Thứ Hai, 29 tháng 1, 2018

Facebook cá nhân – Đó là tài sản có giá trị của bạn

Hiện nay, hầu như mọi người sử dụng Internet đều có tài khoản Facebook. Việc tạo tài khoản này là hoàn toàn miễn phí. Đơn giản như vậy tại sao lại gọi tài khoản Facebook cá nhân là tài sản có giá trị? Thậm chí Facebook còn có quy định về… thừa kế tài khoản Facebook, tương tự như quy định pháp luật về thừa kế gia tài!

Tại sao lại cho rằng Facebook cá nhân là tài sản có giá trị?


Hiểu một cách “thực dụng” nhất, cái gì được xem là có giá trị khi nó mang lại cho người sở hữu lợi lộc, tiền bạc. Với ý nghĩa này, các trang Facebook dược chủ nhân của nó mở ra để bán hàng qua mạng rõ ràng là tài sản có giá trị. Dĩ nhiên, giá trị này lớn hay nhỏ còn tùy thuộc nhiều yếu tố, như nguồn hàng hóa có ổn định không, loại hàng hóa có phong phú không, chất lượng và giá cả có tốt không… Trên thực tế, có những trang Facebook bán hàng qua mạng đạt doanh thu hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng mỗi tháng, không thua gì một cửa hàng hay một công ty trung bình.


Có những trang Facebook không bán gì cả mà vẫn có thu nhập. Đó là trang của những người nổi tiếng hay của các Facebooker có nhiều người theo dõi. Với sức thu hút của họ, mỗi dòng trạng thái, mỗi hình ảnh hay video đưa lên Facebook sẽ có một lượng lớn người xem, lượng lớn này sẽ bấm Thích, bấm Chia sẻ và kết quả là những nội dung này được quảng bá mạnh mẽ hơn. Đây chính là một kênh quảng cáo hiệu quả và các nhà sản xuất sẵn sàng chi tiền cho chủ trang Facebook đó để họ quảng cáo cho sản phẩm của mình. Về phía chủ trang Facebook, để giữ và tăng giá trị cho “tài sản” của mình, họ phải luôn cố gắng duy trì nội dung trang được tươi mới, hấp dẫn.

Ngoài mục đích quảng cáo ra, các trang Facebook nhiều người theo dõi còn là kênh truyền thông hữu hiệu (có thể hơn hẳn một số báo). Thời gian qua có rất nhiều trường hợp người ta dùng các trang Facebook có tác động mạnh (trang của các Facebooker nổi tiếng, nhiều người theo dõi) để tuyên truyền chống lại một ảnh hưởng xấu, giải quyết một khủng hoảng cho doanh nghiệp – không loại trừ những nội dung truyền thông mang yếu tố chính trị.

Đến đây sẽ có nhiều người phản đối, cho rằng những trang Facebook mang lại hiệu quả như trên chỉ là một thiểu số rất nhỏ, còn đại đa số các tài khoản Facebook đều không đem lại hiệu quả tiền bạc gì cho chủ sở hữu của chúng cả, nên không là tài sản có giá trị.

Đúng là những trang Facebook mang lại giá trị vật chất như trên không nhiều, nhưng giá trị của một tài sản không nhất thiết là một giá trị vật chất.

Quan trọng nhất, trang Facebook cá nhân của một người góp phần tạo nên thương hiệu cá nhân của người đó. Trình độ hiểu biết, trình độ nhận thức, quan điểm và cả cảm xúc của mỗi người được thể hiện qua trang Facebook. Các hình ảnh, trạng thái bạn đưa lên trang Facebook thể hiện năng lực, sở thích (và dĩ nhiên là ngoại hình) của bạn. Hiện nay rất nhiều phòng nhân sự của các công ty dùng trang Facebook cá nhân như là một kênh bổ sung bên cạnh hồ sơ lý lịch để đánh giá ứng viên dự tuyển vào các vị trí của công ty. Trang Facebook là nơi tạo thêm cơ hội nghề nghiệp cho bạn. Ngay cả nếu bạn đã có việc làm ổn định thì trang Facebook vẫn giúp người khác hiểu biết bạn tốt hơn và tạo điều kiện cho bạn có những mối kết giao mới, có những quan hệ tốt hơn trong nghề nghiệp hoặc trong cuộc sống.

Trang Facebook là nơi kết nối bạn với cả thế giới, đặc biệt là với bạn bè, với người thân. Đã có vô số trường hợp bạn bè hoặc thậm chí người thân mất liên lạc hàng chục năm, đến nỗi quên hẳn nhau luôn. Thế rồi tình cờ lại tìm thấy nhau trên Facebook, nhận ra nhau và kết lại mối dây liên lạc. Đã có những trường hợp cha mẹ, con cái thất lạc nhau mấy chục năm trời, nhờ Facebook (hoặc các mạng khác) tìm ra nhau. Một khi đã tìm thấy và kết bạn với nhau thì những thông tin về người thân, người bạn ấy sẽ thường xuyên được cập nhật trên trang Facebook của bạn. Không nhất thiết phải trao đổi với nhau do thời gian hạn hẹp, bạn bè có thể xem qua để biết tình hình sinh hoạt của nhau như thế nào.

Và nhất là các bậc làm cha mẹ có con đi học, đi làm ở xa, trang Facebook là công cụ hiệu quả để thường xuyên liên lạc với con. Sẽ có cảm giác như đứa con ở gần bên mình chứ không phải nơi xa xôi nữa.

Như vậy, đối với mỗi người, trang Facebook là một tài sản có giá trị không chỉ về vật chất, mà cả về tri thức, về tinh thần và cả tình cảm nữa.

Tài khoản Facebook như một tài sản thừa kế

Bạn có biết rằng Facebook đã cẩn thận tính đến cả việc cho phép chọn ai làm người thừa kế tài khoản Facebook nếu chẳng may chủ tài khoản qua đời? Nêu chuyện này trong những ngày Xuân là không hợp, nhưng ý chính chỉ là nhằm nhấn mạnh việc Facebook coi tài khoản này là một tài sản có giá trị mà thôi.

Bạn có thể thêm, thay đổi hoặc xóa liên hệ thừa kế trong “Cài đặt chung” của tài khoản bất kỳ lúc nào.

Để thêm liên hệ thừa kế:

  1. Nhấp vào  mũi tên xuống ở trên cùng bên phải của Facebook và chọn “Cài đặt”
  2. Nhấp vào “Quản lý tài khoản”
  3. Nhập tên của người bạn và nhấp vào “Thêm”
  4. Để cho bạn bè biết giờ đây họ sẽ là liên hệ thừa kế của bạn, hãy nhấp vào “Gửi”
Để thay đổi hoặc xóa liên hệ thừa kế, hãy làm theo các bước từ 1 đến 2 ở phía trên rồi nhấp vào Xóa. Từ đây, bạn có thể thêm liên hệ thừa kế mới nếu muốn. Bạn phải từ 18 tuổi trở lên để chọn một liên hệ thừa kế.

Trong thiết lập thừa kế, bạn có thể cho phép liên hệ thừa kế tải xuống bản lưu trữ thông tin mình đã chia sẻ sau khi tài khoản của bạn được tưởng nhớ. Trong nội dung tải xuống đó, liên hệ thừa kế sẽ nhận được:

  1. Ảnh và video bạn đã tải lên
  2. Bài đăng trên Tường
  3. Thông tin liên hệ và trang cá nhân
  4. Sự kiện
  5. Danh sách bạn bè
Những điều phiền toái

Như cuộc sống muôn mặt, trang Facebook mang lại giá trị to lớn nhưng cũng mang đến nhiều điều phiền toái. Trước hết hãy xét đến những giá trị vật chất – cụ thể là những thu nhập bằng tiền – từ những trang Facebook bán hàng qua mạng hoặc những trang có chức năng PR. Hiện nay vấn đề thu thuế từ những khoản thu nhập này vẫn đang là vấn đề đau đầu của cả cơ quan thuế lẫn người thụ hưởng thu nhập. Tất nhiên có doanh thu phải có nghĩa vụ nộp thuế, nhưng xác định số tiền phải nộp thuế là bao nhiêu, đối tượng phải nộp, hình thức nộp thuế… là những chuyện không hề dễ thực hiện đối với cơ quan thuế. Người bán hàng qua mạng – trong đó chỉ một số ít là bán hàng chuyên nghiệp – còn lại là những người có dư chút thời gian nhàn rỗi, muốn cải thiện thu nhập thì một phần không quen với việc kê khai thuế, mặt khác chuyện kinh doanh chẳng đáng là bao nên cảm thấy bị o ép nếu phải nộp thuế. Thu nhập từ các dịch vụ PR qua mạng xã hội càng là những con số bí ẩn nữa mà ngành thuế khó kiểm soát được.

Cuộc chiến PR từ những doanh nghiệp cạnh tranh nhau xảy ra trên mạng xã hội khiến người dùng hoa mắt với những thông tin, lập luận trái chiều (ví dụ: cuộc chiến giữa nước mắm công nghiệp và nước mắm tự nhiên).

Facebook, đáng lẽ mang đến cho người dùng thứ tài sản giá trị là kiến thức hữu ích từ những nguồn thông tin đa dạng thì lại mang đến vô số tin nhiễu, tin sai sự thật hay bị bóp méo sự thật nhằm phục vụ ý đồ xấu nào đó. Người tiếp nhận những nguồn tin này thay vì bình tĩnh phán đoán mức độ đúng sai thì lại bị kích động (quá bi thương, tức giận, phấn khích…) nên vô tình tiếp tay phát tán thêm cho những nguồn tin ấy. Kết quả là Facebook đầy dẫy những thông tin giả mạo, sai sự thật.

Facebook, đáng lẽ mang đến cho người dùng thứ tài sản giá trị là tinh thần trong sáng, tình cảm tốt đẹp thì có nhiều khi do sự bực dọc của ai đó mà tung ra những lời chửi mắng hằn học (có thể đúng mà cũng có thể sai), những lời phê bình nặng phần mạt sát, kém văn hóa, rồi thì các bên thóa mạ lẫn nhau trên Facebook khiến cho không khí chung trên mạng xã hội này nặng nề làm cho người sinh hoạt trong đó cảm thấy khó chịu.

Facebook, đáng lẽ mang đến cho người dùng thứ tài sản giá trị là mối dây kết nối thân tình thì có kẻ giả dạng làm người thân để lừa đảo. Có người cả tin, bị lừa mất tiền. Có người cảnh giác cao, nhưng đâm ra nghi ngờ cả người thân thật sự. Một bầu không khí nghi ngại phủ đầy lên mạng xã hội.

Hãy làm cho trang Facebook của bạn thêm giá trị


Khách quan mà nhận xét, không thể có được một mạng xã hội Facebook hoàn toàn tốt, vì mạng xã hội chính là một mô phỏng xã hội thật. Mà xã hội thật thì luôn tồn tại điều tốt, điều xấu, người tốt, người xấu. Chúng ta chỉ có thể điều chỉnh dần để hướng về điều tốt đẹp thôi.

Hai điều tích cực mà mỗi chúng ta có thể làm để tài sản Facebook của mình có giá trị tốt hơn là:

Cân nhắc để đưa lên trang Facebook của mình những nội dung tốt đẹp, có giá trị. Khi đọc từ các trang bạn, thấy có thông tin hấp dẫn, muốn chia sẻ thì cần bình tĩnh, xem xét kỹ lưỡng để tránh trường hợp phát tán thông tin sai.

Cẩn trọng trong việc kết bạn. Những người bạn của ta là nhân tố tạo nên mạng xã hội của riêng ta, tính khí của những người bạn ấy sẽ tạo nên “môi trường” cho mạng xã hội của ta. Vậy nếu trang Facebook của ta có nhiều người bạn tốt, tài giỏi, đáng mến thì nó sẽ thành một tài sản quý cho chính ta.

Chúc mọi người làm giàu thêm cho mình bằng tài sản đang có sẵn, đó là tài khoản Facebook của chính mình.


Phạm Hoài Nhân
Lao động Đồng Nai Xuân 2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét