Thứ Hai, 27 tháng 7, 2015

Nghẽn mạng khi tra cứu điểm thi THPT 2015

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 kết hợp xét tuyển đại học kết thúc đã hơn 3 tuần. Ngày 22/7,  Bộ Giáo dục – Đào tạo đã cho công bố kết quả chính thức của kỳ thi. Thay vì việc công bố kết quả được từng địa phương, từng trường đại học thực hiện như những năm trước, lần này toàn bộ kết quả đều được thông báo từ một đầu mối là Bộ GD-ĐT. Từ đây, một số sự cố đã xảy ra gây bức xúc trong dư luận.

Trang web tra cứu điểm thi THPT của Bộ GD - ĐT


Sự cố trước khi công bố kết quả

Trước ngày có kết quả chính thức, rộ lên nguồn tin rằng Bộ GD-ĐT độc quyền cung cấp điểm thi tốt nghiệp THPT 2015, thay vì để các cụm thi tự công bố, bắt tay với doanh nghiệp viễn thông để thu lợi nhuận từ điểm thi. Thông tin này lan rộng đến nỗi thứ trưởng Bùi văn Ga phải lên tiếng ngày 21/7, ông khẳng định:  “Bộ GD-ĐT sẽ công bố điểm thi trên trang thông tin điện tử (tại địa chỉ http://thi.moet.gov.vn) để thí sinh truy cập hoàn toàn miễn phí. Bộ không chuyển cơ sở dữ liệu này cho bất kỳ tổng đài hay cơ sở viễn thông nào để khai thác dữ liệu”.

Mặt khác, lợi dụng sự nôn nóng biết kết quả thi của thí sinh và phụ huynh, nhiều trang web được mở ra quảng cáo dịch vụ tra cứu điểm thi THPT 2015 qua các đầu số tin nhắn. Các dịch vụ này thu từ 10.000 đến 15.000 đồng cho mỗi tin nhắn “giữ chỗ” sẽ thông báo điểm thi ngay khi có kết quả. Người sử dụng mong tin nên chấp nhận trả tiền trước  mà không có gì bảo đảm rằng sẽ có thông tin đúng và kịp thời.

Thứ trưởng Bùi văn Ga khuyến cáo rằng: Những tin nhắn hay thông tin thu phí của thí sinh không do Bộ GD-ĐT cung cấp. Vì vậy, thí sinh hãy bình tĩnh, không truy cập những nguồn không chính thống để tốn phí.

Sự cố sau khi công bố kết quả

Chiều 22/7, khi  Bộ GD-ĐT chính thức công bố điểm thi, các trang web của bộ đều không thể truy cập do quá tải và nghẽn mạng (thông báo lỗi: 504 Gateway Time-out,  máy chủ không hồi đáp).

Các trang tra cứu điểm thi của các báo điện tử cũng không có gì khá hơn, vì thực chất họ cũng phải kết nối với server của Bộ để lấy thông tin chứ không phải được Bộ cung cấp dữ liệu. Vì vậy các trang này bị tê liệt hoặc cho nhập thông tin cá nhân nhưng… không cho kết quả. Người xem mỏi mòn nhìn lên màn hình những dòng thông báo: “Bộ GD-ĐT đang cập nhật dữ liệu...”, “Đề nghị các thí sinh và nhân dân tiếp tục theo dõi” rồi thì “đang tra cứu...” và… đứng yên luôn.

Tình trạng này kéo dài rất lâu, khiến cho hàng triệu thí sinh và phụ huynh đứng ngồi không yên, tạo nên nhiều lời ta thán.

Thật ra tình trạng này đã được giới công nghệ thông tin (CNTT) dự đoán ngay sau khi nghe bộ thông báo cách công bố điểm tập trung về một mối Bộ GD-ĐT. Với một triệu thí sinh kèm thêm phụ huynh, người thân, bạn bè đều sốt ruột và sẵn sàng truy cập ngay mà “lối vào chỉ có một cửa” thì làm sao không nghẽn mạng được chứ?

Bộ Giáo dục – Đào tạo nói gì?

Thứ trưởng Bùi văn Ga trả lời phỏng vấn chiều 22/7

Trả lời phỏng vấn báo chí, thứ trường Bùi văn Ga cho biết: tại thời điểm cận ngày thông báo kết quả, Bộ đã lường trước việc quá tải trong thời gian đầu do nhiều người truy cập cùng lúc. Vì vậy Bộ quyết định công bố điểm theo các khu vực, ví dụ đồng bằng sông Cửu Long giao cho Đại học Cần Thơ; TP HCM có Đại học Sư phạm và Đại học Nông lâm; miền Trung có Đà Nẵng, Vinh; miền Bắc có Sư phạm Hà Nội, Bách khoa Hà Nội; Tây Bắc có Đại học Thái Nguyên.

Thế nhưng trên thực tế việc nghẽn mạng vẫn xảy ra. Thứ trưởng Ga giải thích:

“Đấy là vấn đề về công nghệ, khó mà tránh khỏi. Trang tra cứu của Bộ đã tính toán là cùng một lúc khoảng 60.000 người truy cập thì có thể chịu tải, vượt quá thì sẽ phát sinh các vấn đề kỹ thuật. Về mặt lý thuyết hoàn toàn có thể tăng dung lượng truy cập bằng cách nâng cấp server, nhưng có cần thiết không?

Công nghệ thì phải tính toán sử dụng được lâu dài, chứ không thể đầu tư cơ sở hạ tầng rất lớn chỉ để phục vụ trong thời gian rất ngắn. Trong khoảng một hai giờ đầu tiên, hàng chục, thậm chí cả trăm nghìn người cùng truy cập, tuy nhiên sau đó giảm dần và tốc độ giảm rất là nhanh. Muốn chịu tải được trong thời gian đầu đòi hỏi phải có nhiều máy chủ, trang bị đường truyền rộng, tốc độ cao, nhưng lại chỉ sử dụng trong mấy chục phút thì lãng phí. Sau thời gian sốt ban đầu bộ phận kỹ thuật khắc phục, thời gian sau số lượng giảm dần thì việc tra cứu vẫn diễn ra bình thường.”

Các chuyên gia CNTT nói gì?

Lý giải của Bộ GD-ĐT không sai, nhưng không làm các chuyên gia CNTT hài lòng. Họ cho rằng nếu đã biết trước tình trạng quá tải ở thời điểm đầu công bố kết quả thì hoàn toàn có thể áp dụng những giải pháp công nghệ để xử lý, mà không phải đầu tư nâng cấp server như lời thứ trưởng Bùi văn Ga nói.

Nhà báo CNTT Phạm Hồng Phước cho rằng giải pháp của Bộ GD-ĐT là “ôm rơm – nặng bụng”. Ông đặt câu hỏi: Tại sao bộ không phân quyền cho các cụm thi tự công bố kết quả điểm thi cho thí sinh trên website của mình để tránh tình trạng quá tải và nghẽn mạng? và đề xuất giải pháp: Bộ chỉ nên tập trung điểm thi về để kiểm tra sai sót và quản lý, rồi sau đó trả về cho các cụm thi công bố kết quả của cụm mình trên trang web của trường ĐH hay sở GD-ĐT. Các trang web của bộ lúc đó chỉ làm nhiệm vụ kiểm chứng.

Ông Vũ Minh Trí, tổng giám đốc Microsoft Việt Nam, nêu trên trang Facebook của mình: Chúng tôi có thể giúp Bộ GD-ĐT bằng giải pháp đám mây lai của Microsoft (Microsoft Hybrid Cloud solution). Dữ liệu vẫn ở trên server của Bộ GD-ĐT, và Bộ dùng dịch vụ đám mây của chúng tôi để xử lý đỉnh điểm quá tải trong thời gian ngắn.

(Ghi chú: Mô hình đám mây lai (Hybrid Clouds) là một dịch vụ đám mây tích hợp sử dụng sự kết hợp của đám mây "doanh nghiệp" và đám mây "công cộng", cho phép chia sẻ hạ tầng hoặc đáp ứng nhu cầu trao đổi dữ liệu, kết nối các mạng lưới quản lý hoặc dịch vụ mạng. Mô hình này đang được Microsoft giới thiệu tại Việt Nam).

Hiện giờ, sau giai đoạn đầu dồn dập người truy cập, tình hình tra cứu kết quả thi TNPT 2015 đã diễn ra bình thường. Nỗi bức xúc của thí sinh và phụ huynh đã trôi qua, và vấn đề cũng không để lại hậu quả gì lớn. Tuy nhiên, hy vọng rằng Bộ GD-ĐT sẽ ghi nhận những sự kiện này để sang năm việc tổ chức thông báo kết quả sẽ được tốt đẹp hơn.


Phạm Hoài Nhân
LĐĐN - 27/07/2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét