Thứ Hai, 20 tháng 1, 2020

Xu hướng mua sắm online: Chơi để mua hàng


Bạn có cài đặt ứng dụng mua hàng trực tuyến Shopee? Bạn có thấy và có từng chơi các trò chơi trên ứng dụng này? Đa số câu trả lời sẽ là Có, và bạn sẽ hơi bất ngờ khi biết số lượt người tham gia các trò chơi trên Shopee này trong năm 2019: Hơn 1 tỷ lượt!

Tưởng chỉ là chơi, nhưng đem lại hiệu quả thật

Sử dụng Shopee, người dùng thường xuyên gặp các trò chơi

Bên cạnh việc thu hút hơn 1 tỷ lượt tham gia các trò chơi trong kho trò chơi giải trí trên ứng dụng, Shopee còn ghi nhận mỗi ngày có đến 10.000 giờ phát sóng trực tiếp trên tính năng Shopee Live. Người ta thích tham gia các trò chơi này không chỉ vì nó thú vị mà lại còn miễn phí và có thưởng nữa!

Bạn sẽ đặt câu hỏi: Shopee tạo nên những trò chơi như thế để làm gì? Vừa tốn chi phí thiết kế trò chơi, lại tốn chi phí thưởng nữa mà chẳng thu được gì, bởi người chơi không phải trả khoản tiền nào cũng chẳng cần phải mua hàng nữa!

Câu trả lời: Đây là một loại chi phí quảng cáo, nhưng hiệu quả hơn hẳn các dạng quảng cáo khác. Người chơi có dịp tiếp cận, tương tác với Shopee, họ sẽ nhớ đến thương hiệu này và từ đó thực hiện các động tác mua sắm trên Shopee.

Ông Pine Kyaw, giám đốc điều hành Shopee Việt Nam, cho biết: “Shopee đã có một năm 2019 tuyệt vời. Chúng tôi đạt được những cột mốc nổi bật này chính bởi sự quyết tâm theo đuổi định hướng mang đến trải nghiệm mua sắm trực tuyến gắn liền với các yếu tố tương tác và xã hội. Tất cả được minh chứng cụ thể thông qua việc ra mắt thành công kho trò chơi giải trí cùng các tính năng độc đáo, thu hút hàng triệu lương tương tác mỗi ngày. Trong bối cảnh thương mại điện tử (TMĐT) dần trở nên phổ biến hơn trong thời gian tới, thì thử thách của chúng tôi chính là mang đến trải nghiệm mua sắm trực tuyến có yếu tố cá nhân và phù hợp với mỗi người dùng. Shopee tin rằng đây sẽ là xu hướng phát triển của mua sắm trực tuyến và chúng tôi cam kết sẽ sớm hiện thực hóa điều này”.

Hiệu quả rõ nhất là Shopee dẫn đầu thị trường TMĐT Đông Nam Á trong năm 2019, chính bởi sự thành công từ chiến lược mang đến trải nghiệm mua sắm trực tuyến gắn liền với yếu tố xã hội và tính tương tác cao. Ở Việt Nam, Shopee cũng đã đạt được những thành tích nổi bật trong năm 2019. Từ chỗ là anh lính mới trong lĩnh vực TMĐT tại Việt Nam, xuất hiện sau Lazada, Tiki, Sendo, Shopee đã nhanh chóng vươn lên chiếm vị trí hàng đầu.

Xu hướng mua sắm trực tuyến trong năm mới: Cá nhân hoá, Tương tác và Xã hội hóa

Năm 2020, Shopee sẽ được tăng cường cải tiến tính năng mới nhằm mang đến cho người dùng trải nghiệm mua sắm trực tuyến có tính Cá nhân hóa, Tương tác và Xã hội hóa hơn. Cụ thể:

Hoạt động mua sắm cá nhân gắn liền với dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI): Shopee tăng cường sử dụng AI và big data (dữ liệu lớn) trong việc tổ chức quá trình mua sắm mang tính cá nhân hóa của người dùng. Điển hình trong năm 2019, Shopee đã tận dụng công cụ này để mang đến cho người dùng gợi ý mua sắm dựa trên dữ liệu đã mua và đã xem trước đó.

Gia tăng mức độ tương tác của người dùng bằng kho trò chơi giải trí khổng lồ: Shopee liên tục đổi mới kho trò chơi giải trí trên ứng dụng mua sắm Shopee nhằm mang đến cho người dùng không gian giải trí vui nhộn. Dịp Tết này, Shopee cho ra mắt trò chơi Shopee Tiên tri và Lì xì Shopee.

Thúc đẩy tương tác xã hội với tính năng Shopee Feed: Người dùng trên toàn khu vực có cơ hội tận hưởng trải nghiệm mua sắm mang tính xã hội hóa cao thông qua tính năng Shopee Feed trong Quý I-2020. Shopee Feed cung cấp các tính năng như tương tác với bạn bè, người mua hàng và người bán hàng trên ứng dụng mua sắm Shopee.

Thái Thư
Báo Đồng Nai - 20/01/2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét