Trong thời đại Internet, hầu như mọi hoạt động của chúng ta qua mạng
đều bị ghi nhận, từ việc vào xem một trang web đến mua hàng qua mạng hay đi
đâu, ưa thích điều gì. Những dữ liệu này được các hãng công nghệ dùng để tìm
hiểu về tâm lý, sở thích… của mỗi người nhằm phục vụ nhu cầu quảng cáo,
marketing hoặc điều tra xã hội học. Các động tác theo dõi này được hãng công
nghệ âm thầm thực hiện chứ không công bố. Thế nhưng gần đây Google đã “chơi bài
ngửa” khi giới thiệu tính năng “My Activity” (Hoạt động của tôi) cho biết những
hoạt động của bạn được “theo dõi” ra sao.
My Activity ghi nhận
hầu hết các hoạt động của người dùng trên mạng
Mọi người đều biết rằng trên mỗi trình duyệt Internet
(Chrome, Firefox, IE…) người dùng đều có thể xem lại những trang web mình đã
duyệt qua bằng các chọn mục Lịch sử trên
menu. My Activity (Hoạt động của tôi) cũng
có công dụng giống như vậy nhưng thông tin phong phú và chi tiết hơn nhiều.
Hoạt động của tôi là một địa điểm trung tâm để xem và quản
lý hoạt động như tìm kiếm bạn đã thực hiện, các trang web bạn đã truy cập và
video bạn đã xem. Trên máy tính và cả trên smartphone, bạn vào đây bằng cách
truy cập http://myactivity.google.com
Giao diện của Google
Hoạt động của tôi
Hoạt động của tôi
sẽ ghi nhận hầu hết những hoạt động của bạn có sử dụng dịch vụ Google. Mà xin
lưu ý rằng các dịch vụ Google thì nhiều vô số, nó bao gồm gần như tất cả những
thứ bạn thường dùng, như: Google Mail, Google Tìm kiếm, Google Maps, YouTube,
trình duyệt Chrome, hệ điều hành Android… Chính vì vậy nên không giống như Lịch
sử trình duyệt chỉ có thể cho xem lại các trang web đã duyệt qua, Hoạt động của tôi ghi nhận lại nhiều
hoạt động hơn hẳn. Ví dụ như lúc mấy giờ bạn nhắn tin Zalo hay gọi điện Viber
thì thì Hoạt động của tôi cũng đều
ghi lại. Tại sao lại thế khi mà Zalo hay Viber đâu phải sản phẩm của Google?
Đúng vậy, nhưng bạn dùng Zalo hay Viber trên smartphone, mà smartphone thì lại
chạy hệ điều hành Android của Google nên… Google phải biết! Các hoạt động này
sẽ được ghi lại khi bạn có đăng nhập tài khoản Google, mà điều này gần như hiển
nhiên khi bạn dùng smartphone, còn khi dùng máy tính thì cũng khá thường xuyên,
nhất là khi bạn check mail Google.
Ghi nhận hoạt động
của tôi để làm gì?
Theo giải thích của Google thì có 2 mục đích chính:
Một là phục vụ lợi ích của người dùng:
Mỗi ngày, dữ liệu giúp dịch vụ của Google hoạt động tốt hơn
cho người dùng. Ví dụ như dựa vào thói quen tìm kiếm trên Google của bạn, nó có
thể nhanh chóng đoán ra bạn muốn tìm cái gì và đưa ra kết quả phù hợp nhất; dựa
vào thói quen xem video trên YouTube của bạn, nó có thể gợi ý những video có
nội dung mà bạn muốn xem; dựa vào thói quen sử dụng Google Maps của bạn, nó sẽ
biết những địa điểm nào bạn thường quan tâm và đưa ra lộ trình đi nhanh chóng…
Hai là phục vụ lợi ích của Google
Doanh thu chủ lực của Google là thu từ quảng cáo. Quảng cáo
trên Google càng có hiệu quả nếu nó càng đưa đến đúng đối tượng. Google thu
thập dữ liệu từ người dùng để biết thị hiếu, sự quan tâm của họ và đưa đến
quảng cáo phù hợp. Ví dụ một người thường truy cập các trang web, xem các video
clip về thời trang thì sẽ thường xuyên thấy xuất hiện trên màn hình máy tính
hoặc điện thoại của mình quảng cáo các sản phẩm về quần áo, giày dép… Một người
thường chọn trên Google Maps các địa điểm ở thành phố A thì sẽ thường xuyên
thấy xuất hiện trên màn hình các quảng cáo về nhà hàng, khách sạn… ở thành phố
A.
Làm sao bảo vệ sự
riêng tư khi bị “theo dõi” chặt chẽ như vậy?
Có lẽ người dùng không khỏi cảm thấy lo âu khi “nhất cử nhất
động” của mình đều được ghi lại như vậy. Google ghi rõ: Chỉ mình bạn có thể xem
được những thông tin này thôi. Thế nhưng nếu điện thoại bị mất khi đang ở trạng
thái đăng nhập Google thì sao? Có ai đó bất chợt sử dụng máy tính của bạn khi
bạn chưa đăng xuất tài khoản Google thì sao? Hoặc có ai đó hack tài khoản của
bạn thì sao? Những điều này là bất khả kháng, muốn tránh thì bạn phải cẩn thận
thôi!
Để chủ động kiểm soát, Google cung cấp các tính năng cho
phép bạn xóa lịch sử hoạt động, hoặc tắt chức năng ghi nhận Hoạt động của tôi. Muốn xóa lịch sử
hoạt động, trên menu bên trái, bạn chọn mục Xóa hoạt động theo, rồi sau đó chọn xóa theo ngày, theo mục chọn
hay xóa hết. Chọn mục Điều khiển hoạt
động để tắt từng phần hoặc toàn bộ chức năng ghi nhận hoạt động.
Về phía Google, họ cam kết bảo mật dữ liệu của bạn bằng
khẳng định: “Bảo mật của bạn là ưu tiên cao nhất trong tất cả mọi điều chúng
tôi làm. Nếu không an toàn, dữ liệu của bạn không còn là thông tin riêng tư. Đó
chính là lý do tại sao chúng tôi đảm bảo rằng dịch vụ của Google như Tìm kiếm,
Maps và Youtube được bảo vệ bằng một trong các cơ sở hạ tầng bảo mật tân tiến
nhất thế giới”.
Ở một góc độ khác, cho dù bạn có tắt tính năng ghi nhận hoạt
động thì Google vẫn sử dụng dữ liệu thu thập được của bạn để phục vụ nhu cầu
quảng cáo (đưa mẫu quảng cáo thích hợp đến màn hình của bạn), họ chỉ khẳng định
rằng không hề cung cấp thông tin cá nhân của bạn cho nhà quảng cáo. Google nói:
“Chúng tôi cố gắng hiển thị quảng cáo hữu ích bằng cách sử dụng dữ liệu thu
thập được từ các thiết bị của bạn, bao gồm cả tìm kiếm của bạn và vị trí, các
trang web và ứng dụng bạn đã sử dụng, video và quảng cáo bạn đã xem và thông
tin cá nhân mà bạn đã cung cấp cho chúng tôi, chẳng hạn như độ tuổi, giới tính
và chủ đề quan tâm. Khi nhà quảng cáo chạy các chiến dịch quảng cáo với chúng
tôi, họ chỉ trả cho chúng tôi dựa vào cách những quảng cáo đó thực sự hoạt động
- không bao giờ dựa trên thông tin cá
nhân của bạn”.
Dù sao thì trên thế
giới ảo bạn không thể có sự riêng tư tuyệt đối
Chắc chắn là mọi chuyện bạn làm trên mạng đều được ghi nhận
lại, không bởi phần mềm này cũng bởi ứng dụng nọ. Những công ty lớn như
Facebook, Google lại càng ghi nhận được nhiều thông tin hơn, và đó chính là
“tài sản” của họ. Tính năng “Hoạt động của tôi” do Google đưa ra chỉ nhằm cho
bạn thấy rõ hơn họ có thể ghi nhận những gì, như thế nào mà thôi (một kiểu
“fair-play”) – không đưa ra tính năng này thì Google vẫn cứ ghi nhận các hoạt
động của bạn. Đã hòa vào thế giới mạng thì bạn không thể nào giữ sự riêng tư
tuyệt đối được. Điều bạn phải làm là hiểu và chấp nhận tình trạng này, để có
những sự cẩn trọng nhất định khi vào mạng Internet mà thôi!
Phạm Hoài Nhân
LĐĐN - 28/08/2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét