Trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn ra, nhất là khi có chủ trương cho các ca F0 nhẹ và F1 cách ly tại nhà, nhiều người đã lùng mua các máy đo nồng độ oxy trong máu để phát hiện sớm tình trạng thiếu oxy và can thiệp kịp thời khi trở nặng. Bằng chiếc iPhone của mình, bạn có thể cài đặt ứng dụng miễn phí để đo nồng độ oxy trong máu với độ chính xác khá cao mà không cần mua thêm thiết bị nào cả.
Nồng độ oxy trong máu là gì?
Nồng độ oxy trong máu - còn gọi là độ bão hòa oxy trong máu hay chỉ số SpO2 (saturation of peripheral oxygen) - biểu thị cho tỷ lệ Hemoglobin có oxy trên tổng lượng Hemoglobin trong máu. Một phân tử Hemoglobin (Hb) có thể kết hợp với 4 phân tử oxy, khi đã gắn đủ 4 phân tử oxy được gọi là bão hòa oxy. Nếu tất cả các phân tử Hemoglobin trong máu đều gắn với oxy thì SpO2 là 100%.
Chỉ số SpO2 được xem là một trong những dấu hiệu
sinh tồn của cơ thể, bên cạnh các dấu hiệu như: nhiệt độ, mạch, nhịp thở và
huyết áp. Khi bị thiếu oxy máu, các cơ quan như tim, gan, não... sẽ chịu tác
động tiêu cực rất nhanh. Vì vậy, cần theo dõi chỉ số SpO2 thường
xuyên để kịp thời can thiệp nếu xảy ra tình trạng nguy hiểm. Đối với bệnh nhân
COVID-19, giảm SpO2 là một trong những biểu hiện rõ nhất.
Chỉ số SpO2 bình thường ở người là 95 - 100%. SpO2
từ 92% đến 88%, vẫn được coi là an toàn và trung bình đối với những người bị
COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính) từ trung bình đến nặng. Dưới 88% trở nên
nguy hiểm và khi nó giảm xuống 84% hoặc thấp hơn, đó là lúc bạn phải đến bệnh
viện. Khoảng 80% và thấp hơn là nguy hiểm cho các cơ quan quan trọng của bạn,
vì vậy bạn nên được điều trị ngay lập tức. (theo Wikipedia, bản tiếng Anh).
Máy đo nồng độ oxy máu
Hiện nay máy đo nồng độ oxy máu thông dụng nhất là các thiết
bị cầm tay. Đây là thiết bị nhỏ gọn, dễ sử dụng tại gia đình, nó giúp phát hiện
tình trạng hạ oxy máu, như viêm phổi do vi khuẩn, hen phế quản,... và viêm phổi
do Covid-19.
Máy có hình dạng như cái kẹp. Khi đo, người dùng chỉ cần mở
máy, đặt một ngón tay vào giữa, ấn nút nguồn rồi đợi kết quả hiển thị trên màn
hình. Về nguyên lý hoạt động, khi kẹp máy đo SpO2 vào đầu ngón tay,
đầu dò của máy sẽ phát ra ánh sáng hồng ngoại đi xuyên qua mô có các mao mạch
nhỏ chứa hồng cầu. Hồng ngoại sẽ bị hồng cầu hấp thu một phần. Từ lượng ánh
sáng còn lại chưa bị hấp thu, máy sẽ tính ra số lượng hồng cầu có chứa oxy (máu
đỏ).
Máy được bán nhiều trên thị trường với giá vài trăm ngàn đồng
đến khoảng 2 triệu. Trong vài ngày trước, khi có những thông tin gây hoang mang
dư luận, có lúc giá máy bị đẩy lên tới 3 triệu. Đối với các máy chuyên dụng của
bệnh viện, độ chính xác rất cao, giá máy có thể tới hàng chục triệu.
Ứng dụng Careplix Vitals đo nồng độ oxy máu trên iPhone
Careplix Vitals là một ứng dụng về sức khỏe mà bạn có thể tải
về miễn phí trên iOS. Đây là một ứng dụng do công ty khởi nghiệp CareNow
HealthCare (Ấn Độ) phối hợp với Careplix HealthCare (Mỹ) phát triển. Ứng dụng
chỉ mới ra mắt từ tháng 4 năm nay nhưng nhanh chóng được giới chuyên môn và khách
hàng tín nhiệm.
Không chỉ đo nồng độ oxy máu, CarePlix Vitals còn đo luôn
hai thông số sức khỏe quan trọng khác là nhịp tim và tần số hô hấp (respiration
rate). Nguyên lý đo tương tự như dùng kẹp đo đối với các máy đo nồng độ oxy máu
nêu trên, nhưng ở đây Careplix Vitals sử dụng camera sau và đèn flash của điện
thoại iPhone.
Các bạn tải ứng dụng Careplix Vital trên iOS store, và trong
lần đầu tiên sử dụng thì khai báo một số thông tin cá nhân.
Trên màn hình chính của ứng dụng, nhấn vào Scan Vitals
để tiến hành đo.
Đặt ngón tay trỏ của bạn lên camera sau của máy, sao cho nó
che kín cả camera và đèn flash.
Không di chuyển ngón tay, nhấn vào Start Scan để tiến
hành đo.
Máy sẽ bắt đầu giai đoạn hiệu chỉnh (Calibration) mất khoảng
5 giây. Sau đó là tiến hành đo (Scan in Progress) mất khoảng 30 giây. Trong suốt
thời gian này xin giữ yên ngón tay trỏ tại vị trí đã đặt.
Cuối cùng, máy sẽ hiện ra bảng kết quả (Scan Completed), bao
gồm 3 thông số: Heart (nhịp tim) – Oxygen Saturation (độ bão hòa oxy trong máu)
– Respiration Rate (tốc độ hô hấp).
Trong bảng kết quả này, ngoài chỉ số SpO2 (độ bão
hòa Oxy trong máu) có ý nghĩa như đã nêu trên, 2 chỉ số còn lại là:
-
Heart Rate (nhịp tim): số lần co thắt (nhịp đập) của
tim mỗi phút. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, nhịp tim người lớn nghỉ ngơi bình
thường là 60–100. Tùy theo lứa tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe mà nhịp tim
trung bình của mỗi người có những trị số khác nhau.
-
Respiration Rate (tốc độ hô hấp, hay nhịp thở): là số
nhịp thở thực hiện trong một phút. Tốc độ hô hấp bình thường của một người
trưởng thành khi nghỉ ngơi là 12 đến 20 nhịp thở mỗi phút. Tốc độ hô hấp dưới
12 hoặc hơn 25 nhịp thở mỗi phút khi nghỉ ngơi được coi là bất thường.
Sau khi đo xong, bạn có thể nhấn vào Add to Vitals
History để lưu trữ các số liệu này, nhằm tham khảo về sau. Ở màn hình chính,
nhấn vào Vitals History để xem lại lịch sử các lần đo đã lưu trữ.
Mục Vitals Analytics cho phép xem sự biến thiên của các
chỉ số đã lưu trữ dưới dạng biểu đồ.
Hiện giờ chưa có phiên bản Careplix Vitals trên Android, nhà
sản xuất hứa hẹn sẽ ra mắt trong thời gian tới.
Careplix Vitals có thực sự hữu ích không?
Giống như máy đo huyết áp hay các thiết bị đo y tế khác, máy
đo nồng độ oxy trong máu chỉ có tác dụng giúp ta theo dõi các thông số về sức khỏe
mà thôi chứ không có tác dụng điều trị. Việc theo dõi này giúp ta chủ động và kịp
thời phát hiện khi có triệu chứng bất thường để liên hệ ngay với nhân viên y tế
hay đến bệnh viện.
Về độ chính xác khi đo, chắc chắn Careplix Vitals không bằng
các thiết bị chuyên dùng của ngành y tế hay các máy đo đắt tiền khác, nhưng nếu
so sánh với các máy đo nồng độ oxy trong máu có giá bình dân (trong khoảng trên
dưới 1 triệu đồng) thì độ chính xác gần như tương đương. Vì vậy nếu như chưa có
điều kiện trang bị cho mình máy đo chuyên dùng thì việc sử dụng Careplix Vitals
– hoặc các ứng dụng tương đương khác – là việc nên làm để theo dõi tình trạng sức
khỏe thường xuyên, trong điều kiện dịch bệnh có xu hướng lây lan như hiện nay.
Thái Thư
Báo Đồng Nai - 26/07/2021
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét