Thứ Hai, 10 tháng 2, 2014

Ô kìa, con chim nó bay!

Flappy Bird (chim vỗ cánh) là trò chơi dành cho thiết bị di động được tải về nhiều nhất thế giới trong tháng 1/2014 trên cả 2 hệ điều hành iOS và Android.


Sẽ chẳng có gì ầm ĩ đối với một trò chơi chiếm vị trí số 1 thế giới như thế này nếu không có 2 đặc điểm sau:
  •  Ý tưởng, nội dung và cả kỹ thuật lập trình cho game quá đơn giản so với rất nhiều game khác.
  •  Đây là một trò chơi do người Việt Nam viết, và là lần đầu tiên một trò chơi Việt lên hàng đầu thế giới.
Đơn giản vậy mà số 1 thế giới à?

Ý tưởng của game Flappy Bird cực kỳ đơn giản. “Nhân vật” chính (và duy nhất) của game là một chú chim nhỏ, người chơi nhấp vào màn hình cảm ứng để đưa chú chim bay vượt qua khe hở giữa các ống cống, nếu va vào ống cống thì game sẽ kết thúc. Đồ họa của game gợi ta nhớ tới những game cách đây… hai ba chục năm, giống những trò chơi trên máy Nintendo của thập niên 80, 90 thế kỷ trước.

Vậy sao nhiều người chơi thế?

Trang web SiliconAngle.com viết: Đây không phải là một trò chơi vui nhộn mà là một chất gây nghiện. Độ khó của trò chơi khiến người ta có một cảm giác bức bối muốn chinh phục.

Trang công nghệ TechCrunch còn nói: Đừng tải trò chơi này về nếu bạn không muốn bực mình vì chơi không thắng và ném chiếc điện thoại của bạn đi!

Flappy Bird được tải miễn phí trên iOS lẫn Android và kích thước rất nhỏ gọn (bản trên Android có kích thước chỉ 894 KB), đó có lẽ cũng là một lý do khiến mọi người tải về nhiều. Thế nhưng càng chơi càng… bực mình vì thua khiến cứ muốn chơi tiếp để chinh phục và muốn hơn người khác là lý do chính khiến người ta cứ tải về. Đến nay số lượt tải Flappy Bird về trên AppStore đã trên 50 triệu lần!


Tác giả là ai?

Tác giả của chất gây nghiện này là Nguyễn Hà Đông, một chàng trai Hà Nội 29 tuổi. Anh cho biết chỉ một mình thực hiện game này và thời gian viết chương trình chỉ khoảng 2, 3 ngày. Hà Đông cũng cho biết rằng anh không hề nghĩ rằng trò này sẽ gây sốt trên mạng như vậy.

Trên AppStore, Nguyễn Hà Đông còn có 2 game khác và chúng cũng được xếp thứ hạng rất cao, đó là Super Ball Juggling (hạng 2) và Shuriken Block (hạng 6). Tuy nhiên, theo TechCrunch 2 game này không có gì nổi bật và có vẻ như chúng được tải về nhiều là do “ăn theo” tên tuổi của Flappy Bird.

Mọi người nói gì?

Số người tải Flappy Bird về ở Việt Nam không nhiều (theo bảng xếp hạng của Google Play tại Việt Nam thì Flappy Bird không hề ở tốp đầu), nhiều nhất là ở Mỹ. Trong phần nhận xét về ứng dụng này ở Việt Nam có khá nhiều ý kiến chê bai (vì “ghen ăn tức ở” hay vì tâm lý người Việt không thích trò chơi kiểu này?). Ngược lại, một số người khác rất hào hứng trước thành quả đứng đầu thế giới của một trò chơi Việt Nam và ca ngợi hết lời.

Các nhà chuyên môn về game và chính tác giả Nguyễn Hà Đông  thừa nhận rằng thành công của Flappy Bird phần lớn là nhờ yếu tố may mắn. Tuy nhiên, nếu tỉnh táo nhận xét ta có thể rút ra được điều này: Khái niệm đơn giản hóa đến mức tối giản một ứng dụng lại là một yếu tố ăn khách. Thành công của Nguyễn Hà Đông nhờ ở chỗ thay đổi một khái niệm: thay vì áp dụng nhiều công nghệ hiện đại, tình tiết phức tạp để thiết kế trò chơi thì anh đơn giản hóa vấn đề.

Các bạn trẻ Việt Nam có thể rút ra nhiều bài học từ thành công của Flappy Bird, nhưng không phải cứ bê nguyên xi công thức này để làm ra các trò chơi với con chó, con mèo, v.v… mà điều quan trọng là: mạnh dạn suy nghĩ để đưa ra các khái niệm mới.

Hiệu quả của Flappy Bird?

Flappy Bird được tải miễn phí, vậy tác giả của nó có thu được lợi ích kinh tế gì không? Có, có nhiều nữa là khác. Đó là thu từ quảng cáo trên game này. Theo thông tin không chính thức, Nguyễn Hà Đông thu được từ quảng cáo trên game là 50.000 USD mỗi ngày – nghĩa là một tỷ đồng mỗi ngày. Các chuyên gia quảng cáo trên thiết bị di động đã tính toán và khẳng định con số này hoàn toàn khả thi. Nếu thực sự được như thế, chúng ta xin chúc mừng cho Nguyễn Hà Đông, một bạn trẻ Việt Nam trở thành tỷ phú nhờ  trí tuệ của mình!

Còn hiệu ứng xã hội và công nghệ? Xin nhắc lại rằng game Flappy Bird hoàn toàn không có công nghệ gì mới (nếu không muốn nói là rất xưa cũ), do đó không hề có chuyện đóng góp gì mới cho lĩnh vực công nghệ (kiểu như  giáo sư Ngô Bảo Châu đóng góp cho nền toán học quốc tế). Tuy nhiên đây là một cú hích rất lớn cho giới trẻ Việt Nam khi bạn bè đồng trang lứa tạo được thành quả như vậy trên trường quốc tế.

Đầu năm mới, đây là một tín hiệu vui và chúng ta hy vọng rằng sẽ còn nhiều tin vui như vậy nữa trong năm 2014.


Thái Thư
LĐĐN - 08/02/2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét