Bài viết này không nhằm nói tới ảnh đại diện (avatar) của bạn đăng trên
mạng xã hội, mà nói tới bản chất con người thật của bạn được thể hiện qua những
gì bạn đưa lên mạng, những điều mà người khác nhận biết được, và hơn nữa –
chính những mạng xã hội ấy ghi nhận được.
Qua Facebook, chân
dung trên mạng của bạn được vẽ ra
Facebook hiểu con hơn
mẹ!
Năm 2015, giáo sư Michal Kosinski của Stanford Graduate
School of Business đã công bố một công trình nghiên cứu, theo đó ông chứng minh
rằng chỉ cần xem xét những lần bấm “Thích”
của một người trên Facebook là có thể hiểu được người đó hơn… chính người
thân của họ!
Giáo sư Kosinski cho biết: “Từ kết quả nghiên cứu trước đây
của chúng tôi (trên 6 triệu mẩu thu thập), chúng tôi có một mô hình máy tính có
thể tiên đoán tính cách của một người chỉ thông qua việc bấm “Thích” của họ
trên Facebook. Để minh họa tính chính xác của giải thuật này, chúng tôi hỏi
50.000 người thử đánh giá về đồng nghiệp, bạn bè, vợ chồng của mình. Rồi chúng
tôi so sánh với kết quả do máy tính đánh giá (dựa trên những lần bấm “Thích”)”.
Kết quả nghiên cứu cho thấy: Một máy tính chỉ cần lấy dữ
liệu từ 10 lượt “Thích” trên Facebook để đưa ra thông tin chính xác về tâm tính
một đồng nghiệp của bạn, như hướng ngoại, có lương tâm hay nhạy cảm; nếu là bạn
bè thì cần 70 lượt bấm “Thích” để hiểu rõ về tính tình hơn chính bạn hiểu; còn
với 250 lượt bấm “Thích” thì hiểu người ấy hơn chính cả vợ/chồng! Kết luận
rằng: Facebook hiểu con hơn cả mẹ!
Xin lưu ý rằng đây chỉ mới là nghiên cứu về những lần bấm
“Thích” mà thôi, thường thì người ta không nhận thức rằng những cú bấm “Thích”
vô tư của mình lại có thể chuyển thành những dự đoán về hành vi cá nhân. Ông
Kosinski nói: “Người ta không thật sự hiểu rằng thông tin ảnh hưởng tới họ như
thế nào, khi mà họ không hề cung cấp thông tin một cách hiển nhiên”. Thế mà
trên Facebook người ta làm nhiều thứ lắm, đâu chỉ bấm “Thích” mà thôi!
Có câu rằng “Hãy cho tôi biết bạn chơi với ai, tôi sẽ cho
biết bạn là người thế nào”, thế thì xem qua những người bạn của bạn trên
Facebook, người khác có thể hiểu về bạn chứ?
Đó là những tìm hiểu và suy luận gián tiếp, trên Facebook
còn có những nội dung do chính bạn đăng lên: những dòng trạng thái, những nhận
xét của bạn trên trang của mình và người khác, những hình ảnh… Thông qua những
nội dung ấy, người xem sẽ càng có hình dung rõ hơn về tính tình, quan điểm,
trình độ nhận thức… của bạn.
Hiện nay, nhiều cơ quan (cả ở trên thế giới lẫn Việt Nam)
khi tuyển dụng nhân sự đều hỏi về nick Facebook của ứng viên để thông qua đó
hiểu rõ về ứng viên hơn, thay vì chỉ xem đơn xin việc và bản lý lịch cá nhân.
Đây mới chính là những thông tin “thật” của ứng viên. Điều này không chỉ các
chuyên gia tuyển dụng nhân sự mà có lẽ mỗi người chúng ta cũng đã từng xem qua
trang Facebook của một người để có nhận định về người ấy.
Trời biết, Đất biết
và… Google biết!
Bạn ngồi một mình trong phòng kín với chiếc máy tính hoặc
smartphone, dùng Google để tìm kiếm thông tin. Bạn cho rằng tìm gì, chỉ có mình
bạn biết, như người ta thường nói ngoài chính mình ra chỉ có Trời biết, Đất
biết. Nhưng không, còn có… Google biết nữa! Minh chứng là sau đó khá lâu, nếu
bạn có tìm gì khác trên Google thì chỉ cần gõ vài ký tự đầu nó sẽ tự động hiện
lên gợi ý là nguyên chuỗi từ mà bạn đã tìm kiếm trước đó (tức là Google nhớ
hết, biết hết những gì bạn đã tìm). Hoặc hàng quý, hàng năm Google đều có thống
kê cho biết thời gian qua người ta tìm kiếm điều gì nhiều nhất trên Google để
xác định xu hướng tìm kiếm của xã hội. Chính bạn là người đã góp một phần vào
bảng thống kê ấy!
Bạn xem video trên YouTube, có thể là video “nhạy cảm” nên
bạn xem một mình, không cho ai biết cả. Thế nhưng lần khác, khi bạn vào YouTube
sẽ thấy ở phần gợi ý (suggest) nó đề xuất với bạn những video có cùng chủ đề
với video “nhạy cảm” mà bạn đã xem. YouTube (cũng là một sản phẩm của Google)
hoàn toàn nắm được sở thích xem phim của bạn thông qua những gì bạn xem trên
nó.
Bạn đi đến một chốn riêng tư nào đó, một mình, không cho ai
biết cả, trong túi có smartphone đang bật định vị GPS. Vậy là giờ nào bạn đang
ở đâu Google cũng đều ghi nhận được hết.
Google khẳng định rằng những thông tin riêng tư của bạn mà
họ ghi nhận được họ hoàn toàn giữ kín, chỉ mình bạn biết thôi và nhằm phục vụ
cho chính bạn (lần tìm kiếm sau sẽ dễ dàng và nhanh chóng hơn, gợi ý những phim
cần xem cho bạn đỡ mất công tìm kiếm…), nếu họ có sử dụng những thông tin ấy
thì chỉ nhằm mục đích thống kê và phục vụ quảng cáo chứ không hề cung cấp thông
tin cá nhân của bạn cho ai cả. Hãy tạm tin như vậy, nhưng điều gì xảy ra nếu
tài khoản của bạn bị hack hay vô tình để lộ? Hoặc giả một tình huống như thế
này: do vô tình bạn xem phim và tìm kiếm những nội dung “nhạy cảm” hơi nhiều
một chút, thế thì trên màn hình của bạn thường xuyên hiện ra các quảng cáo có
nội dung liên quan đến chuyện “nhạy cảm” này làm bạn khó chịu? (Xin nhớ là
Google thừa nhận rằng họ sử dụng thông tin biết được về bạn để phục vụ quảng
cáo).
Thể hiện chính mình
trên mạng
Qua Facebook, chân
dung trên mạng của bạn được vẽ ra
Trả lời phỏng vấn của tạp chí Wall Street Journal về công trình nghiên cứu tâm tính con người qua
lượt bấm “Thích” trên Facebook nêu trên, giáo sư Kosinski cho biết: “Khi đề
nghị người ta cho phép chúng tôi thu thập dữ liệu những lần bấm “Thích” thì mọi
người không cảm thấy rằng mình xâm phạm quyền riêng tư gì lắm (vì đàng nào
“Thích” cái gì đó trên Facebook thì là công khai mà). Tuy vậy, cần biết rằng
các công ty và viện nghiên cứu của chính phủ thì không bị giới hạn trong việc
xem dữ liệu nội bộ như các viện hàn lâm chúng tôi. Lịch sử truy cập web của
bạn, quá khứ mua hàng của bạn, tất cả những thứ này đều được ghi nhận và phân
tích. Người ta không biết rằng mọi website họ xem, kể cả khi họ xem ẩn danh
(không đăng ký gì cả) đều được ghi nhận bởi các nhà cung cấp dịch vụ Internet,
bởi trình duyệt, bởi chính phủ và bởi một số công ty marketing”.
Khi bạn chấp nhận bước vào thế giới mạng, bạn đã chấp nhận
rằng không thể và không cần che dấu con người thật của mình. Ở ngoài đời thật
bạn ứng xử và giữ gìn hành vi của mình đối với xã hội như thế nào thì trên thế
giới ảo bạn cũng phải cẩn trọng như vậy, đừng nghĩ rằng trên thế giới ảo muốn
làm gì cũng được.
Hãy trở lại chuyện các cơ quan tuyển dụng nhân sự tham khảo
trang Facebook của ứng viên để quyết định tuyển dụng hay không. Nếu bạn đang
tìm việc, hãy chăm chút trang Facebook của mình để được đánh giá tốt hơn, cơ
hội nghề nghiệp tươi sáng hơn. Nếu không phải bạn đang tìm việc, những nội dung
chín chắn bạn thể hiện trên mạng sẽ tạo nên chân dung của bạn đẹp hơn trong mắt
người thân, bạn bè và xã hội.
Phạm Hoài Nhân
LĐĐN - 01/09/2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét