Thứ Ba, 15 tháng 11, 2016

Bầu cử tổng thống Mỹ và Facebook

Facebook là mạng xã hội lớn nhất thế giới với gần 1,8 tỷ người dùng, trên đó họ thể hiện tất cả sinh hoạt, suy nghĩ, quan điểm… của mình. Do đó, người ta tin rằng bằng việc theo dõi thông tin trên Facebook có thể nắm được xu hướng chung của mọi người. Theo đó, thì bà Hillary Clinton sẽ đắc cử tổng thống Mỹ. Tuy nhiên…

Facebook cho thấy rằng bà Hillary Clinton sẽ chiến thắng


Facebook thể hiện ý kiến dư luận và định hướng dư luận

Có 2 điều làm người ta tin rằng bằng việc theo dõi thông tin trên Facebook có thể nắm được xu hướng chung của mọi người.

Thứ nhất, với đại đa số mọi người trên thế giới đều dùng Facebook và đưa lên đó những suy nghĩ của mình thì đây chính là nơi ta nhìn vào để hình dung ra mọi người đang nghĩ về điều gì nhiều nhất.

Thứ hai, hiểu được ảnh hưởng to lớn của Facebook nên những nhà truyền thông tận dụng công cụ này để định hướng dư luận theo ý mình.

Trong thời gian qua, đa số những nội dung đưa lên Facebook (dòng trạng thái, nhận xét, số lượt Thích, số lượt chia sẻ) đều cho thấy ứng cử viên Hillary Clinton được sự hâm mộ, ủng hộ của cộng đồng. Chính vì vậy, người ta tin chắc rằng bà Clinton sẽ đắc cử tổng thống Mỹ.

Facebook thể hiện chính xác ý kiến dư luận?

Thoạt nhìn, Facebook có vẻ như là một nền tảng khách quan, trung lập, nơi đó mọi người có thể chia sẻ bất cứ thứ gì mình muốn. Nếu có ngăn cấm chăng thì chỉ là những nội dung như khiêu dâm, bạo lực... Nhưng cần lưu ý rằng cái mà chúng ta thấy trên Facebook chỉ là những gì bị giới hạn trong khuôn khổ của mạng xã hội này. Có những người không dùng Facebook, có những người dùng nhưng không nêu lên quan điểm của mình trên Facbook, và có cả những người cố tình đưa lên Facebook những điều không đúng với suy nghĩ thật của mình.

Bên cạnh đó, hiện nay có không ít những thông tin bịa đặt được đưa lên Facebook (ở Việt Nam cũng có rất nhiều), hoặc để đạt độ tin cậy cao hơn, họ dẫn lại đường link từ những website khác mà các website này cũng là giả mạo và bịa đặt luôn.  Mặc dù Facebook nói rằng nó có nhhững thuật toán để kiểm tra độ chính xác của thông tin, nhưng thật ra chúng không phát huy tác dụng bao nhiêu, và những thông tin méo mó này cứ tha hồ phát tán.

Một điều đáng quan tâm là dù sao Facebook cũng là một đơn vị kinh doanh, vì vậy mục tiêu lớn nhất của họ là lợi nhuận. Số người sử dụng càng cao và thời gian lưu lại trên Facebook càng lâu thì cơ hội họ click vào các quảng cáo trên Facebook càng lớn, doanh thu của Facebook càng nhiều. Hiện Facebook có 1,79 tỷ người dùng hàng tháng tính đến tháng 9-2016. Trong quý vừa rồi, công ty này thu về thêm 7 tỷ USD doanh thu, 2,379 tỷ USD lợi nhuận, tăng 16% so với 2,05 tỷ USD của quý trước và tăng 160% so với cùng kỳ năm ngoái. Chính vì vậy, âm thầm không nói ra nhưng Facebook tìm mọi cách để người dùng dừng trên trang của mình lâu hơn. Những chuyên gia xuất sắc về tâm lý và công nghệ của Facebook nhận định rằng một cách để tăng lượng tương tác là làm cho người dùng cảm thấy vui vẻ, có cảm giác tích cực khi họ vào trang. Facebook đã tìm cách điều khiển cảm xúc của người dùng, và thực sự họ đã làm được điều đó! Bằng chứng là năm 2014, Facebook đã phải xin lỗi vì một dự án nghiên cứu trong đó họ đã thao túng các bài đăng trên 689.000 trang chủ của người dùng để họ cảm thấy tích cực hơn hoặc tiêu cực hơn.
Facebook có thể sử dụng  dữ liệu mà nó có được để tìm ra cách đem lại cảm xúc vui vẻ cho chúng ta khi ở trên trang và từ đó giữ chúng ta ở lại lâu hơn. Nói cách khác, Facebook cho chúng ta những gì ta muốn nghe và hạn chế sự tiếp xúc của ta với những quan điểm trái chiều. Và như vậy thông tin mà ta tiếp nhận từ những gì đọc được trên Facebook đâu phải là khách quan?

Facebook có thể định hướng dư luận?

Một trong những nhiệm vụ chính của truyền thông là định hướng dư luận. Facebook là công cụ truyền thông cực mạnh, do đó chắc chắn là nó có tác động định hướng này. Tuy nhiên, nghiên cứu thống kê của hãng Pew cho ta một số dữ liệu đáng suy ngẫm.

Theo nghiên cứu của Pew, chỉ 20% số người sử dụng Facebook tại Mỹ thay đổi quan điểm của mình về các vấn đề xã hội hoặc chính trị do những gì họ nhìn thấy trên mạng xã hội. Chỉ 17% cho rằng họ quan điểm về một ứng cử viên chính trị vì những gì đã thấy trên mạng xã hội.

Kiểm tra chi tiết hơn, Pew thấy rằng đối với những suy nghĩ tiêu cực thì mạng xã hội có tác dụng đẩy mọi người đi theo một hướng tiêu cực hơn. Cụ thể là sau khi bị ảnh hưởng bởi mạng xã hội, những người nghĩ tiêu cực về Clinton sẽ nghĩ về bà này tiêu cực hơn gấp 3 lần, còn con số đối với ông Trump là 5 lần.

82% người Mỹ nói rằng mạng xã hội không bao giờ làm thay đổi quan điểm của họ về một ứng cử viên và 79% thì cho rằng họ không bao giờ thay đổi quan điểm về một vấn đề chính trị hay xã hội bởi mạng xã hội. Vì vậy, về phương diện thuyết phục mọi người, Facebook có vẻ không thành công.

Trên đây là những phân tích để giải thích vì sao nếu căn cứ theo Facebook thì có vẻ như bà Hillary Clinton sẽ đắc cử tổng thống Mỹ nhưng kết quả thực tế thì ngược lại. Có điều, trong sự kiện này đâu chỉ Facebook sai mà hầu như toàn bộ truyền thông Mỹ đều sai kia mà! Dù sao đi nữa, ở một chừng mực nhất định thì Facebook cũng là một công cụ hiệu quả để tìm hiểu, đánh giá những nhận định chung của dư luận.


Phạm Hoài Nhân
LĐĐN - 14/11/2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét