Thứ Hai, 11 tháng 4, 2016

Tháng hưởng ứng ngày Sở hữu Trí tuệ Thế giới

Ngày 26 tháng Tư hàng năm được chọn là Ngày Sở hữu Trí tuệ Thế giới. Nhân dịp này Bộ Khoa học & Công nghệ quyết định chọn tháng Tư năm nay là “Tháng hưởng ứng ngày Sở hữu Trí tuệ Thế giới vì mục tiêu hội nhập”. Lễ công bố chương trình đã được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp cùng Liên minh Phần mềm BSA tổ chức ngày 31-3-2016.

Công bố “Tháng hưởng ứng ngày Sở hữu Trí tuệ Thế giới vì mục tiêu hội nhập”

“Tháng hưởng ứng ngày Sở hữu Trí tuệ Thế giới vì mục tiêu hội nhập” diễn ra từ ngày 31-3 đến 30-4-2016, tập trung vào việc phổ biến, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ (SHTT). Sau tháng này, công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về SHTT sẽ tiếp tục được triển khai và đẩy mạnh.

Tại lễ công bố chương trình, thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh phát biểu: SHTT đóng vai trò là một động lực đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia và dần trở thành mối quan tâm chung của toàn thế giới. Thế kỷ XXI được nhìn nhận là giai đoạn bùng nổ của sáng tạo trí tuệ, là thời đại định hình, hoàn thiện của nền kinh tế tri thức, trong đó có SHTT giữ vai trò vô cùng quan trọng. Tại Việt Nam, Ngày sở hữu trí tuệ thế giới (26/4) hàng năm là dịp để các cơ quan nhà nước trong lĩnh vực SHTT tăng cường vai trò quản lý, thúc đẩy mối quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, công chúng và các phương tiện tiện truyền thông về vai trò, ý nghĩa của SHTT trong phát triển kinh tế và đời sống xã hội.

Banner cổ động chương trình, đếm lùi cho đến ngày 26-4


Tình hình vi phạm quyền SHTT thời gian qua

Quyền SHTT bao gồm nhiều lĩnh vực: quyền sở hữu và sử dụng thương hiệu; quyền tác giả đối với sản phẩm văn học, âm nhạc; bản quyền phần mềm; v.v…

Theo ông Trần Minh Dũng, Chánh Thanh tra Bộ KH&CN, thống kê chưa đầy đủ của Ban thường trực Chương trình hành động 168 giai đoạn 2 (2012-2015) cho hay, các lực lượng thực thi quyền SHTT trong phạm vi toàn quốc đã xử lý 26.004 vụ việc với tổng số tiền phạt trên 68 tỷ đồng. Các vụ việc này bao gồm: Tịch thu, buộc tiêu hủy, loại bỏ yếu tố vi phạm đối với khoảng 70 tấn thực phẩm chức năng các loại. Cùng gần 27.000 sản phẩm thuốc tân dược, gần 81.000 tấn phân bón và hàng triệu sản phẩm túi xách, giầy dép, quần áo thời trang, rượu, bia, nước giải khát, đĩa CD/DVD…

Riêng trong lĩnh vực thực thi bảo hộ bản quyền phần mềm máy tính, báo cáo của Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) cho thấy, năm 2015, Thanh tra Bộ này đã thanh tra, kiểm tra đột xuất 89 doanh nghiệp về việc chấp hành các quy định pháp luật về quyền tác giả đối với phần mềm máy tính tại các địa phương trên cả nước. Đoàn thanh tra đã kiểm tra 3.942 máy tính và số tiền xử phạt vi phạm hành chính lên tới 2,52 tỷ đồng (năm 2014 số tiền xử phạt vi phạm hành chính là hơn 1,57 tỷ đồng). Trong quý I/2016, đơn vị này đã phối hợp với Cục cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao C50 (Bộ Công an) kiểm tra hơn 20 công ty tại Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM có dấu hiệu vi phạm SHTT về chương trình phần mềm máy tính. Hiện đang tiến hành xử lý theo những qui định của pháp luật.

Tôn trọng quyền SHTT để hội nhập

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh đã phát biểu tại buổi lễ:

“Nhận thức được tầm quan trọng của SHTT đối với sự phát triển kinh tế, xã hội trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực xây dựng, hoàn thiện hệ thống về SHTT để đáp ứng các chuẩn mực quốc tế, đặc biệt là yêu cầu của Hiệp định TRIPs.

Để phù hợp với cam kết trong TPP, Việt Nam phải rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật về SHTT, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến sáng chế, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh, quyền tác giả và các vấn đề về thực thi quyền SHTT. Theo đó, tiếp tục xử lý các hành vi xâm phạm quyền bằng biện pháp hành chính, tăng cường thực thi quyền bằng biện pháp dân sự, hình sự, bảo vệ quyền SHTT trong môi trường số.

Với yêu cầu đó, Việt Nam cùng toàn bộ hệ thống đăng ký bảo hộ và thực thi quyền SHTT đang hoàn thiện và nâng cao hơn nữa tính hiệu quả của hoạt động bảo hộ và thực thi quyền SHTT tại Việt Nam”

Thứ trường Trần Việt Thanh tại buổi lễ

Nhấn mạnh đến vấn đề bản quyền phần mềm, ông Roland Chan, Giám đốc cao cấp phụ trách Chương trình Tuân thủ, khu vực Châu Á Thái Bình Dương của BSA (Liên minh Phần mềm) nói:

“BSA đã khởi xướng nhiều chương trình tuyên truyền để hỗ trợ các công ty giải quyết vấn đề về phần mềm có giấy phép và quản lý phần mềm hiệu quả doanh nghiệp. Với sự hỗ trợ to lớn của Chính phủ Việt Nam những chương trình này đã đem lại hiệu quả tốt cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, chúng ta có thể nhìn nhận, tội phạm an ninh mạng đang diễn ra rất phức tạp và ngày càng gia tăng mạnh mẽ. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách cho các tổ chức, các doanh nghiệp phải thận trọng để bảo vệ mình từ các mối đe dọa ngày càng tăng của các phần mềm độc hại và trộm cắp dữ liệu thông qua việc áp dụng chương trình quản lý phần mềm hiệu quả hơn.

Việc thiết lập hệ thống quản lý tài sản phần mềm hiệu quả, sử dụng phần mềm bản quyền là điều cần thiết cho tương lai của doanh nghiệp và cho Việt Nam trong bối cảnh ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới”

Trong mấy năm qua, hầu như đợt thanh tra nào của Bộ VHTT&DL cũng có doanh nghiệp đóng tại Đồng Nai vi phạm bản quyền phần mềm, trong đó nổi cộm nhất là vụ công ty Gold Long John năm 2014 với số tiền phạt lên đến 1 tỷ đồng. Các vụ việc thanh tra vừa qua chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp nước ngoài, tuy nhiên hiện nay trong quá trình hội nhập, để phù hợp với các cam kết trong TPP các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phải quan tâm đến quyền SHTT đối với phần mềm, đặc biệt là trong  “Tháng hưởng ứng ngày Sở hữu Trí tuệ Thế giới vì mục tiêu hội nhập” này.


Thái Thư
LĐĐN - 11/04/2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét