Cho mãi đến đầu thiên niên kỷ này, trong lĩnh vực công nghệ thông tin
toàn cầu vẫn sừng sững hai tượng đài công nghệ. Với phần mềm, đó là Microsoft;
với phần cứng, đó là Intel. Hai thập niên gần đây, với sự phát triển như vũ bão
của smartphone, máy tính dần đi vào thoái trào, cùng với điều đó là sự giảm bớt
ảnh hưởng của Microsoft và Intel. Những tên tuổi khác lên ngôi.
Intel và Microsoft –
những người khổng lồ công nghệ
Thập niên 1980 đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của máy tính
để bàn – mà ngày ấy ở Việt Nam thường gọi là máy vi tính. Hầu như tất cả máy
tính đều dùng hệ điều hành MS-DOS, rồi MS Windows của Microsoft, và cả phần mềm
văn phòng MS Office nữa chứ! Còn phần cứng tạo nên máy tính? Bộ vi xử lý trung
tâm của máy tính (CPU) hầu như tất cả đều là CPU Intel.
Lúc ấy, nói đến công nghệ thông tin người ta nghĩ ngay đến
máy tính, và nói đến máy tính người ta nghĩ ngay đến Microsoft và Intel. Hai
người khổng lồ công nghệ này thống trị gần như toàn bộ thị trường công nghệ
thông tin thế giới.
Khi điện thoại thông minh (smartphone) bắt đầu phát triển,
cả Intel lẫn Microsoft đều chưa hình dung được có một ngày thiết bị nhỏ gọn này
đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong đời sống con người, và chính những
công ty công nghệ góp phần vào việc phát triển smartphone sẽ là những gã khổng
lồ mới, chiếm lấy vị trí độc tôn của họ trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Google – đối thủ lớn
của Microsoft
Thoạt đầu, Google chỉ là một ứng dụng tìm kiếm chạy trên
trình duyệt Internet Explorer của chính Microsoft. Nhưng rồi bên cạnh việc phát
triển công cụ tìm kiếm ngày một hiệu quả hơn, Google tạo nên trình duyệt Chrome
cùng hàng loạt ứng dụng quan trọng khác, như Google Maps, Gmail, Google Drive,
Blogger… Hầu hết các ứng dụng này đều là những công cụ thiết thân và hữu dụng
cho người dùng.
Nhưng bước ngoặt lớn nhất xảy ra ở mảng thiết bị di động.
Trong khi Microsoft vẫn còn thờ ơ với thiết bị di động thì Google đã nhanh
chóng chiếm lĩnh thị trường bằng cách tạo ra những ứng dụng hết sức cần thiết
cho thiết bị này. Quan trọng nhất chính là hệ điều hành Android, dùng cho thiết
bị di động. Ngoại trừ các thiết bị di động của Apple (iPhone, iPad) dùng hệ
điều hành iOS của riêng mình (như ngày nào trên máy tính để bàn vẫn dùng Mac OS
chứ không dùng MS Windows) còn hầu như toàn bộ smartphone đều sử dụng hệ điều
hành Android. Microsoft trở tay bằng cách đưa ra hệ điều hành Windows Phone
nhưng rồi đành ngậm ngùi từ giã cuộc chơi vì không cạnh tranh nổi!
Cùng với hệ điều hành, tất cả các ứng dụng do Google tạo ra
trên máy tính đều được chuyển sang chạy hiệu quả trên smartphone. Ngày nay
người dùng smartphone thường xuyên sử dụng Gmail, Google Maps, Google Drive…
trên smartphone của mình mọi lúc, mọi nơi.
Trên máy tính, Microsoft vẫn còn duy trì được địa vị ông lớn
của mình, nhưng trên thiết bị di động – một mảng thị trường quá lớn – Microsoft
chỉ là cái bóng mờ sau hào quang chói lọi của Google.
Qualcomm – đối thủ
lớn của Intel
Qualcomm cũng là một công ty bán dẫn toàn cầu của Mỹ chuyên
thiết kế và tiếp thị các sản phẩm và dịch vụ viễn thông không dây, có trụ sở tại
California, Mỹ - tương tự như Intel. Tuy nhiên, Qualcomm sinh sau đẻ muộn hơn
Intel gần 20 năm. Khi Qualcomm ra đời năm 1985 thì Intel đã là nhà cung cấp CPU
hàng đầu cho những chiếc máy vi tính đầu tiên của thế giới.
Nếu công nghệ thông tin chỉ là những chiếc máy tính để bàn
thì có lẽ Qualcomm sẽ chẳng là gì cả so với Intel. Tuy nhiên tình thế đã khác
với sự bùng nổ của smartphone.
Nếu Intel là bá chủ trong việc cung cấp CPU cho máy tính để
bàn thì Qualcomm chính là bá chủ trong việc cung cấp bộ vi xử lý cho thiết bị
di động. Tạp chí chuyên về công nghệ The Verge đã từng viết: “Đây là thế giới
của Qualcomm và tất cả chúng ta đang sống trong nó”. Vị thế của Qualcomm trong
thị trường di động gần giống như một vị thánh: hãng có mặt ở khắp mọi nơi và có
quyền lực rất lớn, dù rằng có vẻ như “vô hình” đối với người tiêu dùng. Qualcomm
chính là đơn vị cung cấp chip cho tất cả mọi công ty sản xuất smartphone lớn
hiện nay. Ngay cả Apple, vốn sử dụng thiết kế vi xử lý riêng, cũng phải dùng
đến chip thu nhận tín hiệu LTE của Qualcomm. Samsung cũng vậy, hãng có bộ xử lý
Exynos nhưng vẫn phải ra mắt phiên bản chạy SoC Qualcomm cho một số thị trường
nhất định.
Trụ sở của Qualcomm
tại San Diego, California, Mỹ.
Mới đây, trong buổi gặp gỡ báo chí cuối năm Đinh Dậu tại
TP.HCM, ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào và Cambodia
đã cho biết: Tập đoàn công nghệ Qualcomm đã đầu tư tổng cộng 47 tỷ USD (chiếm
20% doanh thu) cho hoạt động nghiên cứu và và phát triển (R&D). Qualcomm
chi cho R&D nhiều hơn bất cứ nhà sản xuất chip nào khác, ngoại trừ Intel mà
thôi. Những chi phí cho nghiên cứu này nhằm tiếp tục đạt được những thành tựu
mới trong công nghệ không dây, các vi xử lý di động, cũng như để tạo nền tảng
vào các thị trường mới hơn như Internet của vạn vật (IoT), trung tâm dữ liệu,
xe hơi, máy tính, networking,…
Hiện nay, Qualcomm đã có 70.000 bằng phát minh và sáng chế,
và có hơn 60.000 sáng chế phát minh khác đang chờ được cấp bằng. Hai hoạt động
chính của Qualcomm là nghiên cứu phát triển chipset và cấp phép phát minh sáng
chế cho các đối tác. Mức thu cho việc sử dụng giấy phép của Qualcomm là 5% trên
giá bán thiết bị. Cho tới nay, có hơn 300 đối tác trên thế giới đang được cấp
phép sử dụng các phát minh sáng chế của Qualcomm, trong số này có 4 nhà sản
xuất thiết bị gốc OEM của Việt Nam, như Bkav, VNPT,…
Giống như trên, trên máy tính, Intel vẫn còn duy trì được
địa vị ông lớn của mình, nhưng trên thiết bị di động – một mảng thị trường quá
lớn – Intel đóng vai trò rất khiêm tốn so với Qualcomm.
Những gương mặt khác
Bên cạnh Google và Qualcomm đang muốn thay thế vị trí của Microsoft
và Intel, có lẽ cũng cần nhắc đến Facebook. Facebook đã tạo ra hẳn sân chơi cho
riêng mình, là mạng xã hội và đã đạt đến tầm vóc người khổng lồ. Cùng là công
nghệ, nhưng nhìn xa hơn lĩnh vực công nghệ thông tin, không thể không nhắc Elon
Musk, người đóng góp quan trọng vào sự phát triển của thanh toán trực tuyến,
phát triển năng lượng sạch và các hệ thống giao thông tiên tiến, chinh phục
không gian,...
Mỗi thời sẽ có những công ty, những cá nhân vượt trội tạo
nên sự thay đổi bộ mặt công nghệ của thế giới. Ngày nào đó sẽ có những gương
mặt Việt Nam? Mong rằng như thế, vì Elon Musk cũng là người Nam Phi kia mà!
Phạm Hoài Nhân
Lao động Đồng Nai - 05/02/2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét