Thứ Hai, 7 tháng 10, 2019

Trí tuệ nhân tạo giúp tăng tính cạnh tranh trong ngành tài chính – ngân hàng tại châu Á


Microsoft Châu Á và Công ty dữ liệu IDC Châu Á – Thái Bình Dương (APAC) vừa công bố những kết quả từ cuộc nghiên cứu: “Trang bị cho tương lai: Đánh giá sự tăng trưởng của Châu Á – Thái Bình Dương với AI”, phần dành cho Dịch vụ Tài chính (Financial Services Industry, FSI). Theo nghiên cứu này, AI sẽ giúp các tổ chức FSI cải thiện 41% khả năng cạnh tranh trong vòng 3 năm tới.

AI giúp cải thiện nhiều mặt trong ngành tài chính – ngân hàng

Nghiên cứu: “Trang bị cho tương lai: Đánh giá sự tăng trưởng của Châu Á – Thái Bình Dương với AI” (Future Ready Business: Assessing Asia-Pacific’s Growth with AI), phần dành cho ngành Dịch vụ Tài chính được tiến hành ở 15 thị trường trong khu vực APAC – trong đó có Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu cho thấy có 52% các tổ chức FSI ở khu vực APAC đã bắt đầu ứng dụng AI, trong khi đó nếu tính chung tất cả các ngành ở APAC thì con số này là 41%. Điều này cho thấy dịch vụ tài chính có tốc độ đổi mới nhanh hơn các ngành khác trong khu vực.
Theo số liệu thống kê từ các tổ chức FSI có áp dụng AI, các tiêu chí trong lĩnh vực này được cải thiện như sau (mức tăng so với trước đó):

Nguồn: Microsoft

-        Nâng cao biên lợi nhuận:................................................................ 17%
-        Tăng cường khả năng phân tích kinh doanh:................................. 22%
-        Thúc đẩy đổi mới:............................................................................ 24%
-        Cải thiện tương tác với khách hàng:............................................... 26%
-        Tăng khả năng cạnh tranh:.............................................................. 24%

Dự kiến với việc ứng dụng AI, trong 3 năm tới các tiêu chí trên đạt mức tăng trưởng lần lượt là: 35%, 45%, 44%, 43% và 41%.

Một số doanh nghiệp tiên phong trong ứng dụng AI ở APAC

1.      Một trong những doanh nghiệp tiên phong trong ứng dụng AI là Moula của Úc. Moula sử dụng AI để đánh giá hồ sơ vay kinh doanh trực tuyến của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (small and medium businesses, SMB). Công ty đã thiết lập dịch vụ quyết định tín dụng theo thời gian thực trên nền tảng Azure và tận dụng khả năng AI và máy học của Azure để dự đoán khả năng trả khoản vay của doanh nghiệp SMB. Các hồ sơ được duyệt thành công có thể nhận được khoản vay kinh doanh lên tới 500.000 đô la Úc trong vòng 24 đến 48 giờ.

2.      Công ty FinTech tại Hong Kong đã cho ra mắt nền tảng cho vay cá nhân K-Cash, tận dụng AI để phân tích hồ sơ tài chính của những người xin vay, từ đó cung cấp trải nghiệm cho vay nhanh hơn cho khách hàng. Được xây dựng trên Azure và kết hợp với các thuật toán AI nội bộ từ giải pháp AI-knowie của KBQuest, nền tảng này hỗ trợ nhân viên bằng cách giảm thời gian xem xét và phê duyệt hồ sơ vay với độ chính xác cao. Nhờ vậy, người vay có thể đi đến một máy cho vay, nhập hồ sơ, được chấp thuận và nhận tiền mặt ngay lập tức, trong khi trước đây, việc này sẽ mất nhiều ngày.

3.      ICICI Lombard đã hợp tác với Microsoft để phát triển tính năng kiểm tra xe hơi sử dụng AI đầu tiên của Ấn Độ trong ứng dụng di động bảo hiểm “Insure” của hãng. Ứng dụng cho phép khách hàng mua hoặc gia hạn chính sách bảo hiểm mọi lúc, mọi nơi bằng cách tải lên hình ảnh xe của họ. Thay vì yêu cầu thanh tra bảo hiểm đến kiểm tra tận nơi, AI và máy học sẽ xác định thiệt hại nhanh chóng từ các hình ảnh được tải lên và đưa ra chi phí sửa chữa ước tính trong vài giây. Điều này giúp các thanh tra bảo hiểm có thể tập trung giải quyết các khiếu nại phức tạp đòi hỏi phải có đánh giá lành nghề như trường hợp xe va chạm trực diện.

Kinh nghiệm từ các tổ chức tiên phong trong ứng dụng AI

So với các tổ chức còn lại ở khu vực APAC, các tổ chức tiên phong trong ứng dụng AI như trên có nhiều khả năng hơn trong việc:

·       Tăng đầu tư hàng năm để hỗ trợ chiến lược AI ở quy mô toàn tổ chức.
·       Có một nhóm chuyên phát triển và xác thực các mô hình AI cho tổ chức.
·       Có các công cụ và phân tích AI tiên tiến như Robotic Process Automation và Natural Language Processing trong các công nghệ hiện có của họ.
·       Có các nhà phát triển, chuyên gia và kỹ sư dữ liệu.
·       Có các thực hành hoạt động quản trị dữ liệu doanh nghiệp liên tục được thực hiện bởi các nhóm CNTT, kinh doanh và tuân thủ.

Cần xây dựng một nền văn hóa doanh nghiệp định hướng AI

Nghiên cứu của Microsoft và IDC ở APAC cho thấy gần 50% lãnh đạo doanh nghiệp FSI và hơn 50% số nhân viên của ngành tham gia khảo sát tin rằng các đặc điểm và hành vi văn hóa cần thiết cho việc ứng dụng AI hiện chưa được thấy rõ trong tổ chức của họ.

62% lãnh đạo doanh nghiệp và 67% nhân viên tham gia cuộc nghiên cứu đồng ý rằng AI sẽ thúc đẩy – thay vì thay thế – công việc. Nghiên cứu cũng chỉ ra sự thiếu hụt trầm trọng các kỹ năng công nghệ và cảm xúc xã hội (technological and social-emotional skills) cần thiết trong lực lượng lao động. Ba kỹ năng hàng đầu mà các nhà lãnh đạo doanh nghiệp xác định là sẽ không đủ nguồn cung bao gồm: (1) nghiên cứu và phát triển khoa học, (2) kỹ năng số, và (3) khả năng thích ứng và học hỏi không ngừng.

Thái Thư
Báo Đồng Nai - 07/10/2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét