Học trực tuyến – hay thường gọi là học online – đã được thực hiện từ
hàng chục năm nay trên thế giới và cả ở Việt Nam. Tuy nhiên, vài ba năm nay mới
thực sự phát triển mạnh tại Việt Nam. Đó là nhờ sự phát triển của công nghệ và
sự phổ cập Internet khiến nhiều người – nhất là những người lớn tuổi – tiếp cận
công nghệ này dễ dàng hơn.
Học trực tuyến như
thế nào?
Một trang web giới
thiệu các khóa học trực tuyến
Tùy theo đơn vị tổ chức, loại hình và nội dung đào tạo mà
hình thức học trực tuyến có thể khác nhau đôi chút. Tuy nhiên, về cơ bản có thể
hình dung cách học trực tuyến như thế này:
Người học chọn khóa học theo nhu cầu của mình. Đăng ký và
đóng tiền học phí qua mạng. Đơn vị đào tạo tạo tài khoản cho người học rồi gửi
đường link và password. Thường thì đường link này dẫn đến một bài giảng dạng
video clip (giống như đang dự lớp và nghe giảng bài). Học viên có thể tương tác
với giáo viên hoặc ban tổ chức khóa học thông qua một tài khoản nào đó, thường
là tài khoản Facebook.
Về nội dung, đa phần các khóa học là các chuyên đề ngắn hạn.
Ví dụ Unica có các khóa học như: Thiết kế logo - Xây dựng thương hiệu ấn tượng,
Facebook Marketing từ A – Z, Yoga giảm eo giữ dáng…
Ứng dụng BigSchool là trường học trực tuyến cho học sinh từ
lớp 1 đến lớp 12, tương tự như học sinh đi học thêm ở ngoài đời thực. Học sinh
có thể chọn lớp học, môn học, thầy học qua mạng, làm bài kiểm tra qua mạng – và
quan trọng là học tại nhà, phụ huynh khỏi phải tốn công đưa rước.
Bậc đại học cũng có đào tạo trực tuyến. Ví dụ Viện Đại học
Mở Hà Nội. Viện này bắt đầu nghiên cứu về đào tạo trực tuyến từ năm 2005, chính
thức triển khai tuyển sinh những lớp đầu tiên đào tạo theo phương thức này năm
2008. Đến năm 2013, Viện Đại học Mở Hà Nội đã xây dựng được hệ thống công nghệ
đào tạo trực tuyến, trở thành trường đại học đầu tiên tại Việt Nam cung cấp
phương thức e-learning (học qua mạng) toàn phần cho đào tạo đại học.
Học trực tuyến có lợi
cho người học như thế nào?
Thuận lợi rõ nhất là người học có thể ngồi học trên máy tính
(thậm chí là trên điện thoại) bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào mà không cần đến
lớp. Điều này càng đặc biệt có ý nghĩa nếu giáo viên ở quá xa người học. Ví dụ
như học viên ở Cà Mau mà giáo viên ở tận Hà Nội. Việc học theo cách truyền
thống sẽ là bất khả thi, nếu không chịu tốn kém rất nhiều thời gian và chi phí.
Thuận lợi kế tiếp là người học chủ động về thời gian. Vì
không phải đến lớp theo đúng thời khóa biểu quy định, nên người học hoàn toàn
có thể chọn cho mình giờ học thuận tiện nhất. Điều này thật sự cần thiết cho
những người học bận rộn hoặc đang còn phải làm việc cho cơ quan. Hay hơn nữa,
nếu vì bận công việc đột xuất, vì đau ốm hay thậm chí chỉ vì…lười biếng, người
học có thể tạm dừng khóa học lại một thời gian rồi sau đó lại tiếp tục mà không
hề ảnh hưởng bởi tiến độ của lớp như lớp học truyền thống. Ngoài ra, nếu chưa
hiểu chỗ nào có thể tạm dừng và tua lại video để nghe bài giảng lại.
Thuận lợi khác là dễ chọn khóa học thích hợp vào thời điểm
thích hợp. Ví dụ: có những khóa học rất kén người học và người dạy. Ở ngoài
đời, phải có đủ số lượng học viên tối thiểu thì giáo viên mới có thể mở lớp
được để đủ trang trải chi phí. Đến thời điểm mở lớp theo thông báo thì người
này người nọ vì lý do bất khả kháng không thể theo học được, vì không đủ số
lượng nên lớp học phải hoãn lại. Nếu theo học lớp học trực tuyến thì người học
hoàn toàn độc lập, không hề bị lệ thuộc vào sự tham gia của những người khác.
Một thuận lợi phải kể đến nữa là chi phí học tập. Do giảm
thiểu hẳn các chi phí như phòng ốc, công sức giáo viên nên các khóa học trực
tuyến có học phí thấp hơn rất nhiều so với lớp học thực tế. Hiện nay, nhiều cơ
quan có nhu cầu đào tạo chuyên môn cho nhân viên của mình đã bắt đầu chọn
phương án học trực tuyến, vừa giảm chi phí, vừa ít ảnh hưởng đến thời gian làm
việc của nhân viên. Hiện nay, ở Việt Nam có những khóa đào tạo trực tuyến chỉ
khoảng 20 triệu đồng/năm cho hàng ngàn nhân viên, tiết kiệm được khoản chi phí
rất lớn cho doanh nghiệp nếu so với đào tạo cho từng nhân viên thông qua các
lớp học truyền thống.
Học trực tuyến có lợi
cho người dạy như thế nào?
Khác với lớp học truyền thống bị bó gọn trong không gian và
thời gian (kèm theo đó là số lượng học viên hạn chế), giáo viên dạy trực tuyến
có thể tiếp cận số lượng học viên lớn hơn rất nhiều ở các vùng địa lý xa xôi.
Số lượng học viên có thể lên đến hàng trăm, hàng ngàn, thậm chí hàng triệu, so
với lớp học truyền thống chỉ khoảng vài chục. Thu nhập của giáo viên từ học phí
cũng tăng hơn hẳn. Điều đáng nói hơn nữa là đây là thu nhập thụ động, nghĩa là
giáo viên chỉ cần giảng bài và đưa lên mạng một lần đầu tiên, rồi sau đó không
cần đứng lớp mà vẫn thường xuyên có thu nhập. Theo ông Nguyễn Trọng Thơ (người
sáng lập Unica, một đơn vị chuyên tổ chức cho giáo viên dạy online) có những
người đóng gói khóa học về tin học văn phòng (Word, Excel…) cũng có thể thu về
hàng tỷ đồng mỗi năm.
Vì không phải đứng lớp nhiều, người giáo viên dạy trực tuyến
giảm hẳn sự tổn hại sức khỏe cùng sự tiêu tốn thời gian. Thay vào đó họ dùng
quỹ thời gian đó cho gia đình, cho các công việc yêu thích. Và hơn hết, họ dùng
chính thời gian và sức lực đó để dành cho việc cập nhật kiến thức, cải tiến
giáo trình tốt hơn nữa để phục vụ cho học viên.
Học trực tuyến vừa là
nhu cầu, vừa là xu thế của thời đại
Ngày 26-7 (tại Hà Nội) và 28-7 (tại TP. Hồ Chí Minh) Hiệp
hội Internet Việt Nam phối hợp cùng Học viện trực tuyến Unica tổ chức chương
trình đào tạo Trainer Summit với chủ đề “Tăng thu nhập với nghề đào tạo trực
tuyến”. Tại hội thảo này, cộng đồng diễn giả tại Việt Nam giao lưu, chia sẻ cơ
hội hợp tác, cùng nhau thúc đẩy thị trường dạy và học trực tuyến tại Việt Nam.
Hội thảo khẳng định rằng đào tạo trực tuyến mang đến cơ hội
tăng thu nhập cho các giảng viên, đồng thời giúp giảm chi phí và nâng cao hiệu
quả thu nhận kiến thức cho học viên.
Đóng góp cho hội thảo, ông Lê Thống Nhất - người sáng lập
BigSchool – cho hay thực tế hiện nay việc học trực tuyến của học sinh trong
nước còn rất hạn chế do phần nhiều phụ huynh vẫn có tâm lý phải có lớp thật,
thầy thật “bằng xương bằng thịt” dạy con mình, còn “thầy ảo” trên mạng chưa đủ
độ tin cậy. Ngoài ra, còn có xu hướng chỉ muốn dùng miễn phí khiến cho đào tạo
trực tuyến khó phát triển. Ông cho rằng để vượt qua thách thức đó, phải dần tạo
ra được thói quen học online và trả phí cho bài học, như vậy mới khuyến khích
được sự sáng tạo, là động lực để những người “đứng lớp” online có thể đóng góp,
phát triển hơn.
Phạm Hoài Nhân
LĐĐN - 31/07/2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét