Thứ Ba, 21 tháng 11, 2017

Giải thưởng Nhân tài Đất Việt về CNTT năm 2017

Tối 16-11, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ trao giải Nhân tài Đất Việt năm 2017. Năm nay, Giải thưởng Nhân tài đất Việt trong lĩnh vực Công nghệ thông tin (CNTT) có một giải nhất, hai giải nhì, bốn giải ba, bốn giải khuyến khích và một giải thưởng “Vì sự phát triển cộng đồng”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao giải Nhất về CNTT Nhân tài Đất Việt 2017 cho nhóm tác giả. Ảnh: Báo Nhân Dân.


Các giải thưởng CNTT năm 2017

Giải Nhất về lĩnh vực CNTT đã được trao cho sản phẩm “Ứng dụng công nghệ mô phỏng thực tại ảo 3D xây dựng cơ thể người phục vụ công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu trong khối ngành khoa học sức khỏe” thuộc hệ thống sản phẩm CNTT Tiềm năng của nhóm tác giả trường Đại học Duy Tân, Đà Nẵng.

Giải Nhì được trao cho 2 sản phẩm:

-          DoIT - Hệ thống hỗ trợ nâng cao chất lượng văn bản của Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. DoIT gồm hai tính năng cơ bản là kiểm lỗi chính tả và phát hiện trùng lặp cho tài liệu tiếng Việt. Hệ thống có thể xử lý các tài liệu ở nhiều định dạng phổ biến hiện nay: doc, docx, pdf, ppt,...
-          RadaRada - Công ty Cổ phần Rada, dự án khởi nghiệp về ứng dụng công nghệ thông tin. RadaRada là ứng dụng được ra đời giúp kết nối người dùng với các dịch vụ sửa chữa trên nền bản đồ trực tuyến, giúp người dùng gặp sự cố với các thiết bị điện tử hoặc thiết bị gia dụng tìm được các trung tâm sửa chữa và dịch vụ khách hàng gần nhất tại nơi mà họ đang sinh sống.

Giải Ba được trao cho 4 sản phẩm:

-          giasan.vn – hệ thống tổng hợp, phân tích dữ liệu thị trường bất động sản trực tuyến của nhóm tác giả Đinh Tuấn Việt, Nguyễn Hữu Dũng, Bùi Tuấn Ánh, Nguyễn Hoàng Long, Nguyễn Kiêm Hiếu, Trần Việt Trung.
-          Sản phẩm Giải pháp phòng chống tấn công APT – CyberAPT của Công ty cổ phần Công nghệ An toàn mạng Cyberlab.
-          CAMPUS Cộng của Công ty CP công nghệ BEE TECH Việt Nam.
-          GOnJOY - Hệ thống trợ lý ảo hỗ trợ kinh doanh và thu thập dữ liệu trải nghiệm người dùng ứng dụng trong lĩnh vực giải trí, ăn uống của Công ty TNHH M&AI.

Giải “Vì sự phát triển cộng đồng”  dành cho Hệ thống hỗ trợ nghiệp vụ Hội đồng Nhân dân các cấp hỗ trợ, đáp ứng công tác quản lý đơn thư , quản lý nghiệp vụ hành chính (mời họp, lên lịch công tác, lịch tiếp xúc cử tri), quản lý công việc, quản lý chất vấn, quản lý tình hình trả lời kiến nghị của cử tri của Hội đồng Nhân dân các cấp, tác giả là nhóm tác giả Trung tâm Công nghệ Thông tin – VNPT Đắk Lắk.

Về giải Nhất CNTT Nhân tài Đất Việt 2017

Sinh viên đang sử dụng ứng dụng công nghệ mô phỏng thực tại ảo 3D xây dựng cơ thể người

Trong ngành Y – Dược, giải phẫu là một trong những môn học cơ bản và quan trọng nhất. Môn học này đòi hỏi phải học trực tiếp trên xác người. Tuy nhiên, hiện tại chỉ có khoảng chưa tới 10% số cơ sở đào tạo có xác người thật cho sinh viên thực tập. Việc thực hành trên xác cũng gặp khó khăn bởi nguồn hiến tặng hạn chế. Trải qua nhiều lần thực hành mổ xẻ và bị sử dụng trong nhiều ngày khiến các chi tiết trên xác không còn nguyên vẹn, các bộ phận bị hư hỏng, biến dạng…

Ngoài một số trường Đại học lớn, các trường còn lại sinh viên tiếp cận môn học chủ yếu qua mô hình, tranh, hình ảnh 2D và tiêu bản. Điều đó khiến việc giảng dạy và tiếp cận thông tin của sinh viên bị hạn chế về cả tính thực tế lẫn tương tác.

Một số trường thì đầu tư mua phần mềm mô phỏng cơ thể người của nước ngoài để giảng dạy. Tuy nhiên, chi phí bản quyền rất lớn và khó có thể tùy biến theo từng trường hợp, nhu cầu bài giảng cụ thể. Thêm vào đó mô hình mẫu là người phương Tây nên tính chính xác về dữ liệu giải phẫu và hình ảnh giải phẫu cũng phần nào bị hạn chế. Vì vậy, việc tìm kiếm giải pháp để tiếp cận môn học giải phẫu thuận lợi hơn, hiệu quả hơn và với khoản chi phí đầu tư hợp lý vẫn là bài toán khó đặt ra đối với các trường đào tạo ngành Y.

“Ứng dụng công nghệ mô phỏng thực tại ảo 3D xây dựng cơ thể người phục vụ công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu trong khối ngành khoa học sức khỏe” do nhóm nghiên cứu của Đại học Duy Tân, Đà Nẵng gồm 7 người với thạc sĩ Lê văn Chung làm trưởng nhóm bắt đầu thực hiện từ năm 2012.

Ứng dụng này giải quyết được các hạn chế trong công tác giảng dạy bộ môn giải phẫu đã đề cập ở trên nhờ một cơ sở dữ liệu đầy đủ về cơ thể người. Với gần 4.000 chi tiết mô phỏng toàn bộ các cơ quan, hệ cơ quan trong cơ thể người. Điểm quan trọng nữa là tất cả các chi tiết giải phẫu, mô phỏng hoàn toàn theo đặc điểm nhân dạng và đặc điểm giải phẫu của người Việt. Thông tin giải phẫu được dữ liệu hóa, mô tả và giải thích bằng cả tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Latinh, hoàn toàn dễ hiểu. Ứng dụng hỗ trợ người học nhìn thấy trực quan từng cơ quan, mỗi chi tiết giải phẫu cụ thể trên cơ thể người, và đặc biệt là được tương tác (xoay, di chuyển, cử động,  chuyển động…) của từng bộ phận, chi tiết trên cơ thể.

Ứng dụng có thể được cài đặt trên máy tính, smartphone, tablet, hỗ trợ cả hệ điều hành iOS và Android.

Thạc sĩ Lê văn Chung, đại diện nhóm tác giả cho biết: Sản phẩm này đã ứng dụng được một năm tại trường ĐH Duy Tân và ở một phòng khám đa khoa tại Đà Nẵng. Sinh viên học qua sản phẩm này đã phản hồi rất tích cực, so với các phương pháp học truyền thống trước đây thì học qua sản phẩm của chúng tôi sinh viên cảm thấy rất thú vị, đó là kết quả rất tốt.


Thái Thư (tổng hợp)
Lao động Đồng Nai - 20/11/2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét