ bị chìm khuất đi. Khi có một sự cố xảy ra (giống xe chở bia bị lật) như bị sếp quở, bạn bè chơi xỏ, bồ đá... hoặc làm chuyện lố bịch như hành hạ động vật, báng bổ chốn linh thiêng... thì cứ tỉnh bơ post lên Facebook, nói những lời mà nếu ngoài đời thật họ không hề dám nói. Vì đây chỉ là thế giới ảo thôi mà, có gì mà ngại!

Những người khác? Sẽ có người còm-men(nhận xét) chém gió. Người khác thấy thế thì theo hiệu ứng đám đông, tâm lý bầy đàn sẽ hùa theo, mạt sát chửi rủa thậm tệ. Thằng (con) đó chửi được sao mình lại không? Và như thế, các câu nhận xét vung vít tăng dần mà người viết không cần hiểu cũng như hình dung hậu quả việc mình làm.

Nếu bạn có sử dụng Facebook, chắc hẳn bạn đã từng thấy rất nhiều tình huống ai đó bị tấn công dồn dập trên đó sau khi chính mình hoặc người khác đưa lên một câu nói hay một hình ảnh thiếu cân nhắc. Không phải hôi của mà là đánh hôi, hùa theo đám đông mà đánh chẳng cần suy xét xem phải trái thế nào (có khi chính bạn cũng tham gia đánh hôi chăng?).

Hiện tượng đánh hôi này (có khi được gọi là anh hùng bàn phím) đầy dẫy trên Facebook, đâu cứ gì ở Biên Hòa?

Nêu lên suy nghĩ này, không phải tôi muốn bênh vực cho người Biên Hòa, chỉ muốn nói lên một thực trạng trên mạng xã hội. Bạn có thể chê trách, phê phán những người hôi bia, nhưng trên mạng xã hội có khi bạn lại đang đánh hôi, một hành động chẳng khác gì hôi bia ngoài đời cả bạn ạ!

Phạm Hoài Nhân
LĐĐN - 13/01/2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét