Chiều 6-11, tỷ phú Jack Ma, ông chủ tập đoàn Alibaba, đã có buổi đối
thoại với 3.000 sinh viên và người trẻ Việt Nam tại Hà Nội nhằm khơi gợi tinh
thần, hoài bão cho các bạn trẻ Việt Nam. Buổi đối thoại này đã tạo nên nhiều dư
luận ồn ào.
Khá nhiều ý kiến trên mạng mang tính ác cảm về buổi đối
thoại. Nguyên do rằng Alibaba là một nền tảng thương mại điện tử của Trung quốc
thuộc hàng lớn nhất thế giới, mà sản phẩm Trung quốc lâu nay có tiếng là đầy
dẫy hàng giả và kém phẩm chất, do đó nhiều người cho rằng Jack Ma không phải là
tấm gương đáng cho thanh niên Việt Nam học tập. Chúng ta sẽ xem qua những ý
kiến này.
Alibaba là gì?
Alibaba là một tập đoàn thương mại điện tử cung cấp dịch vụ
bán hàng giữa người tiêu dùng với người tiêu dùng (C to C), doanh nghiệp tới
người tiêu dùng (B to C) và doanh nghiệp với doanh nghiệp (B to B) thông qua
cổng thông tin điện tử. Tập đoàn này do Jack Ma (Mã Vân) cùng một số người khác
thành lập năm 1999, có trụ sở đặt tại Hàng Châu, Chiết Giang, Trung Quốc.
Hiện giờ tập đoàn Alibaba có nhiều công ty bao trùm hầu hết
lĩnh vực thương mại điện tử của Trung quốc và cả thế giới, như:
-
Alibaba.com: Website thương mại quốc tế phục vụ các
doanh nghiệp vừa và nhỏ
-
Taobao.com (Đào Bảo): Đối thủ chính của eBay ở Trung
Quốc về đấu giá trực tuyến.
-
Yahoo! Trung Quốc - Dịch vụ tìm kiếm trực tuyến của
Trung Quốc
-
AliPay: Đối thủ chính của PayPal về thanh toán trực
tuyến ở Trung Quốc
-
AutoNavi: dịch vụ bản đồ như Google Maps, AliSport:
cung cấp thông tin về thể thao, AliHealth: cung cấp thông tin về y tế,…
Tại thời điểm tháng 11-2017, giá trị vốn hóa của Alibaba là
486,27 tỷ USD, được xếp vào top 10 các công ty lớn nhất thế giới. Tháng 4-2016,
Alibaba trở thành nhà bán lẻ lớn nhất thế giới, vượt qua cả người khổng lồ bán
lẻ Walmart của Mỹ, hoạt động tại 200
quốc gia. Từ 2015, doanh thu và lợi nhuận bán hàng online của Alibaba vượt qua
tất cả các nhà bán lẻ online của Mỹ cộng lại (bao gồm cả Amazon, Walmart và
eBay).
Về Jack Ma, tháng 8 vừa qua Forbes bình chọn Jack Ma là tỷ
phú giàu nhất châu Á, với khối tài sản lên tới 37,4 tỷ USD. Theo thống kê từ
trang USA Today, ông hiện là người giàu thứ 18 trên thế giới. Jack Ma nổi tiếng
là tỷ phú tự thân với những thành công từ hai bàn tay trắng, ông từng phải trải
qua nhiều lần thất bại cay đắng trong sự nghiệp học hành, khởi nghiệp trước khi
gây dựng nên đế chế Alibaba như ngày nay.
Alibaba có phải là
nơi phát tán hàng giả?
Nhiều ý kiến trên mạng nói rằng Alibaba là trung tâm mua bán
hàng giả của thế giới, như vậy ông chủ và là người sáng lập Alibaba Jack Ma là
người làm ăn gian dối, không phải tấm gương cho thanh niên Việt Nam noi theo.
Một số ý còn mỉa mai ngay cái tên Alibaba đã hàm ý bất chính. Alibaba là tên
nhân vật trong truyện Ngàn lẻ một đêm, là một chàng tiều phu nghèo tình cờ lạc
bước tới kho báu bí mật của bọn cướp có 40 tên và biết được câu thần chú “Vừng
ơi mở ra” để mở cửa kho, đánh cắp tài sản của bọn cướp. Dù sau này thành tỷ
phú, Alibaba vẫn là người có số tài sản bất minh, không phải do sức lao động
của mình làm ra. Bọn cướp đã cướp bóc tài sản từ các nạn nhân và Alibaba lại làm
giàu nhờ số tài sản bất chính này.
Chuyện Alibaba là trung tâm phát tán hàng nhái, hàng giả lớn
bậc nhất thế giới là sự thật. Nguyên nhân chính là Trung quốc là nơi sản xuất
những hàng hóa này mà Alibaba lại đặt nền tảng ở Trung quốc. Theo một nghiên
cứu năm 2016 của Phòng Thương mại Hoa Kỳ, Trung quốc là xứ sở của một ngành kỹ
nghệ hàng giả trị giá 275 tỷ USD, bằng 12,5% kim ngạch xuất khẩu và 1,5% GDP
của đất nước này. Alibaba đã bị chính quyền Mỹ xếp vào danh sách đen do làm chợ
cho bọn kinh doanh hàng nhái, hàng giả.
Alibaba vừa có vài hành động yếu ớt chống hàng giả. Bản tin
ngày 4-1-2017 của hãng truyền hình Mỹ CNBC cho biết: Alibaba vừa lần đầu tiên
áp dụng hành động pháp lý – khởi kiện 2 nhà bán lẻ hàng giả ra tòa án nhân dân
huyện Longgang (Shenzhen). Tạp chí Forbes ngày 10-3-2017 giật tít: “Alibaba
chống hàng giả như thế đã đủ chưa?”. Thật khó, ở Trung quốc mà lập chợ bán lẻ
toàn cầu thì làm sao mà không bị hàng giả, hàng nhái chen chân vào bán?
Về xuất xứ tên Alibaba, Jack Ma kể: Ngày nọ, tôi ngồi trong
một quán cà phê ở San Francisco và nghĩ Alibaba là một cái tên hay. Khi tiếp
viên đến, tôi hỏi: “Cô có biết về Alibaba không?”. Cô ấy nói biết, tôi hỏi
tiếp: “Biết thế nào?”. Cô ấy trả lời: “Vừng ơi – mở ra”. Tôi nói ngay: “Đúng là
tên này rồi!”. Rồi tôi bước ra đường, gặp 30 người và hỏi họ biết Alibaba
không. Mọi người, Ấn Độ, Đức, Nhật, Trung quốc… đều biết Alibaba. Alibaba –
Vừng ơi, mở ra. Alibaba là một thương nhân thông minh, tốt bụng, giúp đỡ dân
làng. Từ này dễ phát âm, cả thế giới đều biết và có ý nghĩa. Đó là lý do có cái
tên Alibaba.
Jack Ma sang Việt Nam
để thâu tóm Lazada?
Một số ý kiến trên mạng bày tỏ sự hằn học, cho rằng Jack Ma
sang Việt Nam không phải với thiện chí mà chỉ nhằm thâu tóm Lazada – một nền
tảng thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam – về tay Alibaba mà thôi. Thông tin
này nhằm tạo thêm ác cảm cho Jack Ma và Alibaba, nhưng đó là thông tin không chính
xác.
Thật sự, Jack Ma sang Việt Nam ngoài buổi nói chuyện với
thanh niên Việt Nam còn có những mục đích khác, nhưng không phải chuyện thâu
tóm Lazada. Lý do là Alibaba đã… làm chuyện đó từ tháng 4-2016 rồi! Ngày 12-4-2016,
Alibaba tuyên bố đã hoàn tất thỏa thuận mua lại cổ phần kiểm soát của Lazada. Thỏa
thuận bao gồm khoản đầu tư gần 500 triệu USD để mua lại lượng cổ phiếu mới phát
hành và 500 triệu USD mua lại cổ phần từ những cổ đông chính hiện tại của
Lazada, tổng cộng khoảng 1 tỉ USD. Cũng cần nói thêm rằng Lazada không phải
công ty của Việt Nam, mà là một công ty thương mại điện tử do Rocket Internet
của Đức thành lập năm 2011. Công ty này hoạt động tại 6 nước Đông Nam Á, trong
đó có Việt Nam. Mục đích của Alibaba khi dành quyền kiểm soát Lazada là giúp
công ty này tiếp cận tới những thị trường người dùng lớn và đang tăng trưởng
nhanh tại Đông Nam Á.
Có chăng hành động
quỳ lạy, tỏ lòng ngưỡng mộ Jack Ma quá đáng?
Ác cảm của những người không thích Jack Ma càng lên cao độ
khi trên một số trang mạng đăng hình ảnh một thanh niên Việt Nam đang… quỳ
xuống liếm giày Jack Ma để tỏ lòng ngưỡng mộ, được cho rằng diễn ra trong buổi
gặp mặt tại Hà Nội vừa rồi. Hình ảnh này đã tạo nên làn sóng mạt sát thậm tệ từ
cộng đồng mạng.
Video clip cho thấy người thanh niên này đầy cảm kích gào
lên “I love Jack Ma” đến lạc giọng và cúi rạp người lạy ông ta, quả là rất phản
cảm. Bày tỏ ý kiến chê trách hành động này là quyền của mọi người, và cũng là
điều hợp lý. Tuy nhiên hình ảnh “liếm giày” rõ ràng là được chế biến từ Photoshop
bằng cách ghép ảnh và mắng mỏ “liếm gót giày ngoại bang” thì lại là hành vi
dựng chuyện quá đà, không đáng để hùa theo.
Yêu hay ghét, nhận định về Jack Ma như thế nào là ý kiến
riêng của mỗi người, nhưng dù sao Jack Ma cũng là một điển hình thành công được
cả thế giới công nhận. Việc mời ông đến đối thoại với thanh niên Việt Nam là
một việc làm bình thường để giới trẻ có dịp tìm hiểu thêm về quá trình thành
đạt của một con người, một doanh nghiệp. Những thông tin sai lệch hoặc quá
khích cần được kiểm chứng khách quan để có nhận định chính xác, mang tính xây
dựng hơn.
Phạm Hoài Nhân
Lao động Đồng Nai - 13/11/2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét