Thứ Ba, 9 tháng 1, 2018

2017 với những bộn bề lo âu dành cho YouTube

Năm 2017 qua đi tiếp tục đánh dấu một năm thành công nữa của YouTube, khi được đánh giá là trang web phổ biến thứ nhì trên thế giới (chỉ sau Facebook). Tuy nhiên năm 2017 cũng là năm ghi nhận nhiều sự kiện tệ hại cho YouTube, từ việc suy giảm lượng người xem của các kênh YouTube lớn, đến sự tràn lan các scandal về tình dục, bạo lực, phân biệt chủng tộc… hay sự tẩy chay của các nhà quảng cáo. YouTube sẽ có nhiều việc phải làm năm 2018.

Những kênh YouTube tăng trưởng nhanh các năm qua, giờ đang chậm lại

Trang Business Insider dựa trên phân tích số liệu thống kê từ website SocialBlade, chuyên lần theo các thống kê về YouTube và các mạng xã hội khác, phát hiện ra xu hướng tăng trưởng chậm lại của lượng người subscribe và số người xem đối với các kênh nổi tiếng.

Felix Kjellberg


Biểu đồ thể hiện số lượng người xem PewDieDie từ 2015 đến 2017

Hãy xem trường hợp của PewDieDie, một trong những YouTuber thành công nhất, vốn có tên thật là Felix Kjellberg. Với kênh PewDieDie, Kjellberg đã xây dựng nên một lượng fan đông đảo, những người xem anh chơi game, rồi sau đó chuyển sang nói những câu chuyện hài, và ngày càng triết lý hơn về tin tức, sự nổi tiếng của mình với nền tảng là YouTube. Anh là một ngôi sao YouTube, là người thu nhập nhiều nhất từ YouTube, theo Forbes.

Tổng lượng người đăng ký theo dõi (subscriber) PewDieDie vẫn tăng. Tuy nhiên nếu chú ý đến số subscriber tăng thêm mỗi tháng, ta sẽ thấy con số này giảm dần. Sẽ có lập luận cho rằng sở dĩ có tình trạng đó là vì số người hâm mộ PewDieDie đã đến mức bão hòa, điều quan trọng là tổng số subsciber vẫn tăng. Nhưng nếu như vậy thì số lượt xem kênh PewDieDie hàng tháng phải tăng hoặc chí ít phải không giảm chứ? Số liệu thống kê cho thấy số người xem kênh này đạt đỉnh vào cuối năm 2016, số người xem trung bình năm 2015 đạt trên 300 triệu/tháng giảm nhanh xuống chỉ còn khoảng 180 triệu/tháng vào cuối năm  2017!

Tình trạng tương tự cũng xảy ra cho các YouTuber nổi tiếng khác, như Zoella, tức Zoe Sugg, nữ YouTuber nổi tiếng nhất nước Anh. Số lượng người xem kênh của cô hàng tháng đạt mức trung bình trên 25 triệu hồi đầu năm 2015, đến cuối năm 2017 chỉ còn 13,7 triệu. Lượng người đăng ký theo dõi hàng tháng đạt 300.000 hồi đầu năm 2015, đến cuối năm 2017 chỉ còn ở mức 50.000 người.

Một trường hợp khác là Daniel Middleton, tức DanTDM, rất nổi tiếng trong cộng đồng game thủ và là một trong những kênh YouTube nổi tiếng nhất nước Anh. Daniel Middleton đứng đầu trong danh sách những ngôi sao được YouTube trả nhiều tiền nhất trên thế giới, với thu nhập ước tính khoảng 16,5 triệu USD. Số lượt xem kênh DanDTM từ mức trung bình trên 300 triệu mỗi tháng giảm xuống còn dưới 200 triệu. Lượng người đăng ký theo dõi hàng tháng đạt trên 400.000 năm 2015-2016, đến cuối năm 2017 chỉ còn ở mức trên 200.000 người.

Tràn ngập video bạo lực, tình dục

2017 là năm tệ hại nhất của YouTube với sự bùng nổ của hàng loạt scandal, đáng kể nhất là hành vi tiêu cực của những YouTuber nổi tiếng, có sức ảnh hưởng lớn với cộng đồng. Ví dụ nổi bật là trường hợp của PewDieDie, trong một video của mình đã có những nhận xét suồng sã về vấn đề phân biệt chủng tộc cũng như lạm dụng truyền bá hình ảnh phát xít.
Tháng 11-2017, YouTube phải công khai xin lỗi người dùng vì hàng loạt video sử dụng hình ảnh thân thiết với trẻ em như Elsa, người nhện, chuột Mickey,... nhưng lại có nội dung thô tục và đạt được lượng truy cập khổng lồ từ khán giả nhí.

Một dạng video thu hút sự quan tâm của trẻ em là video siêu anh hùng. Phil Rant, chủ một kênh YouTube có nội dung về siêu anh hùng nói: ‘Trẻ em có xu hướng thích xem đi xem lại một video. Mỗi video có nội dung cho trẻ em có thể được xem đến 50 lần và đó là cách tạo lợi nhuận nhanh nhất”.

Đa số các video về siêu anh hùng có khá nhiều yếu tố bạo lực như người chết, máu me, thậm chí những nội dung người lớn khác và trẻ em rất thích xem chúng. Càng tệ hại hơn nữa khi ngày càng có nhiều video tuy định hướng cho trẻ em cùng với chất liệu như trên nhưng lại rất phản cảm.

Những video hoạt họa về cảnh hành hạ trẻ em, tự tử, quan hệ tình dục tràn lan trên YouTube với con số lớn không tưởng. Đỉnh điểm, có những video sử dụng hình ảnh minh họa tươi sáng nhưng trong đó là nội dung người lớn nhằm bẫy lượt truy cập từ trẻ em.

Những phản ứng bất lợi cho YouTube

Hiện giờ vẫn chưa rõ nguyên nhân việc sụt giảm lượt người xem và đăng ký theo dõi đối với những kênh YouTube nổi tiếng. Tuy nhiên, các YouTuber này cho rằng nguyên nhân là các giải thuật của YouTube nhằm chặn các video có nội dung xấu đã vô tình làm giảm bớt lượt người xem/đăng ký của họ; ngoài ra tình trạng hỗn loạn, đầy dẫy scandal đã khiến cho người dùng hạn chế việc sử dụng kênh YouTube. Do đó, các YouTuber này đang tìm các kênh khác để tạo ảnh hưởng lên công chúng, thay vì chọn YouTube. Ví dụ như Zoella chuyển hướng sang sách, các sự kiện, các sản phẩm làm đẹp và cả một quyển lịch nữa. Hoặc Daniel Middleton đã bắt đầu thực hiện các show vòng quanh thế giới, nơi những người hâm mộ của cậu có thể trả tiền để được gặp mình…

Lidl, Diageo, Mars Inc, Deutsche Bank AG, Adidas AG và nhiều công ty khác đã đồng loạt rút quảng cáo khỏi YouTube sau khi chúng xuất hiện trên những video không phù hợp.
Phụ huynh, trước nay vẫn thường xem YouTube như một “cứu tinh” để chấm dứt những cơn khóc nhè của trẻ, bằng cách cho chúng xem đủ loại video clip trên YouTube, từ phim hoạt hình đến những mẩu quảng cáo, nay đã phải dè dặt khi cho trẻ xem vì không lường trước những video độc hại sẽ xuất hiện lúc nào. Nhiều người thậm chí còn tẩy chay YouTube vì nó chứa quá nhiều nội dung độc hại hay nhảm nhí.

Những phản ứng của YouTube

YouTube hứa hẹn rằng trong năm 2018 sẽ siết chặt lại khâu kiểm duyệt bằng nhiều động thái thiết thực. YouTube cho biết sẽ gia tăng thêm số người kiểm duyệt vào khoảng 10.000 người, đồng thời sử dụng machine learning để loại bỏ những nội dung độc hại. Bên cạnh đó, YouTube sẽ siết chặt lại tính năng chạy quảng cáo, tạo điều kiện cho các kênh và doanh nghiệp nhỏ lẻ có cơ hội làm ăn.

Như vậy, ta cùng chờ xem năm 2018 YouTube có còn giữ được danh hiệu trang web có sức ảnh hưởng thứ nhì Internet sau Facebook hay không.


Phạm Hoài Nhân
Lao động Đồng Nai - 08/01/2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét