Thứ Hai, 17 tháng 2, 2014

Video trực tuyến

Video trực tuyến cất cánh khi việc truy cập Internet qua đường truyền băng thông rộng phát triển.
Sự bùng nổ của video trực tuyến khiến nhiều nhật báo từ 2005 phải thuê người quay phim và thúc đẩy phóng viên bắt đầu sản xuất nội dung video để phát trên mạng. Đến quý III 2010, chỉ riêng tại Mỹ, thời lượng video trực tuyến do các nhật báo sản xuất đã vượt qua thời lượng của các đài truyền hình mặc dù tính bình quân trên từng sản phẩm thì độ dài của video trực tuyến ngắn hơn video phát sóng.[1]


Khác với video giải trí, một sản phẩm video báo chí không bảo đảm sẽ thu hút được đông đảo người xem như là video Gangnam Style. Tuy nhiên, những video phát huy được sức mạnh tường thuật khi có một câu chuyện hay cũng thường thu hút lượng truy cập cao. Phương tiện video rất hữu hiệu khi tạo ra sức sống cho một nhân vật hay một nơi chốn đặc biệt. Video về các sự kiện thiên tai, tai họa và biến động chính trị cũng được rất nhiều người xem. Một nghiên cứu về chất lượng báo chí Mỹ của Pew Research Center cho biết đây là loại video thời sự được xem nhiều nhất trên YouTube sau khi khảo sát mạng video này suốt 15 tháng từ tháng 1.2011 đến tháng 2.2012.[2]

Các video không biên tập hậu kỳ, hay còn gọi là video “thô”, quay những sự kiện kịch tính – bao gồm những đoạn phim quay bởi những người dân bình thường, có khi lại được xem còn nhiều hơn cả những bản tin thời sự truyền hình cũng về sự kiện đó nhưng được thực hiện chuyên nghiệp bởi các báo đài. Nghiên cứu của Pew Research Center cho thấy 42% các video thời sự phổ biến nhất trong thời gian khảo sát là những video thô và 39% do các “nhà báo công dân” bấm máy ghi hình.

Một trong những kênh video thời sự trực tuyến thành công chính là kênh của nhật báo The Wall Street Journal. Trong năm 2010, lượng truy cập vào kênh video trực tuyến này là 10 triệu lượt/tháng. Đến tháng 5.2012, lượng truy cập này tăng gần gấp đôi. Trong năm này, tờ Wall Street bắt đầu bổ sung thêm chuyên mục WorldStream cho kênh video của họ. Đây là kênh video ngắn do các phóng viên của báo quay bằng các thiết bị di động.

Video chính là sức thu hút độc giả truy cập vào ấn bản trực tuyến của nhiều tờ báo in. Nhiều cơ quan báo chí Mỹ nhận thấy rằng chỉ cần cho kích thước trình phát video lớn hơn và đặt ở vị trí nổi bật trên trang chủ của tờ báo mạng là cũng đủ tăng thêm lượt truy cập. Mọi người nói chung thích xem video trực tuyến vì thời lượng ngắn. Phần lớn người dân Mỹ truy cập mạng để xem video thường là xem trong khi làm việc thay vì xem trong giờ nhàn rỗi nên video ngắn rất được ưa chuộng.[3] Nhưng khi số lượng máy tính bảng bán ra ngày càng nhiều thì thời gian nhàn rỗi được dùng để xem video trực tuyến sẽ tăng lên.

Và nếu video thật sự hấp dẫn thì thời lượng có thể kéo dài. Nghiên cứu của Pew Research Center về YouTube cho thấy độ dài trung bình của các video thời sự được nhiều người xem nhất là 2 phút 1 giây – ngắn hơn đáng kể so với tin truyền hình phát sóng. Trong khi tin truyền hình luôn tuân theo những quy tắc cứng nhắc về thời lượng, các video trên YouTube lại có độ ngắn dài khá linh hoạt. Do đó, 29% các video thời sự trên YouTube có thời lượng ngắn hơn một phút, 21% từ một đến hai phút, 33% từ hai đến năm phút và 18% dài hơn năm phút.[4]

Với YouTube, ai cũng có thể sản xuất nội dung video và tự lập kênh truyền hình cá nhân. Những chiếc máy quay video số cá nhân nhỏ gọn, những chiếc smartphone bỏ túi và những thế hệ thiết bị di động tương lai sẽ không bỏ lỡ những sự kiện nào gây bất bình, phẫn nộ hay cần kêu gọi quan tâm. Giống như các mạng xã hội, YouTube bây giờ cũng là một kênh tổng hợp và phát hành thông tin bằng video và là một nguồn tin cho các loại ấn phẩm báo in.

Trần Đức Tài
LĐĐN - 17/02/2014





[1] Q3 Brightcove and TubeMogul Industry Report – 22.12.2010 – http://blog.brightcove.com/en/2010/12/facebook-refers-more-video-streams-yahoo-q3-brightcove-and-tubemogul-industry-report.
[2] Journalism.org – YouTube & News: A New Kind of Visual News – 16.07.2012 – http://www.journalism.org/analysis_report/youtube_news.
[3] Cyberjournalist.net – 60% of Americans use TV and Internet together – www.cyberjournalist.net/60-of-americans-use-tv-and-internet-together.
[4] Journalism.org – YouTube & News: A New Kind of Visual News – 16.07.2012.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét