Trong tuần qua, có 2 sự kiện đáng chú ý về việc lừa đảo qua mạng bị xử
lý: Thanh tra Bộ Thông tin & Truyền thông xử phạt vi phạm hành chính đối
với 2 công ty cung cấp dịch vụ tra cứu điểm thi và Tòa án Nhân dân TP Hà Nội xét
xử vụ án “ông chú Viettel” lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng.
Xử phạt 2 công ty
cung cấp dịch vụ tra cứu điểm thi trái phép
Như LĐĐN đã đưa tin, trước và ngay sau khi bộ GD&ĐT công
bố kết quả điểm thi THPT, lợi dụng sự nôn nóng biết kết quả thi của thí sinh và
phụ huynh, nhiều trang web mở ra quảng cáo dịch vụ tra cứu điểm thi THPT 2015
qua các đầu số tin nhắn. Các dịch vụ này thu từ 10.000 đến 15.000 đồng cho mỗi
tin nhắn “giữ chỗ” sẽ thông báo điểm thi ngay khi có kết quả. Người sử dụng
mong tin nên chấp nhận trả tiền trước mà
không có gì bảo đảm rằng sẽ có thông tin đúng và kịp thời.
Nhắn tin báo điểm thi
của Cty GoldSoft. Ảnh: Cổng thông tin Bộ TT&TT
Theo cổng thông tin của bộ TT&TT, ngày 30/7/2015, Thanh
tra Bộ đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH
dịch vụ và giải pháp Phần mềm vàng và Công ty Cổ phần iNet. Mỗi công ty bị phạt
70 triệu đồng, trong đó 50 triệu đồng vì quảng cáo sai sự thật (không có chức
năng thông báo điểm thi mà quảng cáo là có), và 20 triệu đồng vì thu cước dịch
vụ mà họ không được phép làm (đối với tin nhắn báo điểm thi họ không được cung
cấp dịch vụ)
Quyết định số 81/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với
Công ty TNHH dịch vụ và giải pháp Phần mềm vàng (Công ty Goldsoft) và Quyết
định số 83/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính Công ty Cổ phần iNet.
Quyết định trên cũng buộc Công ty Cổ phần iNET phải hoàn trả
số lợi bất hợp pháp có được đối với hành vi thu cước của 4.062 tin nhắn không
được cung cấp dịch vụ cho người dùng đã nhắn tin đến đầu số 8785. Công ty TNHH
dịch vụ và giải pháp Phần mềm vàng phải hoàn trả số lợi bất hợp pháp có được
đối với hành vi thu cước của 2.247 tin nhắn không được cung cấp dịch vụ cho
người dùng đã nhắn tin đến đầu số 8702.
Việc xử phạt này của Bộ TT&TT rất nhanh chóng, kịp thời
giúp thí sinh và phụ huynh hài lòng, yên tâm và là lời cảnh báo cho các công ty
trục lợi bằng hành vi không được phép.
Xét xử vụ án “Ông chú
Viettel”
Trong năm 2014, rộ lên những vụ lừa đảo được dân mạng gọi là
vụ “ông chú Viettel”. Theo đó, nhiều người nhận được thông tin trên trang
Facebook của mình có nội dung đại để như sau: “Nhân dịp… nhân viên công ty của Viettel sẽ được nhận một mã số bí mật,
khi nạp tiền vào tài khoản thông qua mã số bí mật ấy sẽ được khuyến mại x10 giá
trị thẻ nạp được. Tin này chỉ trong nội bộ Viettel mới biết. Nhà mình có ông
chú làm ở viettel và đã hướng dẫn mình vừa nạp 1 cái thẻ 100k thử trước thấy
được mình mua thêm cái thẻ nạp tiếp, tài khoản của mình hiện tại là 2 triệu
rồi”
Để nhận khuyến mại, người dùng được hướng dẫn cú pháp nạp
thẻ, trong đó dãy số bí mật để xác thực là nhân viên của Viettel như “quảng
cáo” chính là số điện thoại của kẻ xấu. Khi người dùng thao tác theo cú pháp kẻ
xấu cung cấp, số tiền người dùng nạp được chuyển thẳng đến số điện thoại nói
trên.
Cuối năm 2014, Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao
(PC50) đã bắt giữ các đối tượng có hành vi chiếm đoạt tài sản qua thủ đoạn nêu
trên.
Ngày 29-7-2015, 2 bị cáo được đưa ra xét xử tại Toàn án Nhân
dân TP Hà Nội là Phạm Quang Hiếu (16 tuổi, quê Hải Phòng) và Ngô Xuân Long (15
tuổi, quê Hải Phòng). Kết thúc phiên tòa xét xử hai "cháu của ông chú
Viettel", Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Phạm Quang Hiếu 2
năm tù, bị cáo Ngô Xuân Long 1 năm tù về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn
thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Tổng số tiền cả hai chiếm đoạt là hơn 230 triệu đồng. Gia
đình các bị cáo trình bày đã tự nguyện nộp tiền khắc phục hậu quả cho con. Tòa
nhận định hai bị cáo phạm tội trong độ tuổi vị thành niên, lại ăn năn hối cải
nên quyết định áp dụng hình phạt như trên.
Hà An
LĐĐN - 03/08/2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét