Thứ Hai, 19 tháng 12, 2016

Phát triển dịch vụ du lịch qua công cụ online

Trong một hội thảo tổ chức gần đây, Google Việt Nam đã công bố một số số liệu ấn tượng cho thấy rằng tiếp thị online (digital marketing) đóng vai trò hết sức quan trọng cho việc phát triển doanh nghiệp du lịch.

Những con số ấn tượng của Google

Tổng cục Du lịch Việt Nam ước tính là sẽ có khoảng 10 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2016. Trong đó, online là kênh thông tin chú yếu trong việc lên kế hoạch chuyến đi của khách. Bên cạnh đó, lượng khách du lịch nội địa là con số lớn hơn rất nhiều và thông tin online vẫn là kênh thông tin chính.

Các số liệu thống kê của Google cho thấy, mỗi chuyến du lịch đều được nghiên cứu kỹ qua mạng Internet để tìm hiểu thông tin trước khi ra quyết định, và tiếp tục sau đó lại là tìm hiểu thông tin để lên kế hoạch cho tour du lịch đã chọn.


Số liệu thống kê trung bình cho thấy mỗi khách hàng sẽ:

-          Mất 24 ngày nghiên cứu thông tin chuyến đi
-          Duyệt qua 21,6 website du lịch
-          Dành 1 giờ 43 phút tổng thời gian nghiên cứu trước khi ra quyết định đặt tour.

Công cụ tìm kiếm Google Search và kênh video YouTube là 2 công cụ hàng đầu để tìm nguồn cảm hứng và đưa ra quyết định cho các chuyến đi.

YouTube là một phương tiện quảng bá du lịch tạo nhiều xúc cảm

Google thống kê trong vòng 12 tháng qua Việt Nam có đến 975 triệu lượt tìm kiếm online về du lịch. Bên cạnh đó, khách hàng không chỉ tìm kiếm thông tin mà còn xem video (27%); so sánh đánh giá các tour, gói dịch vụ (68%) và xem các đánh giá của các khách hàng khác (44%).

Bà Đặng Hương Trà, đại diện Google Việt Nam, cho biết các video tạo cảm giác lôi cuốn giúp khách hàng cảm thấy sống trong không gian du lịch, từ đó khơi dậy sự tò mò và tìm kiếm thông tin về điểm đến trên Google Search hay các trang đánh giá về du lịch và đưa ra các quyết định mua tour.

Về thiết bị sử dụng, ngoài máy tính là thiết bị để truy cập mạng khi ở văn phòng hoặc ở nhà thì smartphone là thiết bị được khách du lịch mang theo bên mình trong suốt chuyến đi. Do đó việc sử dụng smartphone phục vụ chuyến đi là điều tất yếu. Theo thống kê, 48% khách hàng dùng smartphone để tìm kiếm và xử lý thông tin chuyến đi như đặt tour, đặt phòng. Các dịch vụ khác thực hiện qua smartphone chiếm 15% - 25%.

Với sự lên ngôi của smartphone như thế, các chuyên gia khuyên đơn vị du lịch nên thực hiện marketing trên smartphone và tận dụng các giải pháp quảng cáo – tiếp thị mà Google cung cấp. Các giải pháp đó bao gồm Click to Call (khi người xem click vào thì sẽ thực hiện cuộc gọi đến đơn vị quảng cáo), Click to Map (khi người xem click vào thì sẽ nhảy đến Google Map thể hiện địa chỉ của đơn vị quảng cáo), Click to SMS (khi người xem click vào thì sẽ thực hiện cuộc nhắn tin đến đơn vị quảng cáo).

Không chỉ Google và YouTube

Không chỉ thông qua tìm kiếm Google  hay xem video clip trên YouTube, hiện nay có rất nhiều ứng dụng trên smartphone và website trên máy tính cho phép người dùng đặt trực tiếp các dịch vụ du lịch. Bốn yếu tố cơ bản của chuyến du lịch là: vận chuyển, ẩm thực, trú ngụ và thưởng ngoạn. Hiện giờ, cả 4 yếu tố này đều được công nghệ thông tin hỗ trợ rất tốt, giúp người du lịch có một chuyến đi hoàn hảo.

Với việc vận chuyển, mọi người đã quá quen thuộc với việc đặt vé máy bay, tàu hỏa qua mạng. Gần đây có dịch vụ mua vé máy bay giá rẻ, ngoài việc đăng ký trực tiếp với hãng máy bay còn có những ứng dụng cho phép người dùng chọn lựa hãng máy bay, lịch bay sao cho thuận tiện và giá rẻ nhất, như ứng dụng www.atadi.vn. Nếu đi bằng xe khách, có trang web www.vexere.com. Đây là một tập hợp thông tin khá đầy đủ của hơn 1.000 hãng xe trên khắp cả nước, cho mọi tuyến đường. Bạn vào website này, xác định nơi đi, nơi đến, ngày đi là cơ sở dữ liệu của trang web sẽ hiện ra tất cả các tuyến xe có liên quan để bạn tham khảo về giá vé, giờ giấc, và cả nhận xét của hành khách đã từng đi xe nữa.

Về nơi ở, hiện giờ có rất nhiều trang web cho phép bạn đặt phòng khách sạn qua mạng. Nổi bật có các trang www.ivivu.comwww.chudu24.com , www.agoda.com – trong đó agoda.com là một trang quốc tế phù hợp hơn cho khách đi ra nước ngoài và đăng ký khách sạn ở nước ngoài, còn ivivu.com và chudu24.com có thông tin của rất nhiều khách sạn tại Việt Nam ở mọi miền đất nước. Vào các trang web này, bạn xác định địa điểm mình sắp đến, những khách sạn ở địa phương ấy sẽ hiện lên để bạn chọn lựa. Bạn có thể chọn lựa theo giá tiền (thấp đến cao hay cao đến thấp), hoặc lọc theo một số điều kiện nào đó mà bạn muốn (thí dụ: có wifi free không, có nhìn ra biển không, có buffet sáng không…). Mỗi chọn lựa như thế đều được thể hiện rõ tiện nghi phòng khách sạn, giá cả. Bạn cũng có thể xem đánh giá của những người đã ở đó để có thêm nhận định về khách sạn.

Ivivu.com là một trong những trang web hàng đầu về đặt khách sạn tại Việt Nam

Việc ăn uống cũng thuận lợi hơn nhiều nhờ những website về ẩm thực. Hai trang web về ẩm thực khá quen thuộc là www.foody.vnwww.diadiemanuong.com. Foody được tổ chức như một mạng xã hội, mỗi thành viên có thể đóng góp nhận xét của mình về từng quán ăn mà mình đã thưởng thức. Bạn có thể tìm kiếm món ăn theo loại thức ăn, loại hình quán ăn hay theo địa điểm. Mỗi quán ăn như vậy đều được thực khách chấm điểm theo nhiều tiêu chí, như giá cả, chất lượng món ăn, không gian, phục vụ…  giúp người xem có thêm ý niệm về quán.

Còn yếu tố thưởng ngoạn phong cảnh thì có rất nhiều trang web về du lịch hoặc chuyên trang du lịch của một số báo điện tử giới thiệu với bạn những điểm đến hấp dẫn để tham khảo khi du lịch, mà bạn dễ dàng tìm thấy bằng cách nhờ Google tìm kiếm hay YouTube.

Tóm lại, người đi du lịch hiện nay có rất nhiều công cụ online để phục vụ nhu cầu thông tin cho chuyến đi du lịch. Đơn vị kinh doanh du lịch cần khai thác hết các công cụ này để phát triển doanh nghiệp của mình.


Phạm Hoài Nhân
LĐĐN - 19/12/2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét