Vừa qua, Cục Thuế TP.HCM phát hiện và truy thu 1,5 tỷ đồng tiền thuế
một cá nhân là chủ một kênh YouTube có thu nhập từ việc đăng clip trên mạng này
kiếm được hơn 19 tỉ đồng từ năm 2016 – 2018. Thông tin này cùng với vài thông
tin tương tự trước đó khiến người ta đặt nhiều câu hỏi: Bằng cách nào đạt được
thu nhập cao như vậy? Ai là người có thu nhập ấy? Làm sao kiểm soát khoản thu
nhập này?
Số lượt xem trên YouTube nhiều hơn hẳn các dịch vụ khác
Theo số liệu khảo sát xu hướng xem của người dân Việt Nam do
Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) cung cấp, bình
quân mỗi người sử dụng Internet Việt Nam sử dụng Internet 6 giờ 43 phút/ngày,
trong đó 2 giờ 30 phút là dùng mạng xã hội, 2 giờ 31 phút là xem truyền hình
trực tuyến và video theo yêu cầu, 1 giờ 11 phút là nghe nhạc trực tuyến.
Chi tiết hơn, Cục PTTH&TTĐT còn công bố số liệu của một
doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền khảo sát xu hướng xem của
người dùng Internet tại một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet từ tháng 5
tới tháng 7-2019. Kết quả khảo sát của doanh nghiệp này cho thấy: Tính theo số
lượt xem trên thiết bị thì YouTube có số lượng lượt xem cao nhất là 2,6 triệu,
Netflix thứ nhì là 1,3 triệu, FPT Play đứng thứ ba với 900.000, ClipTV đạt
350.000, VTVGo đạt 250.000.
YouTube có số lượt xem cao hơn hẳn các dịch vụ khác, và lại
chi trả tiền quảng cáo cho những người đăng video clip lên kênh này. Chính vì vậy,
những YouTuber (người đăng video lên YouTube) ăn khách sẽ thu được rất nhiều tiền.
Những YouTuber có số lượt xem cao nhất Việt Nam
Trang mạng Social Blade (socialblade.com) cung cấp cho ta thông
tin chi tiết về một YouTuber bất kỳ, bao gồm: số người theo dõi, số lượt tải
phim lên, số lượt xem. Tuy nhiên trang này không thể cho biết YouTuber đó thu được
bao nhiêu tiền, bởi vì số tiền thu được tỷ lệ với số lượt người xem có click vào
quảng cáo trên clip mà chỉ YouTube mới thống kê được số lượt click đó thôi.
Dù vậy, vẫn có thể ước lượng khái quát thu nhập của các
YouTuber này. Theo đó 5 YouTuber có số lượt người theo dõi hàng đầu tại Việt
Nam là:
- NTN Vlog
Chủ sở hữu là Nguyễn Thành Nam, sinh năm 1994. Kênh NTN Vlog
nổi tiếng với những trò đùa và thử thách quái đản. Ví dụ: thử đốt 100.000 que
diêm trong... bồn cầu.
Số người theo dõi: 7,98 triệu; số video upload: 321; doanh
thu ước tính mỗi năm: 104.000 USD – 1,7 triệu USD (2,4 tỷ đồng- 39,4 tỷ đồng)
2.
Cris Devil Gamer
Chủ sở hữu là Cris Phan, sinh năm 1993, bắt đầu sự nghiệp
YouTuber năm 2014. Cris Devil Gamer thu hút bởi việc phát trực tiếp các tựa
game nổi tiếng, Cris Phan gây ấn tượng với người hâm mộ bởi sự hài hước của mình.
Số người theo dõi: 7,29 triệu; số video upload: 801; doanh
thu ước tính mỗi năm: 170.000 USD – 2,7 triệu USD (3,9 tỷ đồng - 62,6 tỷ đồng)
- Thơ Nguyễn
Chủ sở hữu là Nguyễn Hồng Thơ, sinh năm 1992. Ra đời từ
2016, kênh Youtube này hướng tới đối tượng trẻ em, với các nội dung mang tính
giải trí như review đồ chơi, hướng dẫn nấu các món ăn đơn giản, hướng dẫn làm
đồ chơi handmade, các thử thách vui nhộn…
Số người theo dõi: 6,75 triệu; số video upload: 869; doanh
thu ước tính mỗi năm: 263.000 – 4,2 triệu USD (6,1 tỷ đồng - 97,4 tỷ đồng).
- Sơn Tùng MTP
Chủ sở hữu là Nguyễn Thanh Tùng, sinh năm 1994 tại Thái
Bình. Là một ca sĩ trẻ, được nhiều người hâm mộ, các MV của Sơn Tùng đạt được lượng
xem rất lớn. Tính tới thời điểm hiện tại, kênh YouTube của Sơn Tùng đứng thứ 11
trong số các kênh được theo dõi nhiều nhất Việt Nam và là nghệ sĩ Vpop được
theo dõi trên Youtube nhiều nhất.
Số người theo dõi: 5,74 triệu; số video upload: 81; doanh
thu ước tính mỗi năm: 64.700 USD – 1 triệu USD (1,5 tỷ đồng - 23 tỷ đồng)
- Vanh Leg
Chủ sở hữu là Nguyễn Việt Anh, sinh năm 1993, tại Hà Nội.
Trong những năm 2010, 2011, Vanh Leg cho ra hàng loạt các bản nhạc chế theo
phong cách sôi động, lời lẽ sáng tạo, mang phong cách riêng. Đến đầu năm 2013, Vanh
Leg thực sự được nhiều người quan tâm khi những ca khúc chế của anh được chia
sẻ rộng rãi trên các trang mạng xã hội.
Số người theo dõi: 5,74 triệu; số video upload: 62; doanh thu
ước tính mỗi năm: 24.400 USD – 390.000 USD (566 triệu đồng - 9 tỷ đồng).
Làm sao kiểm soát khoản thu nhập từ YouTube này?
Theo quy định hiện nay, các cá nhân có nguồn thu nhập từ 100
triệu đồng/năm trở lên thuộc đối tượng kinh doanh và các thu nhập từ YouTube như
trên đều thuộc đối tượng chịu thuế. Nếu không tự giác kê khai nộp thuế hay cố
tình chây ì nộp thuế, các cá nhân sẽ bị xử phạt hành chính và thậm chí khi số
thuế lớn có thể chuyển sang truy tố hình sự.
Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Tổng cục Thuế
cho rằng, quan trọng nhất là sự phối hợp của Ngân hàng Nhà nước để truy xuất
dòng tiền thu nhập bất thường của các cá nhân, doanh nghiệp qua các mạng xã hội
trên. Ông nói: “Tất cả các ví điện tử, hay thẻ visa, thẻ master...đều phải
thông qua Ngân hàng Nhà nước cấp phép mới được hoạt động. Các dòng tiền thanh
toán đều được Ngân hàng Nhà nước cấp phép”.
Cũng theo ông Huy, cần có giải pháp, cơ chế để các tập đoàn
đa quốc gia như Google, Facebook phối hợp cung cấp thông tin giao dịch, các
dòng tiền chi trả cho cơ quan thuế, từ đó mới xem xét được kênh tiếp cận để
truy thu hiệu quả.
Việc nêu tên người trốn thuế, né thuế rộng rãi như quy định
là điều cần thiết nhằm mang tính răn đe lớn. Từ đó cũng góp phần làm giảm số
người có hành vi gian lận, trốn thuế.
Phạm Hoài Nhân
Báo Đồng Nai - 21/10/2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét