Thứ Hai, 20 tháng 1, 2014

Facebook: cho trẻ em hay cho người lớn?

Đà Nẵng: Tập huấn cho giáo viên sử dụng Facebook



Mới đây, vào tháng 12/2013, phòng giáo dục & đào tạo quận Ngũ Hành Sơn ở Đà Nẵng đã mở lớp tập huấn cho giáo viên về Facebook để quản học sinh tốt hơn. Nói về việc này, thầy Trần Văn Hồng - Phó trưởng Phòng GD&ĐT quận Ngũ Hành Sơn cho biết: 

“Hiện nay, tình trạng trẻ hóa số học sinh sử dụng Facebook thực sự là một lời báo động không chỉ đối với nhà trường mà còn toàn xã hội. Nếu như trước đây, chỉ có lứa tuổi THPT mới sử dụng Facebook thì hiện nay đã lan rộng đến học sinh THCS. Mặc dù, Facebook cũng có tác động tích cực như kết nối bạn bè để chia sẻ học tập, giao lưu tình cảm… nhưng do sự nhận thức chưa chín chắn, nếu không được định hướng, giáo dục thấu đáo, các em học sinh dễ rơi vào trạng thái "sống ảo" trên không gian mạng, gây sa sút tinh thần và ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc học tập, đặc biệt có trường hợp còn xảy ra tình trạng sợ hãi, hoảng loạn do bị bạn chat đe dọa.” 


Thầy Hồng nói thêm:

 “Mặc dù, đến thời điểm này, trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn chưa có tình trạng học sinh sử dụng mạng xã hội gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, về lâu dài nếu gia đình và nhà trường không có biện pháp giám sát hữu hiệu thì hậu quả khó lường. Hẳn dư luận vẫn chưa quên vụ nữ sinh ở Hà Nội đã tự tử vì bị bạn ghép ảnh nóng rồi tung lên Facebook. Gần đây nhất, một nữ sinh cấp ba ở Đà Nẵng suýt mất mạng vì bị sỉ nhục và lăng mạ trên Facebook”

Trong khi đó, đa số giáo viên trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn lại chưa bao giờ sử dụng Facebook, khiến cho việc định hướng, tuyên truyền, giáo dục cho học sinh gặp nhiều khó khăn. Cô Lê Thị Thùy Trang, tổng phụ trách đội trường THCS Trần Đại Nghĩa cho biết: “Bản thân tôi không sử dụng Facebook nên không biết hết tác hại của nó đối với người dùng và thật sự lúng túng. Theo thống kê sơ bộ hơn 60% học sinh tại quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) sử dụng Facebook, trong khi đó phần lớn các giáo viên lại không biết cách sử dụng… nên đã có sáng kiến tập huấn cho giáo viên sử dụng mạng xã hội này để quản lý học sinh, biết cách định hướng học sinh sử dụng Facebook như thế nào cho hiệu quả”.
Facebook: phát triển mạnh mẽ và tác động bao trùm

Tại hội thảo Công nghệ Thông tin & Truyền thông Việt Nam lần thứ 18 diễn ra tại TPHCM vừa qua, kết quả nghiên cứu của Socialbakers & SocialTimes.Me -2013 đã cho ra các con số ấn tượng về Facebook tại Việt Nam:

  • Đến tháng 8/2013, tại Việt Nam đã có 19,6 triệu người dùng Facebook, chiếm 21,42% dân số và chiếm tới 71,4% người sử dụng Internet.
  • Tính trên toàn thế giới, Việt Nam là quốc gia mà Facebook có thị phần tăng trưởng nhanh nhất, với tốc độ 146% trong 6 tháng (từ tháng 5 - 10/2012), trung bình cứ 3 giây thì Facebook có 1 người dùng Việt Nam mới.

Còn theo Cimigo, thì số người trẻ (<24 tuổi) sử dụng Facebook chiếm hơn 2/3 – nghĩa là hơn gấp đôi so với người lớn tuổi (25 tuổi trở lên).

Hiện nay, với sự ra đời của smartphone mà trên đó người dùng dễ dàng sử dụng Facebook thì tần suất sử dụng Facebook càng tăng cao hơn nữa. Số người sở hữu điện thoại nhiều hơn hẳn số người sở hữu máy tính, và điện thoại thì mang theo mình mọi lúc, mọi nơi. Thế nên mọi người, mọi lúc, mọi nơi đều có thể sử dụng Facebook. Và nhiều người sử dụng trong nhiều tình huống như vậy thì tác động của xã hội ảo này đến xã hội thật sẽ cực kỳ lớn!



Biên Hòa: Có cần tập huấn cho giáo viên sử dụng Facebook?

Chưa có số liệu thống kê chính xác, nhưng chắc chắn rằng tỷ lệ học sinh ở Biên Hòa sử dụng Facebook không hề thua kém quận Ngũ Hành Sơn của Đà Nẵng. Ngày nay học sinh cấp 2 là đã được cha mẹ mua cho một chiếc điện thoại di động để tiện liên lạc rồi. 80% chiếc điện thoại ấy là điện thoại thông minh (smartphone), và như thế trên ấy hiển nhiên có thể dùng Facebook, và đến… 99% là cô bé, cậu bé ấy sẽ trở thành một thành viên của mạng xã hội lớn nhất thế giới này. Ấy là ta chưa nói đến môi trường bạn bè, đứa này khuyến khích đứa kia cùng tham gia Facebook.

Trẻ em dùng Facebook nhiều như thế, say mê như thế, và chịu ảnh hưởng bởi Facebook sâu sắc đến thế thì người lớn cũng phải biết sử dụng Facebook để quản lý chúng. Người lớn ở đây không chỉ là giáo viên mà còn là phụ huynh nữa.

Có nhiều giáo viên và phụ huynh đang sử dụng Facebook (nếu bạn có sử dụng Facebook, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy họ trên ấy), thế nhưng chắc chắn rằng không ít người chưa hề sử dụng hoặc thậm chí không hề quan tâm. Số liệu thống kê của Cimigo đã chỉ ra rằng số người trẻ sử dụng Facebook nhiều gấp đôi số người lớn kia mà!

Một số người lớn tuổi cho biết họ có dùng Facebook, nhưng chỉ kể từ khi con cái họ đi học xa nhà (học đại học hoặc đi nước ngoài). Chính những đứa con ấy lập tài khoản Facebook cho ba má và chỉ dẫn sử dụng với mục đích: Để ba má dễ liên lạc với con và biết con đang làm gì. Hỏi rằng tham gia Facebook thấy thế nào, những người ấy trả lời: Tôi chỉ vô đó để coi con tôi đang làm gì thôi, ngoài ra không làm gì hết. Cái đám đó nhí nhố lắm, tham gia làm gì?

Facebook quả thật là có xô bồ và nhí nhố, nhưng điều đó cũng giống như xã hội thật thôi, cũng có nhiều điều chân thật và có giá trị. Muốn bắt cọp con phải vào hang cọp, muốn hiểu được một cộng đồng phải hòa nhập với cộng đồng đó. Dùng Facebook để liên lạc với con cái là điều tốt, nhưng thiết nghĩ như thế chỉ giống như gởi email hoặc chat thôi. Muốn hiểu con cái của mình (và những người khác) nhiều hơn nữa thì trước hết phải hiểu kỹ hơn cách dùng Facebook. Đó là chưa kể nhiều ứng dụng hiệu quả khác từ Facebook trong kinh doanh, trong tìm kiếm bạn bè, trao đổi quan điểm… mà với phạm vi bài này không tiện kể ra.

Nếu có được những lớp dạy sử dụng Facebook như ở Đà Nẵng thì tốt, nhưng nếu chưa có thì cũng không sao, miễn là mỗi phụ huynh chúng ta chịu khó tìm hiểu sử dụng Facebook để có thể hiểu được thế giới của con em mình (và của nhiều người khác) tốt hơn. Tìm hiểu ở đâu à? Không khó lắm đâu bạn ạ, miễn là bạn đừng nghĩ rằng nó nhí nhố và không đáng quan tâm. Bạn có thể hỏi thăm bạn bè, đồng nghiệp, nhưng cách hay nhất là bạn hãy học cách sử dụng Facebook từ ngay chính đứa con của mình. Đó là người bạn, người thầy tuyệt diệu nhất, phải không bạn?


Phạm Hoài Nhân
LĐĐN - 20/01/2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét