Thứ Hai, 26 tháng 2, 2018

Vì sao người ta lâu “lên đời” điện thoại hơn?


Bài viết của Robert Triggs trên trang AndroidAuthority ngày nay người ta dùng smartphone lâu năm hơn trước đây, đồng thời đưa ra những lý do để giải thích tình trạng này. Tuy điều kiện sử dụng smartphone ở nước ngoài không hoàn toàn giống tại Việt Nam nhưng tìm hiểu vấn đề này cũng đem lại cái nhìn rõ nét hơn về thị trường smartphone.

Sau nhiều năm phát triển mạnh, việc cung cấp smartphone toàn cầu đang chậm lại. Điều này là do sự bùng nổ về smartphone ở Ấn Độ và Trung quốc khi mà việc hàng trăm triệu người mua smartphone 4G mới nửa thập niên trước nay đã bão hòa. Cùng lúc đó tại châu Âu và Mỹ, số liệu thống kê cho thấy người ta có xu hướng giữ chiếc smartphone của mình lâu hơn chứ không vội mua mới.

Kết hợp hai yếu tố này lại cho thấy thị trường smartphone không còn động lực phát triển mạnh mẽ như vài năm trước nữa. Tuy vậy, lý do khiến chu kỳ sống của sản phẩm smartphone kéo dài hơn trước đây không thực sự rõ ràng. Sau đây là những lý do gây nên tình trạng này.

Mức giá 1.000 USD cho smartphone cao cấp là khá cao

Điều hiển nhiên lý giải tại sao người dùng giữ smartphone của họ lâu hơn mà không vội nâng cấp, đó là vì giá của chúng ngày càng đắt hơn. Khi những dòng sản phẩm mới của Samsung hoặc Apple có giá lên tới 1.000 USD thì rõ ràng chu kỳ nâng cấp mỗi năm, mỗi 18 tháng hoặc thậm chí 24 tháng là bất khả thi đối với người có thu nhập bình thường. Số liệu thống kê gần đây cho thấy một phần tám số smartphone bán ra trong quý 3/2017 có giá cao hơn 900 USD, gấp đôi so với số smartphone có giá tương tự trong quý 3/2016. Người tiêu dùng phải bỏ tiền ra nhiều hơn để mua các model đắt tiền hơn, bù lại họ sẽ sử dụng sản phẩm đó lâu dài hơn.

Giá rẻ, tính năng rất cạnh tranh ở thị trường nội địa Trung quốc cũng là chọn lựa hợp khẩu vị của số đông khách hàng. Dữ liệu cho thấy, chu kỳ nâng cấp tại thị trường này đang ngày càng trở nên dài hơn, điều này chủ yếu do tác động của các hãng sản xuất nội địa Trung Quốc như Oppo, Vivo và Xiaomi. Kết quả chung là chu kỳ nâng cấp dài hơn.

Sự ràng buộc bởi hợp đồng mua và gói dữ liệu

Ở các nước châu Âu và Mỹ, giá smartphone bán cho khách hàng thường rẻ hơn giá thành rất nhiều, bù lại khách hàng phải ký hợp đồng sử dụng gói cước của nhà mạng trong thời hạn nhất định nào đó. Với giá thành của smartphone cao, buộc nhà mạng phải kéo dài thời gian ký kết hợp đồng sử dụng gói cước với khách hàng để khấu hao giá trị của chiếc smartphone. Điều đó dẫn đến việc khách hàng phải sử dụng chiếc smartphone lâu hơn.

Không có những bước đột phá lớn về công nghệ

Tại sao phải nâng cấp khi mà camera của smartphone đang dùng vẫn đang cho ra những bức ảnh rất tốt

Hiện nay, khi smartphone ra một model mới thì sự khác biệt về công nghệ không còn đáng kể như trước kia nữa. Điều đó khiến cho người ta không bị thôi thúc phải mua model mới để “lên đời” điện thoại.

Những bước đột phá về bộ vi xử lý, dung lượng lưu trữ hay chất lượng camera mà chúng ta thấy cách đây 3-4 năm giờ không còn tạo nên sự chú ý nữa. Hãy lấy ví dụ về camera, tại sao phải nâng cấp khi mà camera của model đang dùng vẫn đang cho ra những bức ảnh sắc nét, tươi mới, chất lượng cao?

Đương nhiên, các nhà sản xuất vẫn đều đặn tung ra các tính năng mới qua mỗi lần nâng cấp, nhưng những tính năng hoặc không cần thiết với người dùng, hoặc không đủ mạnh đễ tác động đến trải nghiệm người dùng như trước. Chẳng hạn như các tính năng chống nước hoặc camera kép, giờ đây không phải là những tính năng độc đáo gây ấn tượng đến người dùng nữa rồi. Ngay cả với thiết kế kim loại và kính cũng không phải là mới, bởi vì với những model smartphone cách đây 2-3 năm đã có các tính năng này rồi, ví dụ như Xperia Z5 hay Galaxy S6.

Tóm lại, khi mà chiếc smartphone của người dùng vẫn còn chip xử lý đủ mạnh, dung lượng bộ nhớ vẫn dư thừa, camera vẫn quay phim, chụp ảnh đẹp thì người dùng sẽ không có động cơ đủ lớn để phải bỏ tiền ra nâng cấp smartphone cho mình.

Những chiêu thức để khuyến dụ khách hàng nâng cấp smartphone

Các nhà sản xuất nhận thấy rằng phần cứng của smartphone đã phát triển quá nhiều, quá đủ và giờ đang đến lúc phát triển chậm lại, khiến người dùng tự nhận thấy mình không có nhu cầu phải nâng cấp smartphone nữa. Vì vậy những chiêu thức khuyến dụ khách hàng mà các nhà sản xuất đang nỗ lực tung ra hiện nay tập trung về phần mềm. Đó là các trợ lý ảo như Google Assistant hay Alexa, Bixby với ứng dụng trí tuệ nhân tạo để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của người tiêu dùng, chưa chắc những giải pháp này đủ sức thúc đẩy họ mua smartphone mới.

Một tình thế khiến người ta phải mua smartphone mới là: Sau một thời gian, các bản cập nhật hệ điều hành iOS và Android sẽ không còn hỗ trợ cấu hình đời cũ. Người dùng buộc phải mua máy mới để có thể cập nhật hệ điều hành. Tương tự như vậy, các nhà sản xuất có thể đưa ra những ứng dụng mới, hấp dẫn nhưng không tương thích với các máy/hệ điều hành đời cũ, để bắt buộc người dùng phải mua máy mới nhằm mục đích sử dụng những ứng dụng này.

Khi bạn không quá dư giả về tài chính thì việc mua mới một smartphone đắt tiền sẽ là một vấn đề cần phải cân nhắc nhiều. Với những phân tích trên đây, rõ ràng trong thời gian sắp tới người ta sẽ sử dụng smartphone lâu hơn, việc mua mới smartphone sẽ giảm đi nhiều. Thị trường này sẽ ít nhiều lắng xuống trong thời gian sắp tới.

Thái Thư
Theo Android Authority
Lao Động Đồng Nai - 26/02/2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét