Thứ Hai, 5 tháng 3, 2018

Khi Trí tuệ nhân tạo… chơi game


Trò chơi điện tử được xem như một môi trường lý tưởng để nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo (AI, Artificial Intelligence). Bằng cách dạy cho các “con AI” chơi game, người ta có thể nghiên cứu khả năng suy nghĩ và hành động của nó mà không sợ ảnh hưởng đến thực tế, vì nơi con AI hoạt động chỉ là game mà thôi. Tuy nhiên, một thử nghiệm vừa được công bố tại Đức khiến mọi người giật mình!

3 nhà nghiên cứu máy học từ Đại học Freiburg ở Đức tìm hiểu một phương pháp để dạy AI có thể di chuyển trong game. Họ đã thử nghiệm một tựa game trên Atari từ những năm 80 mang tên Q*bert, cho một phần mềm trí tuệ nhân tạo (ở đây ta sẽ gọi là “con AI”) chơi thử game này. Kết quả vừa được công bố khiến mọi người giật mình.

Nguyên tắc chơi game này như sau: người chơi phải nhảy từ khối hộp này đến khối hộp kia, và với mỗi lần nhảy, màu của khối hộp sẽ thay đổi. Nếu có thể đổi trùng màu tất cả các khối hộp, người chơi sẽ được thưởng điểm và được lên mức chơi cao hơn.

Giao diện game Q*bert trên máy Atari thập niên 1980

Ban đầu, AI đã hoàn thành được vòng chơi đầu tiên, và nó bắt đầu nhảy từ khối hộp nọ sang khối hộp kia theo một cách tưởng như là ngẫu nhiên. Vì một lí do nào đó, game đã không sang màn chơi tiếp theo, và các khối hộp bắt đầu nhấp nháy không ngừng. AI từ đó đã có thể kiếm được số điểm vô hạn.

Hiểu theo một cách nào đó, con AI này đã tìm ra được một cách “chơi ăn gian” nhưng không phạm luật, theo đó điểm của nó cứ tăng lên mãi mà không cần lên mức chơi cao hơn. Điều đáng nói là những nhà nghiên cứu cũng không thể biết được vì sao hoặc bằng cách nào nó có thể tìm ra cách “chơi ăn gian” này. Đáng nói hơn nữa là trò chơi Q*bert ra đời từ thập niên 1980, lôi cuốn hàng triệu người chơi tới nay đã trên 30 năm rồi, ấy vậy mà từ đó đến nay cũng… chưa ai nghĩ ra trò ăn gian này cả!

Có thể hình dung nếu AI là một con người, nó sẽ nghĩ: tội gì phải khổ công nhảy từ hộp nọ sang hộp kia, khi mà có một cách ghi điểm hay như vậy!

Cần lưu ý là AI không tiếp cận vấn đề này theo cách mà con người vẫn thường làm. Nó không hề có chủ đích tìm ra được lỗ hổng của game. Nghiên cứu của ba nhà khoa học này thực chất là một bài kiểm tra một loạt rộng các nghiên cứu AI được biết với cái tên “các thuật toán tiến hoá”. Trong bài kiểm tra, họ sẽ cho các thuật toán thi đấu để xem thuật toán nào hoàn thiện tác vụ tốt nhất, và sau đó sẽ bổ sung một vài cải tiến nhỏ cho những người chiến thắng để xem liệu chúng có thể hoạt động tốt hơn nữa không. Bằng cách đó, các thuật toán sẽ ngày càng trở nên tốt hơn.

Câu chuyện này khiến cho nhiều người phải lo lắng: Nếu không kiểm soát được trí tuệ nhân tạo, ai mà biết được điều gì sẻ xảy ra!

Thái Thư
Theo The Verge
Lao Động Đồng Nai - 05/03/2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét