Thứ Hai, 19 tháng 10, 2015

Giải quyết tranh chấp tên miền

Ngày 15/10/2015,  Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội thảo quốc tế về giải quyết khiếu nại, tranh chấp tên miền và sở hữu trí tuệ tại Hà Nội. Hội thảo này có sự tham dự của lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ TT&TT; Bộ Khoa học và Công nghệ; các Sở, Ban ngành liên quan,  và một số hiệp hội ở Việt Nam và khu vực Châu Á – Thái Bình Dương

Ông Phạm Hồng Hải - Thứ trưởng Bộ TT&TT phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: TT Internet Việt Nam


Những tình huống tranh chấp tên miền

Trước khi nói đến nội dung hội thảo, ta hãy xem qua một số tình huống tranh chấp tên miền để hiểu vì sao vấn đế này phải được đưa ra một hội thảo quốc tế.

Tình huống 1:

Giả sử có một đơn vị mang tên Trấn Biên, Vườn hoa Trấn Biên chẳng hạn. Đơn vị này đăng ký tên miền theo tên mình, là tranbien.vn. Việc đăng ký này hoàn toàn hợp lệ và hợp pháp nên được Trung tâm Internet Việt Nam chấp nhận. Sau đó một đơn vị khác mang tên Trấn Biên, trường Trấn Biên chẳng hạn, muốn đăng ký tên miền tranbien.vn cho trường mình và cho rằng đơn vị mình lớn hơn Vườn hoa Trấn Biên nên có quyền sở hữu tên miền ấy, họ khiếu nại và cho rằng Vườn hoa Trấn Biên đã xâm phạm tên miền. Vậy ai có quyền sở hữu? Sự việc sẽ phức tạp hơn nữa nếu đơn vị Văn miếu Trấn Biên vào cuộc và cho rằng mình mới là chủ sở hữu xứng đáng nhất của tên miền tranbien.vn?

Theo nguyên tắc của Trung tâm Internet Việt Nam và của chung thế giới thì ai đăng ký tên miền trước sẽ làm chủ sở hữu. Như vậy trong trường hợp này Vườn hoa Trấn Biên là chủ. Thế nhưng liệu rằng không cho Văn miếu Trấn Biên hoặc trường Trấn Biên sở hữu tên này thì có hợp lý không?

Tình huống 2:

Một công ty A đăng ký tên miền là kinhdo.vn chẳng hạn, mặc dù tên của họ không phải là Kinh Đô. Một công ty khác tên là Kinh Đô, đã có đăng ký thương hiệu và khá nổi tiếng nhưng lại chưa đăng ký tên miền. Công ty Kinh Đô khiếu nại, cho rằng mình bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Công ty A phản bác lại, cho rằng khi mình đăng ký tên miền thì thương hiệu Kinh Đô chưa nổi tiếng, họ không hề biết, và không hề có ý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Việc đăng ký là hợp lệ và đã được Trung tâm Internet Việt Nam công nhận. Vậy ai đúng?

Lúng túng trong giải quyết tranh chấp tên miền

Việc tên miền trùng hoặc giống với tên thương hiệu, nhãn hiệu hàng hoá, tên tác giả, tác phẩm là vấn đề thường gặp khi giải quyết các vụ việc tranh chấp tên miền. Theo thông lệ chung quốc tế coi tên miền Internet và Sở hữu trí tuệ là hai lĩnh vực độc lập. Thế nhưng hiện nay trong các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam đang tồn tại song song hai cách hiểu khác nhau, thuộc về lĩnh vực quản lý của hai Bộ (Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ).

Tại hội thảo, ông Trần Trọng Tân, giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam cho biết: ”Cùng một vấn đề (tên miền trùng hoặc giống với tên thương hiệu, nhãn hiệu hàng hoá, chỉ dẫn địa lý, bản quyền) đang tồn tại song song hai cách hiểu khác nhau. Việc giải quyết vấn đề xung đột giữa tên miền mã quốc gia và sở hữu trí tuệ không phải là vấn đề của riêng quốc gia nào mà cần tuân thủ nguyên tắc và thông lệ quốc tế; xử lý đúng, hợp tình, hợp lý sẽ tạo động lực cho sự phát triển của tên miền, của Internet quốc gia đồng thời đảm bảo sự hài hòa trong thực thi pháp luật và các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trên thực tế. Hiện tại, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng phối hợp xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn trình tự thủ tục thay đổi, thu hồi tên miền vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ để giải quyết hài hoà vấn đề giữa quyền và lợi ích của các bên khi xung đột xảy ra (Nghị định số 99/2013/NĐ-CP). Với các vi phạm về nội dung thông tin đăng tải trong quá trình sử dụng tên miền thì trong thời gian tới Bộ TT&TT và Bộ KHCN sẽ phối hợp xử lý nghiêm".

Ông Tân cho rằng, trước khi xây dựng Thông tư thì các bên cần thống nhất một số quan điểm chung, đó là việc đăng ký tên miền mà chưa đưa vào sử dụng (có thể để chuyển nhượng) là nhu cầu thực tế và chính đáng, đã được Thủ tướng cho phép tại Quyết định số 38/2014/QĐ-TTg

Những đóng góp trong hội thảo

Tại Hội thảo các đại biểu đã được nghe phổ biến thông tin và chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tranh chấp liên quan đến tên miền “.vn” và sở hữu trí tuệ. Đặc biệt Hội thảo có sự tham gia và trình bày tham luận của các chuyên gia pháp lý nổi tiếng, có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp về tên miền và sở hữu trí tuệ như ông David H.Bernstein – Luật sư, Chuyên gia cao cấp của Hiệp hội Nhãn hiệu Quốc tế (INTA) - Thành viên Hội đồng của Trung tâm Trọng tài WIPO và nguyên là Đồng Chủ tịch của Tiểu ban Luật Internet – Bộ phận giải quyết tranh chấp của American Bar Association (ABA); ông Jia Rong Low - Trưởng bộ phận chiến lược và sáng kiến - Văn phòng ICANN khu vực Châu Á – Thái Bình Dương; ông Derek Pullen – Luật sư, Giám đốc kinh doanh của Dispute Resolution Services Ltd (đơn vị duy nhất được Ủy ban Viễn thông New Zealand và Hiệp hội các doanh nghiệp New Zealand chỉ định và hỗ trợ thực hiện việc giải quyết tranh chấp giữa các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ tại New Zealand) kiêm Giám đốc bộ phận giải quyết tranh chấp dịch vụ về viễn thông và Internet (Telecom Dispute Resolution) tại New Zealand - thành viên của Viện Đào tạo Trọng tài và Hòa giải viên New Zealand, … và một số chuyên gia có kinh nghiệm tại Việt Nam về quản lý cũng như tư vấn pháp luật về công nghệ thông tin và sở hữu trí tuệ.

Giải quyết tranh chấp tên miền .vn bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế

Phát biểu tại hội thảo, thứ trưởng Bộ TT&TT nêu định hướng: Bộ TT&TT sẽ đẩy mạnh việc xây dựng các chính sách, quy định về Internet, đặc biệt là về giải quyết khiếu nại, tranh chấp tên miền .vn, bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế, thực tiễn phát triển của Việt Nam và tăng cường tính minh bạch.

Thái Thư

(Theo TT Internet Việt Nam)
LĐĐN - 19/10/2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét