Thứ Hai, 23 tháng 10, 2017

FaceDance, game Việt tiếp nối thành công của Flappy Bird

Ba tháng nay có một game “nổi đình, nổi đám” trên toàn thế giới, đặc biệt là các nước Đông Nam Á với trên 7 triệu lượt tải về và vô số bài giới thiệu trên báo chí, đó là FaceDance Challenge. Đây là một game Việt Nam và được cho là một Flappy Bird thứ hai.

FaceDance Challenge mới lạ và có sức thu hút rất cao

Trên phần giới thiệu của mình, game FaceDance Challenge cho biết:

“Chúng tôi đến từ Việt Nam

Đây là game đầu tiên sử dụng Camera trước để chơi. Bạn sẽ có những trải nghiệm chưa từng có trước đây. Hãy thử chơi và bạn sẽ thấy rằng FaceDance hoàn toàn khác biệt với các game hiện tại.

Chúng tôi sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt thời gian thực, sau đó so sánh với các biểu tượng emoticon trên màn hình để có điểm. Càng “Nhảy Bằng Mặt” hay thì sẽ càng có nhiều điểm.”

“Biểu diễn” khuôn mặt theo những biểu tượng emoticon xuất hiện trên màn hình


Nếu các game trước nay dùng bàn phím, chạm màn hình hoặc các thiết bị khác để chơi thì FaceDance dùng camera của điện thoại – và nếu trước nay người chơi dùng tay, chân… để chơi thì FaceDance dùng… khuôn mặt người để chơi, đúng như tên gọi của nó là FaceDance (gương mặt nhảy múa).

Cách chơi game FaceDance đơn giản nhưng rất vui nhộn và hấp dẫn. Người chơi bật camera trước của điện thoại lên, cho máy nhận diện gương mặt của mình, rồi chọn một điệu nhạc phát ra. Khi ấy các biểu tượng gương mặt (emoticon) với mắt và miệng sẽ chạy trên màn hình, người chơi sẽ dùng mắt và miệng của mình bắt chước theo hình các biểu tượng xuất hiện hòa theo điệu nhạc, càng giống thì sẽ càng được nhiều điểm. Mức độ xuất hiện của các biểu tượng cảm xúc trong game sẽ thay đổi nhanh, chậm tùy theo nhịp điệu của bản nhạc nền, người chơi vừa được xả stress hiệu quả lại tạo được sự hài hước, vui nhộn và gây cười cho người khác. Xu hướng dùng biểu cảm khuôn mặt trong Face Dance Challenge đang trở thành trào lưu mới được toàn thế giới ưa thích. Điều thú vị là toàn bộ các động tác và âm thanh này sẽ được ghi lại với dạng video và có thể chia sẻ lên mạng xã hội như Facebook hoặc YouTube, càng khiến nhiều người quan tâm và thích thú.

FaceDance Challenge đã chiếm vị trí đầu bảng xếp hạng trên Store ở nhiều khu vực khác nhau như Hồng Kông, Philippines, Việt Nam,... Đến nay đã có trên 7 triệu lượt tải về trên toàn thế giới (không kể Trung quốc).

Tác giả FaceDance là một chàng trai Bình Định sinh năm 1987

FaceDance là sản phẩm của Diffcat Studio, một công ty có trụ sở tại đường Nguyễn văn Trỗi, Phú Nhuận, TPHCM. CEO của công ty và là người đứng đằng sau sự ra đời của game này là Nguyễn Xuân Giang. Giang sinh năm 1987 tại Bình Định, anh từng theo học ngành vật lý - tin học ở Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM, nhưng máu mê kinh doanh khiến anh dừng việc học ở năm cuối.

Nguyễn Xuân Giang

Năm 2009, Nguyễn Xuân Giang khởi nghiệp lần đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin, lúc anh bước vào tuổi 22. Giang đã từng tạo ra nhiều sản phẩm như phần mềm tối ưu hóa công cụ tìm kiếm Phanmemseo.vn hay “Instagram” dành cho thị trường Việt Nam là Winkjoy, hoặc ứng dụng chỉnh sửa ảnh vào năm 2015. Các sản phẩm này có những thành công nhất định nhưng chưa nổi bật. Với Diffcat Studio, công ty này cũng đã cho ra đời 2 game là Tap Tap Tank và Gtron khá hấp dẫn nhưng chưa tạo được dấu ấn. Giang cho biết trên báo Đầu tư: “Chúng tôi định hướng lại, tạo ra game phải đáp ứng 3 yếu tố: siêu vui nhộn, kết nối và vận động”.

Tháng 6-2017, Diffcat Studio cho ra đời FaceDance Challenge nhưng ngay sau đó phải rút xuống vì game bị lỗi khi chơi trên một số máy có cấu hình thấp. Đến tháng 7 game mới ra mắt chính thức và đạt thành công vang dội.

Giống và khác nhau giữa FaceDance và Flappy Bird

Cả hai đều là những game Việt do những chàng trai trẻ tạo nên và tạo được thành công lớn trên thế giới. Tuy nhiên có những điểm khác nhau như sau:

-      Flappy Bird là một game đơn giản, thuộc loại kinh điển – thậm chí cổ điển – đồ họa cùng công nghệ đều không có gì mới lạ, trong khi FaceDance ứng dụng nhiều công nghệ mới (như công nghệ nhận diện khuôn mặt), đề ra cách chơi mới khác hẳn với những cách chơi hiện có. Chính vì thế FaceDance phải giải quyết những bài toán công nghệ hóc búa hơn nhiều. Ví dụ như khi kích hoạt FaceDance, rất nhiều tính năng được kích hoạt đồng thời như phát nhạc, camera trước, nhận diện khuôn mặt, ghi video clip… nên nhiều máy đời cũ, có cấu hình thấp không đáp ứng được.
-      Flappy Bird là sản phẩm cá nhân của Nguyễn Hà Đông, còn FaceDance thì ngoài vai trò chính của Nguyễn Xuân Giang thì Diffcat Studio còn có 11 kỹ thuật viên và một số bạn bè bên ngoài hỗ trợ.

Cơn sốt FaceDance và những lời chào mời hấp dẫn

Lên YouTube, gõ vào dòng tìm kiếm chữ “FaceDance Challenge” ta sẽ thấy vô số các video vui nhộn do những người chơi game này đưa lên, trong đó có rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, điều này càng tạo nên sự thu hút mọi người tìm chơi thử game. Ví dụ: Anucha Saengchart (Thái Lan) nổi tiếng trong cộng đồng mạng thế giới bởi loạt video hóa trang thành các nhân vật hoạt hình, truyện tranh, phim ảnh theo phong cách vui nhộn. Trong video chưa đầy 2 phút gần đây, anh không hóa trang chỉ chu môi, trợn mắt cùng dòng hashtag “facedance challenge” đã thu hút hơn 6 triệu người xem từ Facebook. Không chỉ Anucha Saengchart, hầu như những người nổi tiếng trên cộng đồng mạng, nghệ sĩ ở Thái Lan và Philippines đều có một đoạn video như vậy.

Một chương trình truyền hình của Philippines mới đây đã liên hệ với DiffCat Studio để xin cấp phép phát sóng FaceDance trong các kỳ tiếp theo. Lời mời mới nhất FaceDance đang nhận được là một hãng mỹ phẩm của Nhật mong muốn có thể hợp tác, sử dụng trò chơi trong TVC của hãng tại thị trường Indonesia trong ba tháng. Nguyễn Xuân Giang cho biết FaceDance nhận được đầu tư từ một công ty Singapore với mức định giá khoảng 3,1 triệu USD.

Mặc dù vậy, trả lời phỏng vấn của báo Đầu tư, Xuân Giang cho biết: Không ít nhà đầu tư đang bắn tin, muốn hợp tác với FaceDance, nhưng nhóm đang cân nhắc. Bởi lẽ, điều cần hơn vào lúc này không phải là vốn, mà là kinh nghiệm phát triển thị trường...


Thái Thư
LĐĐN - 23/10/2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét