Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2021

Người ta đang nói gì về tôi?

Chắc là có đôi khi bạn thắc mắc không biết người ta đang nói gì về mình? Điều này càng quan trọng hơn nữa nếu bạn là người của công chúng hay có địa vị xã hội. Biết được dư luận đang nhìn nhận thế nào về mình rất cần thiết để bạn có những ứng xử phù hợp. Điều tương tự đối với một sản phẩm, một cơ quan, một chiến dịch quảng cáo… người ta đều cần biết truyền thông đang nói gì về mình để tự đánh giá và hoàn thiện. Điều cần làm chính là giám sát truyền thông.

Giám sát truyền thông để làm gì?

Giám sát truyền thông (Media monitoring) là hoạt động theo dõi đầu ra của các phương tiện truyền thông bao gồm phương tiện in, Internet, truyền hình… Nó có thể được tiến hành vì nhiều lý do, bao gồm cả chính trị, thương mại, khoa học, v.v…

Giám sát truyền thông đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực thương mại. Việc theo dõi các nguồn thông tin như blog, diễn đàn và mạng xã hội giúp công ty biết đuọc về cách người dùng cảm nhận dịch vụ hoặc sản phẩm của họ, từ đó có những điều chỉnh sản phẩm cho phù hợp nhu cầu thị trường.

Trong học thuật, giám sát phương tiện truyền thông giúp các nhà khoa học xã hội tìm hiểu những vấn đề như thành kiến ​​trong cách cùng một sự kiện được trình bày trên các phương tiện truyền thông khác nhau, giữa các phương tiện truyền thông của các quốc gia khác nhau, v.v…

Giới báo chí cũng cần giám sát truyền thông khi đang theo đuổi một đề tài nào đó, cần biết được những thông tin mới nhất có liên quan đến đề tài đang diễn ra trên các phương tiện truyền thông khác, đặc biệt là trên mạng xã hội, để có cái nhìn tổng hợp hơn.

Đối với cá nhân, có thể chỉ là sự tò mò, muốn biết xem có ai nói gì về mình trên mạng hay không, nhưng có thể là một phương tiện để xem cái nhìn của bên ngoài về mình như thế nào, đặc biệt hữu ích đối với một số tình huống như đang xin việc làm chẳng hạn.

Công cụ giám sát truyền thông

Thuở xa xưa, người ta giám sát truyền thông bằng cách mua các tờ báo giấy/tạp chí, nghe đài, xem truyền hình,… Điều này tất nhiên là mất khá nhiều thời gian và tiền bạc, và chỉ có thể áp dụng trong thời kỳ các phương tiện truyền thông chưa phát triển như hiện nay. Hiện giờ, với sự bùng nổ các phương tiện truyền thông – nhất là Internet – việc giám sát truyền thông theo cách cũ là bất khả thi, người ta cần các công cụ tự động để tìm đọc và lọc ra những thông tin cần thiết phục vụ nhu cầu giám sát của mình.

Dùng Google Tìm kiếm là cách đơn giản và thông dụng nhất, nhưng có thể coi là cách “thủ công” trong thời đại này và cần có cách làm tự động hơn. Năm 2003, Google tạo ra công cụ Google Alerts, dựa trên Google Tìm kiếm để tổng hợp thông tin cần thiết và gửi mail đến cho người dùng. Tại Việt Nam, mới đây  vừa ra mắt VnAlerts, một công cụ giám sát truyền thông rất hiệu quả.

Google Alerts

Google Alerts là một công cụ do Google cung cấp miễn phí từ tháng 8-2003 cho phép người dùng đăng ký nhận e-mail thông báo về những thông tin mới nhất về những từ khóa họ tìm kiếm. Thực chất công cụ này vẫn dựa trên nền tảng Google Tìm kiếm, thế nhưng thay vì phải khởi động Google Tìm kiếm, gõ từ khóa cần tìm rồi ghi nhận lại thì với Google Alerts bạn chỉ cần khai báo các chủ đề mình cần giám sát một lần đầu, sau đó nó sẽ tự động phát hiện các thông tin mới nhất về những chủ đề đó và tập hợp lại rồi gửi mail cho bạn.

Sử dụng Google Alerts rất đơn giản, bạn chỉ cần vào www.google.com.vn/alerts và nhập vào các yêu cầu cần thiết. Đó là các từ khóa (chủ đề) bạn quan tâm, xác định tần suất gửi thông báo (bao lâu thì gửi một lần) cùng địa chỉ mail sẽ nhận thông báo.

Bạn có thể chọn nhiều chủ đề và kể từ đó cứ đến ngày giờ đã định Google Alerts sẽ tự động tìm kiếm những thông tin mới nhất có liên quan đến chủ đề và gửi email đến cho bạn.

VnAlert

Trên thực tế, nếu bạn không có nhu cầu quá lớn thì Google Alerts hoàn toàn đáp ứng được, nhưng nếu bạn làm việc ở những mảng chuyên sâu hơn như các công ty làm dịch vụ PR, các cơ quan báo chí… thì có thể Google Alerts chưa thỏa mãn nhu cầu của bạn.

VnAlert là một công cụ giúp quản lý và cảnh báo thông tin trên báo chí và mạng xã hội - giúp người dùng không bị nhiễu loạn bởi các nguồn tin giả và nắm được các xu thế thông tin thịnh hành. Ứng dụng Theo dõi và Cảnh báo thông tin VnAlert do Công ty Cổ phần Công nghệ và Truyền thông AIV Group phát triển, ra mắt giữa năm nay và đã nhận được Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2020 trong hạng mục Sản phẩm, dịch vụ, giải pháp số tiêu biểu. Theo giới thiệu của các thành viên sáng lập, VnAlert là một sản phẩm có các tính năng kết hợp của Google Search, Google Trends và Google Alerts.

VnAlert cho phép các cá nhân theo dõi bất kể thông tin gì xuất hiện trên truyền thông theo thời gian thực. Các đặc điểm chính là:

-        Không bỏ lỡ bất kỳ thông tin nào trên truyền thông: Dễ dàng theo dõi thông tin từ hơn 100 triệu nguồn tin trên báo chí, trang tin uy tín và mạng xã hội; Nắm bắt nhanh chóng các chủ đề mới/tin nóng trên truyền thông; Tìm kiếm thông tin chi tiết và thông minh.

-        Theo dõi tập trung các chủ đề quan tâm dài hạn với tính năng Cảnh báo: Theo dõi chính xác thông tin, đúng nhu cầu mà không bị nhiễu bởi các thông tin khác; Theo dõi thường xuyên số lượng lớn các chủ đề khác nhau; Nhanh chóng nhận thông tin về chủ đề cần theo dõi ngay khi thông tin xuất hiện trên truyền thông; Dễ dàng điều chỉnh tần suất nhận cảnh báo cho phù hợp với nhu cầu sử dụng.

-        Khám phá xu hướng thông tin dễ dàng: Với VnAlert, người dùng không chỉ đọc tin tức trong chủ đề, mà còn đánh giá được đột “hot” của chủ đề này; Thay vì đọc từng tin riêng lẻ, người dùng VnAlert sẽ theo dõi thông tin theo “dòng tin” để biết sự việc đã phát triển và diễn biến như nào; Ứng dụng AI để thể hiện xu hướng và tính chất thông tin qua biểu đồ trực quan, dễ sử dụng.

Tính năng theo dõi thông tin tương tự Google Alerts của VnAlert. Nguồn: VnAlert.

Giao diện của VnAlert. Nguồn: VnAlert

Hiện giờ công cụ giám sát truyền thông VnAlert được cung cấp dưới dạng miễn phí (với các tính năng cơ bản) và trả phí (với các tính năng nâng cao). Những ai quan tâm đến ứng dụng có thể tham khảo chi tiết tại http://vnalert.vn.

Phạm Hoài Nhân
Báo Đồng Nai Cuối tuần - 10/01/2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét