Ngày 3-11-2017, báo Tuổi trẻ chạy tít lớn trên trang nhất “Facebook,
Google có thể rút khỏi Việt Nam?”. Bài viết này gây xôn xao dư luận và tạo nên
nhiều ý kiến trên mạng xã hội. Thực chất, đây là một giả định được suy ra từ
bản góp ý của Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho dự thảo
Luật An ninh mạng.
Dự thảo Luật An ninh
mạng đã được công bố cách đây 5 tháng
Dự thảo Luật An ninh mạng bao gồm 6 chương, 64 điều được Bộ
Công an công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ từ ngày 8-6-2017 để lấy ý
kiến đóng góp của nhân dân trong vòng 2 tháng (cho đến 8-8-2017).
Dự thảo Luật An ninh mạng quy định về nguyên tắc, biện pháp,
nội dung công tác an ninh mạng, hoạt động bảo đảm triển khai công tác an ninh
mạng và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tới hoạt động
quản lý, cung cấp, sử dụng không gian mạng và bảo vệ an ninh mạng của nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đối tượng
áp dụng tại dự thảo Luật này là cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá
nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan tới hoạt động quản lý,
cung cấp, sử dụng không gian mạng và bảo vệ an ninh mạng của nước Cộng hòa Xã
hội chủ nghĩa Việt Nam.
Bên cạnh các đóng góp trực tiếp qua cổng thông tin điện tử
của Bộ Công an, một số cuộc hội thảo đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật An ninh
mạng đã được tổ chức, trong đó đáng chú ý là cuộc hội thảo do Phòng Thương mại
& Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 9-10-2017 tại Hà Nội (cách đây
gần một tháng). Hội thảo do VCCI phối hợp với Hiệp hội An toàn thông tin Việt
Nam, Hiệp hội Internet Việt Nam và Hội Tin học Việt Nam tổ chức với tên gọi “Hội
thảo góp ý hoàn thiện dự án Luật An ninh mạng”.
Ngày 25-10-2017, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV, Bộ
Công an đã chính thức trình Quốc hội dự thảo dự án Luật An ninh mạng, dự kiến
sẽ thông qua trong kỳ họp thứ 5. Tại thời điểm này, theo Cổng thông tin Bộ Công
an, Dự thảo Luật An ninh mạng gồm 8 chương, 55 điều, thể chế hóa đầy đủ, kịp
thời các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về an ninh mạng;
phát huy các nguồn lực của đất nước để bảo đảm an ninh mạng, phát triển lĩnh
vực an ninh mạng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an
ninh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và bảo đảm quốc
phòng, an ninh.
Mới đây, VCCI có văn bản chính thức gửi Ủy ban Quốc phòng và
An ninh của Quốc hội để góp ý về dự thảo luật An ninh mạng. Trong văn bản này, VCCI
cho rằng quy định về việc đặt máy chủ trên lãnh thổ Việt Nam là chưa phù hợp,
từ đó dẫn đến bài viết “Facebook, Google có thể rút khỏi Việt Nam?” trên báo
Tuổi trẻ.
Hội thảo góp ý Dự thảo
Luật An ninh mạng. Ảnh: TTXVN
Luật An ninh mạng đã
được góp ý những nội dung gì?
Một số góp ý cho Luật An ninh mạng tại hội thảo VCCI được
ghi nhận như sau:
Ngày 19-11-2015, Quốc hội khóa XIII đã biểu quyết thông qua
Luật An toàn Thông tin mạng. Giữa Luật An toàn Thông tin mạng và Luật An ninh
mạng, dường như có sự chồng chéo nhau. Đây cũng chính là một nội dung góp ý
quan trọng cho Luật An ninh mạng.
Tiến sĩ Mai Anh, Chủ tịch hội Tin học Viễn thông Hà Nội, tán
thành về cơ bản với giải trình về sự cần thiết phải ban hành luật An ninh mạng.
Theo ông, an ninh mạng và an toàn thông tin trong môi trường mạng thực chất là hai mặt không thể tách rời của
một vấn đề, và năm 2015 Quốc hội khóa XIII đã ban hành Luật An toàn thông tin
mạng, do vậy nội dung luật An ninh mạng nên được tích hợp vào luật An toàn
thông tin mạng; trình Quốc hội xây dựng dự án sửa đổi bổ sung luật An toàn
thông tin mạng 2015 và đổi tên thành luật: An ninh mạng và an toàn thông tin
trong môi trường mạng.
Ông Đậu Anh Tuấn, trưởng ban pháp chế VCCI, cũng bày tỏ sự
lo ngại nếu Luật An ninh mạng không được thiết kế kỹ lưỡng thì sẽ có nguy cơ
chồng chéo với Luật An toàn thông tin mạng 2015. Ông Tuấn nêu dẫn chứng cụ thể:
Đối với doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin thì Luật An
toàn thông tin mạng năm 2015 quy định việc kinh doanh phải có sự thẩm định, cấp
phép của Bộ Thông tin và Truyền thông. Trong khi đó, dự thảo Luật An ninh mạng
quy định Bộ Công an là cơ quan thẩm định năng lực của doanh nghiệp. Do đó, sự
phối hợp giữa hai cơ quan quản lý Nhà nước này cần phải rõ ràng để làm sao vừa
đảm bảo chặt chẽ, nhưng cũng tạo sự thuận lợi và giảm đầu mối cho doanh nghiệp
kinh doanh.
Hội thảo có sự tham gia của chuyên gia, đại diện tổ chức
nước ngoài, như ông Phạm Đức Đăng Khoa, đại diện cho Microsoft; ông Adam
Sitkoff, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham). Các vị này đề cao quan điểm cần sớm thống nhất
về Luật an ninh mạng, qua đó thúc đẩy toàn diện sự phát triển CNTT của đất nước,
tuy nhiên có những góp ý khá quan trọng về dự luật. Ý kiến sau đây của ông Adam
Sitkoff rất đáng quan tâm: “Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực hội nhập kinh
tế quốc tế, chúng tôi khuyến nghị các cơ quan hữu quan nên rà soát lại những
quy định trong dự thảo Luật an ninh mạng và điều chỉnh cho phù hợp hơn với
thông lệ quốc tế, cũng như những cam kết WTO của Việt Nam. Cụ thể là khái niệm
an ninh mạng cần được điều chỉnh cho phù hợp với các định nghĩa và thông lệ
quốc tế để tạo điều kiện cho Việt Nam dễ dàng hợp tác với các nước khác trong
các hoạt động đảm bảo an ninh mạng. Ngoài ra, chúng tôi cũng khuyến nghị cơ
quan soạn thảo xem xét lại những yêu cầu về địa phương hóa, như đặt văn phòng
đại diện và máy chủ tại Việt Nam, vì những yêu cầu này không chỉ khó khả thi,
mà còn có thể thu hút các tin tặc hoặc các cuộc tấn công mạng hướng tới Việt
Nam khi các máy chủ phải đặt ở đây”.
Facebook, Google có
thể rút khỏi Việt Nam?
Bên dưới cái tít được nhấn mạnh, báo Tuổi trẻ đặt vấn đề: “Nếu quy định trong Dự thảo này được thông
qua và trong trường hợp các doanh nghiệp lớn như Google, Facebook không tuân
thủ, nhiều người cho rằng..”. Có nghĩa là tới mấy giả định: “nếu quy định
trong dự thảo được thông qua”, “nếu Google, Facebook không tuân thủ”, “nhiều
người cho rằng…”
Những giả định này phát xuất từ Khoản 4, Điều 34 Dự thảo
Luật An ninh mạng: “Các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn
thông, Internet tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng chủ quyền, lợi
ích, an ninh quốc gia Việt Nam, có giấy phép hoạt động, đặt cơ quan đại diện,
máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Việt Nam...”. Nếu xem lại góp ý của ông Adam Sitkoff ở trên thì ta thấy ông đã nêu lên điều này cách đây
một tháng: “Chúng tôi cũng khuyến nghị cơ quan soạn thảo xem xét lại những yêu
cầu về địa phương hóa, như đặt văn phòng đại diện và máy chủ tại Việt Nam, vì
những yêu cầu này không chỉ khó khả thi, mà còn có thể thu hút các tin tặc hoặc
các cuộc tấn công mạng hướng tới Việt Nam khi các máy chủ phải đặt ở đây”.
Như vậy vấn đề không mới, cũng chỉ là một giả định nếu của nếu. Báo Tuổi trẻ đã nêu bật vấn
đề để thu hút sự quan tâm của dư luận, gợi thêm những phân tích và góp ý xác
đáng cho dự thảo Luật An ninh mạng, đó là điều tốt. Sự hoang mang khi cho rằng
Google, Facebook sẽ từ bỏ Việt Nam hoặc những phản ứng phê phán cực đoan trên
mạng xã hội có lẽ là điều không đáng có.
Phạm Hoài Nhân
Lao động Đồng Nai - 06/11/2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét