Thứ Hai, 24 tháng 2, 2014

School Cheater – thêm một game Việt gây chú ý

Sau khi Flappy Bird tạo cơn sốt trên cộng đồng mạng, lại thêm một game di động của Việt Nam gây sự chú ý trên thế giới. Đó là School Cheater, sản phẩm vừa lọt vào top 11 game xuất sắc nhất tại cuộc thi Game Development World Championship 2013, cũng như nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người chơi.


School Cheater là sản phẩm của Bưởi Studio, thuộc Công ty cổ phần phát triển trò chơi Việt Nam. Game đã được gửi tham dự Game Development World Championship 2013, cuộc thi được tổ chức từ 11-2013 đến 1-2014, thu hút 749 đội tham dự, đến từ 79 quốc gia. Ở vòng cuối cùng, Ban giám khảo đã chọn ra 11 trò chơi xuất sắc trong đó có School Cheater, nhưng không xếp hạng.

Hiện nay người dùng hệ điều hành Android đã có thể tải game miễn phí từ kho ứng dụng Google Play. Phiên bản cho App Store cũng sẽ được đưa lên trong thời gian tới, để những người sử dụng thiết bị dùng hệ điều hành iOS như iPhone, iPad, có thể tham gia chơi game.

School Cheater có nội dung khá lạ khi tên sản phẩm có nghĩa là “gian lận trong trường học”. Người chơi sẽ vào vai một học sinh đang bị “bí” bài trong giờ thi và phải sử dụng sự khéo léo của mình để điều khiển học sinh này đến bên cạnh một bạn học giỏi trong lớp để “quay cóp”. Đây là nhiệm vụ không hề đơn giản khi “học sinh lười” này phải tránh khỏi tầm quan sát của giáo viên cũng như không đứng quá gần những bạn nóng tính, kẻo bị đánh cho mềm người (Chúng ta chắc cũng sẽ nổi nóng khi thấy người khác không học bài mà vẫn đạt điểm cao!).

Nếu như Flappy Bird được đánh giá là có đồ họa 8 bit “thời kỳ đồ đá” thì School Cheater hoàn toàn không như vậy. Trò chơi sử dụng hình ảnh theo phong cách hoạt hình sinh động với gam màu tươi sáng và đặc biệt là vô cùng vui nhộn! Các nhân vật đều được tạo hình một cách tròn trịa, ngộ nghĩnh, rất dễ thương. Các cảnh như thầy giáo phát hiện ra học sinh gian lận hay anh chàng nóng tính xông vào “trừng phạt” người bạn quay cóp đều không tạo cảm giác căng thẳng, thay vào đó lại làm người chơi phì cười.

Âm thanh cũng là thế mạnh của School Cheater. Nhạc nền tươi vui phù hợp với không khí của game và giúp giảm căng thẳng cho người chơi. Các tiếng động cũng được thể hiện rất dí dỏm. Anh chàng lười học của chúng ta có lẽ mang loại giày của em bé nên khi bước trong lớp luôn phát ra tiếng kêu “bíp bíp” (rất may là giáo viên không chú ý đến âm thanh này). Còn mỗi khi bị giáo viên phát hiện ra thì học sinh này lại kêu lên “ôi không” đầy tuyệt vọng.

Dù người chơi phải sử dụng đầu óc cũng như sự khéo léo của mình khá nhiều mới có thể hoàn thành được các nhiệm vụ trong game thì School Cheater vẫn là một game hay, mới lạ và phù hợp để thư giãn sau những giờ làm việc hay học tập căng thẳng (Trong khi Flappy Bird lại thu hút người chơi vì tạo cảm giác ức chế, khiến họ luôn muốn tiếp tục để đạt điểm cao hơn). Đây cũng là tín hiệu vui khi làng game Việt Nam liên tục cho ra lò những sản phẩm chất lượng.

Và tất nhiên, dù có khẩu hiệu là “về cơ bản, bản thân việc quay cóp không hề xấu, nó chỉ xấu ... khi bị giáo viên phát hiện”, game chỉ mang tính chất giải trí, “vui là chính” chứ không cổ động việc gian lận trong trường học. Và những ai cố gắng áp dụng những thủ thuật trong game vào chuyện thi cử trong thực tế thì rất có thể sẽ thành công…vào năm sau.

Quang Anh
LĐĐN - 24/02/2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét