Cuối năm 2020 có 2 cuộc thi lớn về công nghệ do Microsoft tổ chức cho khu vực Châu Á – Thái Bình Dương được công bố kết quả. Đó là cuộc thi “AI for Accessibility Hackathon” sử dụng trí tuệ nhân tạo nâng cao chất lượng cuộc sống cho người khuyết tật và cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp Microsoft Emerge X. Điều phấn khởi là trong cả 2 cuộc thi này các đội Việt Nam đều giành được giải thưởng cao nhất.
Cuộc thi “AI for Accessibility Hackathon 2020”
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trên thế giới có hơn một tỷ
người thuộc nhóm những người khuyết tật. Đó có thể là những người bị khuyết tật
vĩnh viễn như bị mù, bị bại liệt và cũng có thể là bất cứ ai vào một số thời
điểm tạm thời trong cuộc đời, như bị gãy tay, gãy chân. Tại khu vực Châu Á –
Thái Bình Dương, con số đó là 650 triệu. Thật không may, theo thống kê hiện nay
chỉ có 1/10 người thuộc nhóm này có được sự tiếp cận với công nghệ để tham gia
trọn vẹn vào các hoạt động xã hội. Do vậy, việc tạo nên các ứng dụng để hỗ trợ
người khuyết tật tiếp cận với cuộc sống bình thường vì vậy là vô cùng cần thiết.
Tháng 10 vừa qua, Microsoft đã khởi động cuộc thi “AI for Accessibility Hackathon 2020” (AI4A) trên toàn khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nhằm tìm kiếm những sáng kiến sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cải thiện các hoạt động trong cuộc sống hằng ngày cho người khuyết tật. Đây là lần đầu tiên AI4A Hackathon được tổ chức trực tuyến tại 14 quốc gia khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
578 thí sinh thuộc 181 đội từ 11 quốc gia đã tham gia tranh
tài tại cuộc thi AI4A Hackathon 2020 trên cùng một nền tảng Microsoft Azure để
tạo ra những giải pháp sáng tạo đáp ứng nhu cầu hàng ngày của người khuyết tật
do các tổ chức phi lợi nhuận từ chính mỗi quốc gia dự thi đặt ra. Sau hai
tháng, cuộc thi đã lựa chọn ra 7 đội xuất sắc, trong đó đội YehYeh của Việt Nam
với ứng dụng “YehYeh NFC”.
Ứng dụng “YehYeh NFC” của đội YehYeh nhằm đơn giản hóa việc
sử dụng thiết bị di động thông minh của người khiếm thị trong việc đọc sách. YehYeh
NFC là một kho sách nói dựa trên công nghệ chuyển văn bản thành giọng nói kết
hợp với công nghệ chữ nổi Braille vật lý thay thế các thao tác chạm trên màn
hình cảm ứng bằng các nút YehYeh.
Huỳnh Quang, một trong 4 thành viên của đội YehYeh, chia sẻ:
“Chúng tôi đã phát triển giải pháp YehYeh NFC như một bộ điều khiển đọc sách
kết hợp giữa công nghệ trí tuệ nhân tạo Microsoft Azure Cognitive trong việc
chuyển văn bản thành âm thanh, cùng công nghệ NFC giúp nâng cao độ chính xác,
giảm thời gian tương tác với thiết bị di động thông minh cho người khiếm thị.
Giải pháp có ưu điểm dễ sử dụng, tối giản hóa thao tác với màn hình cảm ứng,
thiết thực, chi phí thấp và dễ dàng nhân rộng.”
6 giải còn lại gồm:
Đội Accensible của Singapore phát triển một ứng dụng hỗ trợ
người khiếm thính, có thể chạy song song với các nền tảng họp trực tuyến và
cung cấp các công nghệ hỗ trợ như chuyển giọng nói thành văn bản, chuyển ngôn
ngữ ký hiệu thành văn bản và chuyển biên bản cuộc họp thành văn bản.
Đội Cloud Access từ Indonesia đã xây dựng một ứng dụng với
các tính năng của trò chơi sử dụng AI để mọi người đều có thể học ngôn ngữ ký
hiệu, nhằm xây dựng nhận thức về những thách thức thông thường mà người khiếm
thính phải đối mặt,
Đội Navigating Kiwi đến từ New Zealand đã thiết kế công cụ
trợ giúp Nawi, giúp điều hướng cho người khiếm thị. Nawi được trang bị tính
năng phản hồi xúc giác, cảm biến nguy hiểm, phản hồi âm thanh và cảm biến
camera, để người khiếm thị có thể rảnh tay hoặc sử dụng bộ điều khiển xúc giác.
Đội Vulcan Coalition đến từ Thái Lan phát triển bộ tổng hợp
văn bản thành giọng nói giành cho tiếng Thái.
Đội #ASBWeAllNeedToSee từ Malaysia đã thiết kế BlindIn.co,
một nền tảng kết nối việc làm cho các ứng viên tiềm năng để giới thiệu các kỹ
năng và năng lực thông qua video dựa trên công nghệ AI của Microsoft Cognitive
và Machine Learning.
Đội Lingaro từ Philippines tập trung nghiên cứu vấn đề khuyết
tật từ khía cạnh tâm lý xã hội. Ứng dụng Lingaro Wellness của họ sẽ theo dõi
tâm trạng của người dùng thông qua trí tuệ nhân tạo AI, phân tích dữ liệu, từ
đó đưa ra các can thiệp cơ bản về mặt hành vi nhận thức như khuyến nghị các
buổi hẹn với chuyên gia y tế và nhân viên tư vấn.
Các đội chiến thắng giành được giải thưởng 1.000 USD tiền
mặt, cơ hội được làm việc với các chuyên gia kỹ thuật của Microsoft, từ đó cùng
xây dựng phát triển giải pháp trên nền tảng Microsoft Azure, và sẽ giới thiệu
các giải pháp đó vào tháng 06-2021. Các đội chiến thắng nếu là startup cũng sẽ
có cơ hội tiếp cận với cộng đồng Microsoft for Startups để nhận được những hỗ
trợ cần thiết để hiện thực hóa các ý tưởng của họ thành hiện thực.
Đường đến 100 kỳ lân
Trong giới kinh doanh hiện nay rất thịnh hành thuật ngữ Unicorn
Startup – Khởi nghiệp kỳ lân. Đây là thuật ngữ chỉ những startup được định
giá trên 1 tỷ đô la. Kỳ lân là loài vật tưởng tượng, gắn liền với sự độc đáo,
quý hiếm. Tương tự, các startup kỳ lân đạt được mức định giá 1 tỷ đô trong 10
năm trên toàn thế giới cũng chỉ chiếm 0,07% trên tổng số các công ty khởi
nghiệp.
Ngày 12-10-2020, Microsoft đã khởi động sáng kiến Highway
to a 100 Unicorns (Đường đến 100 kỳ lân, hay có thể hiểu là là sáng kiến
Hỗ trợ 100 công ty khởi nghiệp kỳ lân) tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương
nhằm thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp trong khu vực. Đây là
hoạt động tiếp nối thành công của sáng kiến này ở Ấn Độ, nơi chỉ có 56 công
ty khởi nghiệp được lựa chọn tham gia chương trình từ hơn 15.000 công ty khởi
nghiệp đăng ký.
Chương trình Emerge X là một phần của sáng kiến Highway
to a 100 Unicorns, cuộc thi đã thu hút được sự đồng hành của hơn 70 đối tác
phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và chính phủ tại 16 quốc gia, qua đó nhận
được đề cử hơn 300 cái tên triển vọng nhất cho chương trình. 16 quốc gia tham
gia chương trình là Bangladesh, Bhutan, Brunei, Cam-pu-chia, Indonesia, Lào,
Malaysia, Maldives, Myanmar, Nepal, New Zealand, Philippines, Sri Lanka,
Singapore, Thái Lan, và Việt Nam.
Bốn start-up đến từ Việt Nam, Philippines, Sri Lanka và
Singapore đã xuất sắc giành chiến thắng tại cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp Emerge
X, đó là:
Abivin đến từ Việt Nam: Abivin là một nền tảng dựa
trên trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng định tuyến các phương tiện vận tải, từ
đó tối ưu hóa chuỗi cung ứng cho nhiều lĩnh vực khác nhau.
Lifetrack Medical Systems đến từ Philippines và
Singapore: Đây là một nền tảng dựa trên công nghệ điện toán đám mây, cung
cấp khả năng truy cập hình ảnh y tế với mức chi phí hợp lý cho các thị trường
mới nổi.
Agrithmics đến từ Sri Lanka: Một giải pháp dựa trên
nền tảng công nghệ điện toán đám mây, có khả năng số hóa chuỗi cung ứng từ
trang trại đến nhà máy và kết nối người nông dân với người mua, từ đó giúp nâng
cao hiệu quả ngành nông nghiệp.
Milky Way AI đến từ Singapore: Một giải pháp bán lẻ
thông minh dựa trên nền tảng AI, tận dụng công nghệ nhận dạng hình ảnh để giúp
các nhà bán lẻ quản lý số lượng hàng trong kho và tối đa hóa doanh số bán hàng.
Được xây dựng vào năm 2015, giải pháp dựa trên AI của Abivin
giúp các nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà bán lẻ, nhà vận tải, nhà cung cấp
dịch vụ hậu cần và nhà khai thác vận tải container đối phó với những thách thức
trong quá trình triển khai hoạt động hậu cần cũng như giải quyết vấn đề định
tuyến phương tiện vận tải, giúp tiết kiệm tới 30% chi phí.
Cassie Nguyễn, COO và đồng sáng lập Abivin chia sẻ: “Mục
tiêu của chúng tôi khi đăng ký tham dự Highway to a 100 Unicorns là kết nối
cũng như học hỏi từ Microsoft, các chuyên gia trong ngành và các công ty khởi
nghiệp khác trên khắp Châu Á - Thái Bình Dương. Đó thực sự là một trải nghiệm
quý giá. Chúng tôi vừa ngạc nhiên vừa tự hào khi được chọn là một trong 4 công
ty khởi nghiệp hàng đầu trong khu vực”.
Phạm Hoài Nhân
Theo thông tin từ Microsoft
Báo Đồng Nai Cuối tuần - 03/01/2021
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét