Thứ Hai, 29 tháng 1, 2018

Việt Nam sẽ là trung tâm sản xuất lớn về thiết bị di động?

Vừa qua, Qualcomm - nhà sản xuất vi xử lý hàng đầu thế giới đã công bố những chiến lược kinh doanh mới trong năm 2018, qua đó ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Đông Dương cho biết, Qualcomm đặt Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất lớn và hỗ trợ cho các công ty Việt Nam tham gia vào việc thiết kế, sản xuất các thiết bị, xuất khẩu ra thế giới.

Ba mục tiêu lớn cho thị trường Việt Nam

Ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Đông Dương

Ông Thiều Phương Nam cho biết, Việt Nam là thị trường lớn về sức tiêu thụ sản phẩm của Qualcomm. Bên cạnh đó, Việt Nam đã trở thành trung tâm thiết kế, sản xuất rất lớn trên thế giới về thiết bị di động, và có thể xuất khẩu sang nước khác, đồng thời vẫn dùng công nghệ của Qualcomm. Từ đó, Qualcomm đặt 3 mục tiêu lớn cho thị trường nước ta.


Thứ nhất là thúc đẩy sự phát triển của công nghệ di động mới, mở rộng thị trường, đem lại lợi ích cho người dùng. Trước đây là 3G, khi Qualcomm vào Việt Nam lúc có CDMA, chuẩn bị 3G, 4G và hiện nay là 5G. Lợi ích về mặt thương mại lớn hơn, đem lại cơ hội lớn cho Qualcomm khi ứng dụng công nghệ mới.

Thứ hai là thúc đẩy các công ty bán smartphone tại Việt Nam dùng bộ vi xử lý Snapdragon.

Thứ ba là Qualcomm đặt Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất lớn và hỗ trợ cho các công ty Việt Nam tham gia vào việc thiết kế, sản xuất các thiết bị, xuất khẩu ra thế giới.

Việt Nam cần hướng tới những công nghệ dài hơi

Cũng theo ông Thiều Phương Nam, thị trường công nghệ nói chung đang chuyển dịch rất nhanh. Do đó, để bắt kịp với thế giới, Việt Nam cần hướng tới những công nghệ dài hơi, như giải trí trong ô tô, IoT, hay điện toán di động.

Ví dụ, trong lĩnh vực ô tô, Qualcomm đã kết hợp cùng Jaguar Land Rover để đưa ra các giải pháp kết nối vào những chiếc xe hơi thế hệ mới. Các giải pháp ô tô Snapdragon được thiết kế để hỗ trợ những nỗ lực của các nhà sản xuất ô tô trong việc cung cấp những trải nghiệm phong phú, trực quan cho người dùng.

Hay như trong lĩnh vực IoT, Qualcomm đang hỗ trợ các tính năng Android Things và Google Assistant. Giải pháp này được thiết kế nhằm cho phép các nhà sản xuất thiết bị gốc (original equipment manufacturers - OEM) dễ dàng tạo ra những sản phẩm loa thông minh, khác biệt, với khả năng hỗ trợ tương tác bằng giọng nói.

Mới đây nhất, Qualcomm đã công bố việc Nền tảng Âm thanh Thông minh Qualcomm đã được Amazon chứng nhận khả năng hỗ trợ dịch vụ giọng nói Alexa (Alexa Voice Service - AVS). Nền tảng tham chiếu hàng đầu này kết hợp các khối cấu thành phần cứng và phần mềm cần thiết để hỗ trợ việc thương mại hóa nhanh chóng những sản phẩm loa thông minh và các giải pháp âm thanh được nối mạng, và đó cũng là thiết kế tham chiếu hệ thống và xử lý âm thanh toàn diện đầy đủ đầu tiên được công bố dành cho AVS từ một nhà cung cấp giải pháp duy nhất.

Những nhận định về sản phẩm thiết bị di động của Việt Nam

Chia sẻ về việc các sản phẩm thiết bị di động của Việt Nam thị phần vẫn còn thấp, ông Thiều Phương Nam nói rằng: “Chúng ta nhìn lại Đài Loan làm một ví dụ. Họ xây dựng một ngành công nghiệp thiết kế, sản xuất các thiết bị công nghệ cao không giống các ngành công nghiệp khác như chúng ta tham gia vào làm sản xuất. Chúng ta không nên kỳ vọng ngành phát triển nhanh, như Trung Quốc, Đài Loan cũng mất 10-15 năm, vì đầu tư công nghệ cao thì cần thời gian. Đối với trường hợp Bphone 2 so với Bphone 1 đã có sự khác biệt lớn về chất lượng, nghĩa là yếu tố đầu tư cho chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, thành công thương mại trên thị trường còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác nhau, ví dụ yếu tố thị trường, xây dựng thương hiệu, lòng tin người tiêu dùng, chương trình bán hàng”.

Ông Thiều Phương Nam cho biết, hiện nay smartphone là ngành công nghiệp rất lớn trên thế giới. Hiện có khoảng 4, 5 nhà sản xuất lớn trên thế giới nắm hơn một nửa thị trường toàn cầu. Chúng ta nghe nhiều đến những thương hiệu như Oppo, Vivo, Xiaomi... Để Trung Quốc trở thành một nơi sản xuất nhiều thương hiệu smartphone lớn trên thế giới, đất nước này phải cần 10-15 năm. Trước đây, xu hướng chuyển dịch từ những trung tâm công nghệ đầu tiên xuất phát từ Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan đến Trung Quốc, nhưng hiện tại xu hướng chuyển sang Việt Nam. Ví dụ này chứng tỏ cơ hội cho Việt Nam là rất lớn. Hiện nay Việt Nam là một trung tâm rất lớn về sản xuất, thế nhưng về thiết kế lại còn phụ thuộc nhiều.

Ông Thiều Phương Nam nhận định: “Trong thời gian sắp tới, IoT đã là một cuộc chơi khác, đồng thời cũng là cơ hội rất lớn cho Việt Nam. Để Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội này, dựa trên kinh nghiệm Qualcomm làm việc với các công ty Việt Nam, tôi thấy có 2 điểm các công ty Việt Nam cần chú trọng thêm.  Một là các kỹ năng cần thiết trong lĩnh vực công nghệ di động, ví dụ như thiết kế antenna. Chúng ta vẫn chưa có nhiều kỹ sư chuyên sâu trong lĩnh vực này, trong khi nhu cầu về anttena ngày càng khó đối với 4G, 5G vì việc thiết kế khó gấp mấy lần so với thiết kế anttena của điện thoại 2G. Ngày nay, hầu hết mọi người dùng smartphone để chụp ảnh. Do đó, kỹ năng có thể đưa ra những chiếc điện thoại di động có thể chụp hình tốt cũng là một kỹ năng đặc biệt và khá mới ở Việt Nam. Có rất nhiều kỹ sư Việt Nam tham gia vào những dự án hàng đầu thế giới. Việt Nam rất giỏi, nhưng vẫn cần thời gian. Thách thức thứ hai của Việt Nam là nguồn vốn cho những công ty công nghệ. Đầu tư vào các công ty công nghệ có rủi ro rất cao. Bên nước ngoài họ có một hệ thống đầu tư mạo hiểm cho những công ty công nghệ khá là tốt. Do đó, các công ty công nghệ phát triển tốt. Đầu tư công nghệ chính là đầu tư mang nhiều rủi ro. Việc sẵn sàng về nguồn vốn cho những ý tưởng tốt là vấn đề mà Chính phủ Việt Nam có thể giúp. Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc họ phát triển nhanh như vậy vì trong giai đoạn đầu chính phủ có chính sách hỗ trợ”.

Thái Thư
Lao động Đồng Nai - 29/01/2018
Box:

Qualcomm Incorporated là một công ty bán dẫn toàn cầu của Mỹ chuyên thiết kế và tiếp thị các sản phẩm và dịch vụ viễn thông không dây, có trụ sở tại San Diego, California, Mỹ, với có 224 văn phòng trên toàn thế giới.


Qualcomm hiện diện bên trong hầu hết smartphone tên tuổi bán ra ở thị trường thế giới, các smartphone này đều có “trái tim” là Snapdragon – hệ thống vi xử lý tích hợp (chipset) nổi tiếng của Qualcomm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét