Thứ Hai, 27 tháng 9, 2021

Đại dịch COVID-19 thúc đẩy ứng dụng công nghệ 4.0 trong nông nghiệp

Ngày 20-9-2021, tại Hà Nội, Tập đoàn De Heus (Hà Lan) công bố hợp tác với Microsoft Việt Nam thông qua việc lựa chọn giải pháp đám mây Microsoft Azure để triển khai ứng dụng nông nghiệp 4.0 trên toàn bộ hệ thống quản lý và vận hành của mình ở Việt Nam và các nước khác trong khu vực Châu Á nơi De Heus có mặt, góp phần mang thực phẩm sạch đến người tiêu dùng.

Nhu cầu về thực phẩm an toàn ngày càng tăng

Dân số thế giới được dự đoán sẽ tăng lên khoảng 9,8 tỷ người vào năm 2050, theo đó nhu cầu về thực phẩm an toàn và lành mạnh cũng sẽ gia tăng. Viện Tài nguyên Thế giới ước tính nhu cầu thực phẩm trên toàn cầu sẽ tăng 56%, trong đó nhu cầu thực phẩm làm từ động vật tăng gần 70%. Đây sẽ là một thách thức lớn và cũng là cơ hội cho người chăn nuôi và các công ty sản xuất lương thực trên toàn thế giới.

Tập đoàn De Heus trên thế giới và tại Việt Nam

De Heus được thành lập vào năm 1911 tại Hà Lan. Sau hơn một 100 năm công ty vẫn đang hoạt động, được sở hữu dưới mô hình kinh doanh gia đình, thuộc gia đình De Heus quản lý. Hiện nay, De Heus là một tập đoàn hoạt động trên quy mô toàn cầu, với hơn 100 năm kinh nghiệm trong việc cung cấp các giải pháp tiên tiến về dinh dưỡng động vật, có mặt tại hơn 75 quốc gia, bao gồm 82 nhà máy trải dài ở các khu vực trọng điểm chăn nuôi của thế giới với hơn 6.000 nhân viên trên toàn cầu và nằm trong top 10 các tập đoàn sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất thế giới.

Lễ bàn giao hệ thống Silo của De Heus cho trang trại Phú Thanh (Tân Phú, Đồng Nai). Ảnh: De Heus

De Heus Việt Nam trực thuộc tập đoàn De Heus, chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi chất lượng cao cho gia súc, gia cầm và thủy sản, hiện có 9 nhà máy và hệ thống các kho trung chuyển hoạt động trên khắp cả nước. Thành lập ở Việt Nam vào cuối năm 2008, De Heus mua lại hai nhà máy tại Bình Dương và Hải Phòng. Năm 2011, De Heus đầu tư xây dựng nhà máy hiện đại và hoàn toàn mới tại Đồng Nai. Sau đó De Heus tiếp tục tham gia vào thị trường thức ăn thủy sản với quyết định chiến lược là mua lại nhà máy thủy sản Vĩnh Long và sau một thời gian ngắn phát triển nhà máy Vĩnh Long quy mô hơn và hiện đại hơn. Năm 2014, De Heus tiếp tục xây dựng hai nhà máy tại Vĩnh Phúc và Bình Định, khánh thành vào tháng 3-2015. Với 9 nhà máy tại Việt Nam, De Heus đang khẳng định thương hiệu của mình và hiện tại De Heus đang nằm trong top 3 các công ty sản xuất thức ăn lớn nhất tại Việt Nam.

Từ năm 2015, Việt Nam chính thức trở thành trụ sở chính của De Heus ở khu vực Châu Á. Bên cạnh Việt Nam, De Heus cũng đã bước đầu vận hành tại Myanmar, Cam-pu-chia, Indonesia, và Ấn Độ.

Những thách thức trong quản lý và vận hành, nhất là dưới ảnh hưởng của đại dịch

Như nhiều công ty lớn khác, De Heus Việt Nam đối diện với rất nhiều thử thách trong việc quản lý và vận hành các chi nhánh, nhà máy tại những thị trường khác nhau trong khu vực. Thực tế cho thấy tại mỗi địa điểm nơi De Heus đặt trụ sở hoạt động sản xuất, hệ thống vận hành được xây dựng trên nền tảng công nghệ phân tán, việc quản lý và hợp nhất dữ liệu trở nên phức tạp, dẫn tới sự tốn kém về thời gian, nhân lực, chi phí vận hành, và theo đó ảnh hưởng đến năng suất cũng như những quyết định kinh doanh quan trọng.

Ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc De Heus khu vực Châu Á, cho biết: “Ở mỗi chi nhánh và nhà máy, chúng tôi có các hệ thống quản lý và vận hành khác nhau với những cơ chế xác thực riêng, điều đó khiến mọi thứ rất phức tạp trong việc phân quyền và hợp nhất dữ liệu, phục vụ kinh doanh. Do đó, chúng tôi muốn tiêu chuẩn hóa định danh người sử dụng trên toàn bộ hệ thống cho mỗi đối tượng người dùng (ví dụ như nhân viên, người chăn nuôi,…) khi truy cập trên tất cả các ứng dụng và dịch vụ của De Heus, từ đó giúp chúng tôi dễ dàng phân tích thông tin của người dùng, nhằm đưa ra những quyết định kinh doanh chính xác hơn.

Mặt khác, trong giai đoạn đại dịch Covid-19 chưa được kiểm soát triệt để trên toàn cầu, nhu cầu về một môi trường làm việc an toàn, linh hoạt với khả năng tương tác, chia sẻ dữ liệu và hội họp trực tuyến ở mọi nơi giữa các chi nhánh và nhà máy của De Heus lại càng trở nên cấp thiết.”

Chăn nuôi theo hướng nông nghiệp 4.0

Microsoft Azure là giải pháp đám mây nổi tiếng của Microsoft. Ảnh trích từ video của Microsoft.

Để có thể vượt qua khó khăn, tiếp tục giữ vững tốc độ phát triển cũng như nhanh chóng thích nghi với giai đoạn bình thường mới, nâng cao hiệu suất hoạt động và năng lực cạnh tranh trong khu vực, De Heus đã quyết định số hóa toàn bộ hệ thống quản lý và vận hành của mình trong khu vực Châu Á, nhằm tối ưu hóa việc sử dụng dữ liệu phân tích.

Ông Poc Ma, Giám đốc CNTT của De Heus khu vực Châu Á, cho biết: “Với kế hoạch mang tính chiến lược như vậy, việc lựa chọn các đối tác công nghệ có uy tín và kinh nghiệm trên thế giới là điều mà De Heus Việt Nam yêu cầu thực hiện vô cùng cẩn trọng. Tập đoàn đã tin tưởng và triển khai giải pháp đám mây toàn diện của Microsoft, bao gồm Microsoft 365 và Azure cho toàn bộ hệ thống quản lý và vận hành tại khu vực Châu Á. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang triển khai Dynamic 365 FO cho thị trường Indonesia và có kế hoạch mở rộng sang các thị trường khác trong khu vực trong thời gian tới.”

Ngày nay, việc ứng dụng công nghệ cao trong bộ máy vận hành được xem là một trong những yếu tố tiên quyết để nâng cao năng lực cạnh tranh của một doanh nghiệp trong bất cứ lĩnh vực nào. Ngành chăn nuôi cũng không phải là ngoại lệ. Dynamic 365 giúp De Heus thu thập, hợp nhất và phân tích thông tin khách hàng theo thời gian thực, từ đó hỗ trợ De Heus nhanh chóng đáp ứng các nhu cầu thay đổi liên tục theo từng ngày, triển khai các giải pháp quản lý chăn nuôi hiện đại và hiệu quả cho khách hàng cũng như các đối tác trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Theo nhiều khảo sát gần đây ở Việt Nam cũng như trên thế giới, đa số người lao động đều mong muốn hình thức làm việc từ xa vẫn được linh hoạt áp dụng ngay cả sau khi dịch bệnh kết thúc. Mô hình làm việc kết hợp (hybrid work) này hiện được xem là lý tưởng cho kỷ nguyên làm việc mới. Thông qua việc triển khai Microsoft 365, De Heus đã tin tưởng, trao quyền cho nhân viên, thúc đẩy sự linh hoạt và sáng tạo, với hy vọng mọi người có thể cộng tác và làm việc một cách hiệu quả và bảo mật trong mọi hoàn cảnh, ở bất cứ đâu, trên bất kỳ thiết bị cá nhân nào.

Bà Phan Tú Quyên, Giám đốc Marketing và Vận hành, Microsoft Việt Nam, cho biết: “Để nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực chăn nuôi thì một trong những yếu tố tiên quyết là việc ứng dụng công nghệ. Đẩy mạnh các giải pháp ứng dụng công nghệ cao trên nền tảng số và nâng cao chất lượng dịch vụ cho người nông dân là chìa khóa mở ra hướng đi bền vững cho ngành chăn nuôi Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.”

Box:

Microsoft Dynamics 365 được xây dựng trên Microsoft Azure, là một bộ ứng dụng được thiết kế liền mạch nhằm tăng trưởng, phát triển và chuyển đổi. Các ứng dụng này đồng bộ hóa các tính năng CRM và ERP được xây dựng theo mục đích liền mạch với nhau từ đó hỗ trợ quản lý các chức năng kinh doanh cụ thể giữa Bán hàng, Dịch vụ khách hàng, Hoạt động, Tài chính, Dịch vụ tại chỗ, Quản lý nguồn lực Dự án, Marketing, Thấu hiểu khách hàng. Đẩy mạnh chuyển đổi kỹ thuật số để đáp ứng các nhu cầu thay đổi của khách hàng và nắm bắt các cơ hội kinh doanh mới trong tương lai.

Thái Thư
(Tổng hợp từ Microsoft Việt Nam, De Heus và một số nguồn khác)
Báo Đồng Nai - 27/09/2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét