Thứ Ba, 19 tháng 9, 2017

Sự bùng phát của nền “kinh tế chia sẻ”

“Kinh tế chia sẻ” (sharing economy) là một khái niệm được nhắc đến rất nhiều trong thời gian gần đây và đã có nhiều ứng dụng trong thực tế. Theo ý kiến của các nhà chuyên môn, “kinh tế chia sẻ” sẽ làm thay đổi bộ mặt nền kinh tế thế giới trong thế kỷ 21. Tại Việt Nam, “kinh tế chia sẻ” cũng đang và sẽ tiếp tục đi vào đời sống mọi người. Vậy “kinh tế chia sẻ” là gì?

Kinh tế chia sẻ là gì?

Từ xưa đến giờ, khi ai đó có nhu cầu về một sản phẩm, dịch vụ nào (bên cầu) thì họ sẽ đi mua hay thuê sản phẩm, dịch vụ ấy từ một nhà cung cấp (bên cung). Sản phẩm, dịch vụ ấy có thể là tài sản hữu hình hay tài sản vô hình như kỹ năng cá nhân và thời gian rảnh rỗi. Từ đó tạo nên một nền kinh tế cung cầu, có bên bán (hoặc cho thuê) và bên mua (hoặc thuê).

Điều chưa hợp lý là tại cùng một thời điểm có những người sở hữu tài sản (hữu hình hoặc vô hình) dư thừa, chưa sử dụng đến, có những người cần những tài sản ấy nhưng không biết đến người có tài sản để mua/thuê và họ đi mua/thuê ở những đơn vị cung cấp khác. Điều này tạo nên một sự lãng phí tài nguyên của xã hội.

Trước đây, không có giải pháp hiệu quả nào để những người cần và người có tài sản dư thừa tìm đến nhau, tuy nhiên ngày nay với sự phát triển của Internet và các thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin như smartphone, điều này đã thay đổi. Người có tài sản dư thừa đã có điều kiện để chia sẻ tài sản đó cho người cần. Sơ đồ sau đây mô tả rõ hơn vấn đề:


Các ứng dụng trên smartphone, website là công cụ tạo nên sự kết nối giữa bên Cần và bên Có. Tiêu chí quyết định sự thành công của các ứng dụng này là tạo nên sự hiệu quả và tin cậy.

Hai ứng dụng dược xem là tiêu biểu và thành công nhất của kinh tế chia sẻ hiện nay là Uber và Airbnb.

Uber là ứng dụng chia sẻ phương tiện vận chuyển. Có những người sở hữu xe, không phải là đơn vị dịch vụ vận tải, họ có thời gian không sử dụng đến xe của mình và muốn tận dụng thời gian đó làm dịch vụ vận chuyển để kiếm thêm thu nhập. Uber tiếp nhận nhu cầu đó, đưa lên mạng, và những người cần di chuyển có thể tìm thấy (qua smartphone) để sử dụng dịch vụ.

Airbnb là ứng dụng chia sẻ nơi lưu trú. Có những người có nhà hoặc phòng trống trong nhà chưa sử dụng đến trong thời điểm nào đó (họ không phải chủ nhà trọ hay khách sạn) và họ muốn cho khách thuê lưu trú để tận dụng cơ ngơi của mình. Airbnb tiếp nhận nhu cầu đó, đưa lên mạng, và những người khách du lịch cần tìm nơi lưu trú có thể tìm thấy (qua smartphone) để sử dụng dịch vụ.

Uber và những ứng dụng tương tự như Grab đã có mặt tại Việt Nam, đã tạo nên sự hưởng ứng tích cực từ người cần lẫn người có phương tiện vận chuyển và đã phần nào tận dụng tốt tài nguyên của xã hội. Airbnb thì đang thăm dò để có bước chính thức vào thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó là rất nhiều ứng dụng khác dựa trên mô hình kinh tế chia sẻ đang xuất hiện trên thị trường.

Đua nhau bước vào nền kinh tế chia sẻ

Airbnb ra đời năm 2008, đến nay đã có mặt tại hơn 33.000 thành phố ở 100 quốc gia, được định giá tối thiểu khoảng 30 tỷ USD. Uber ra đời năm 2009, hiện có mặt tại hàng trăm thành phố trên khắp thế giới với mức định giá khoảng 68 tỷ USD. Ngoài Airbnb và Uber, nhiều doanh nghiệp kinh doanh dựa trên mô hình kinh tế chia sẻ khác cũng đã đạt được những thành công đáng kể. Theo nhận định của các chuyên gia, doanh thu toàn cầu của nền kinh tế chia sẻ có tiềm năng tăng nhanh từ 15 tỷ USD hiện nay lên tới khoảng 335 tỷ USD.

Ở Việt Nam, rất nhiều người tham gia và sử dụng các ứng dụng kinh tế chia sẻ như Uber, Grab. Đặc biệt đây là mảnh đất màu mỡ cho các bạn trẻ khởi nghiệp. Nhiều dự án khởi nghiệp dựa trên mô hình kinh tế chia sẻ đã được ra đời tại Việt Nam và trong số đó không ít dự án đã đạt được thành công đáng kể. Có thể kể một số dự án như: AhaMove (ứng dụng kết nối việc giao hàng bằng xe máy và chuyển đồ bằng xe tải), Jupviec (ứng dụng kết nối người giúp việc nhà và gia chủ cần người giúp việc)…

GrabBike là một ứng dụng kinh tế chia sẻ rất thông dụng tại Việt Nam

Một ứng dụng khá hấp dẫn là Dobody (đồ bỏ đi). Hãy hình dung như thế này: Bạn có một số đồ thừa, chán, muốn bỏ đi mà thậm chí… không biết bỏ đi đâu; trong khi có một số người cần đúng những thứ đó mà lại không biết tìm ở đâu hoặc phải mua với giá cao, cũng có thể chính người ấy lại có một số đồ thừa khác mà bạn cần. Vậy sao hai bên không trao đổi cho nhau? Ứng dụng Dobody được tạo nên với 4 chức năng khớp lệnh cơ bản: Bán đồ thừa, Tìm đồ thiếu, Đổi đồ giao lưu và Làm từ thiện.

Gập ghềnh đường vào nền kinh tế chia sẻ

Ở mô hình kinh tế truyền thống có một bên cung và một bên cầu, trong đó bên cung là đơn vị kinh doanh và đã được xác lập các quy chế quản lý (thuế, đăng ký kinh doanh…) từ bao lâu nay. Với mô hình kinh tế chia sẻ, bên cung (người sở hữu xe, người chủ nhà hay… người giúp việc) không hề là người có đăng ký kinh doanh, còn bên cung cấp dịch vụ kết nối (Uber, Grab, Airbnb…) lại là một bên trung gian chưa hề có được các quy định pháp lý rõ rệt để quản lý. Điều này gây ra nhiều lúng túng cho cấp quản lý, điều hành nền kinh tế. Sự lúng túng này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà cả ở cấp độ thế giới, có khi dẫn đến một phản ứng thái quá: không quản được thì… cấm!

Bên cạnh đó, việc phát triển mô hình kinh tế chia sẻ phần nào ảnh hưởng đến quyền lợi của những người trước nay tham gia mô hình kinh tế truyền thống. Ví dụ: dịch vụ Uber ảnh hưởng đến taxi truyền thống, GrabBike lấy khách của người lái xe ôm truyền thống, Airbnb làm giảm khách của khách sạn… Chính vì vậy, những người này phản đối mạnh mẽ kinh tế chia sẻ, như ta đã thấy phản ứng của giới kinh doanh taxi, xe ôm với Uber, GrabBike trong thời gian qua. Họ cho rằng dịch vụ kinh tế chia sẻ là những kẻ phá bĩnh.

Kinh tế chia sẻ là sự phát triển tất yếu

Tại Diễn đàn Cách mạng công nghiệp 4.0 do Bộ Công thương tổ chức gần đây, Cục thương mại điện tử và Công nghệ thông tin thuộc Bộ Công thương nhận định:

Kinh tế chia sẻ đang và sẽ mang lại nhiều hiệu quả tiềm năng tại Việt Nam như mang đến trải nghiệm mới đồng thời đóng góp vào tăng trưởng kinh tế; tận dụng tài nguyên nhàn rỗi một cách hiệu quả; đẩy mạnh kinh tế vùng địa phương. Đồng thời kinh tế chia sẻ giúp đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hướng tới xây dựng đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hòa nhập với xu hướng phát triển của thế giới.

Dù vậy, kinh tế chia sẻ cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các nhà quản lý chính sách tại Việt Nam, bao gồm môi trường kinh doanh thuận lợi, đảm bảo hài hòa lợi ích đối với các mô hình kinh doanh dịch vụ truyền thống; kiểm soát việc minh bạch về thông tin; quản lý giao dịch điện tử, thanh toán quốc tế về thương mại bằng thẻ; quản lý chất lượng dịch vụ, sản phẩm; chống thất thoát thuế và một số vấn đề xã hội khác nảy sinh như lao động, việc làm và an sinh xã hội.

Đối với các nhà khởi nghiệp Việt Nam, kinh tế chia sẻ là cơ hội và thách thức lớn để họ tạo nên những dự án khởi nghiệp có giá trị, góp phần phát triển xã hội và tạo nên sự nghiệp bản thân.


Phạm Hoài Nhân
LĐĐN - 18/09/2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét