Khi người dùng post lên Facebook một bức ảnh, Facebook tự động nhận ra
từng người trong ảnh và gắn thẻ tên (tag) vào. Tính năng này thật thú vị và tiện
lợi, thế nhưng vì nó mà mới đây Facebook đã phải chấp nhận chi trả 550 triệu
USD để dàn xếp vụ kiện thu thập dữ liệu gương mặt.
Vụ dàn xếp để giải quyết kiện cáo liên quan tới bảo mật
thông tin tốn kém nhất trong lịch sử
Khi bạn post một ảnh lên
Facebook, nó sẽ tự động nhận dạng các khuôn mặt có trong ảnh và gắn thẻ tên vào.
Facebook đã bị buộc tội vi phạm Luật bảo mật thông tin sinh
trắc Illinois năm 2008, trong đó quy định các doanh nghiệp không được thu thập
thông tin sinh trắc của khách hàng khi chưa được phép. Bang Illinois là bang
duy nhất tại Mỹ có luật bảo mật thông tin sinh trắc. Nguyên đơn đã cáo buộc
Facebook sử dụng các dấu hiệu nhận diện gương mặt để hỗ trợ cho tính năng gắn
thẻ vào hình ảnh.
Ngày 29-1, Facebook đã đồng ý chi trả 550 triệu USD để dàn
xếp cáo buộc này. Đây là vụ dàn xếp để giải quyết kiện cáo liên quan tới bảo
mật thông tin tốn kém nhất trong lịch sử. Facebook không thừa nhận sai phạm khi
dàn xếp vụ kiện, nhưng họ đồng ý sẽ hỏi ý kiến người dùng trước khi thu thập
thông tin trong tương lai.
Như đã nêu trên, Illinois là bang duy nhất tại Mỹ có luật
bảo mật thông tin sinh trắc nên vụ kiện tương tự không xảy ra trên toàn nước Mỹ.
Ở Việt Nam lại càng không, dù Facebook vẫn thường xuyên tag ảnh cho bạn. Tuy
nhiên, qua vụ kiện này, chắc chắn Facebook phải có những điều chỉnh về việc tự động
tag ảnh, có tác động đến tất cả mọi nơi.
Facebook đã tắt tính năng tự động nhận dạng khuôn mặt từ
tháng 9-2019
Nhận dạng khuôn mặt được Facebook giới thiệu lần đầu vào
tháng 12-2017. Facebook giải thích công nghệ nhận dạng khuôn mặt của mình như
sau:
Công nghệ nhận dạng khuôn mặt dùng để phân tích ảnh và
video trên Facebook mà chúng tôi cho rằng có mặt bạn (chẳng hạn như ảnh đại
diện, ảnh và video mà bạn được gắn thẻ) để tạo ra con số duy nhất cho bạn, gọi
là hình mẫu. Khi bạn bật cài đặt nhận dạng khuôn mặt, chúng tôi sẽ tạo hình mẫu
dành cho bạn. Hình mẫu này dùng để so sánh với các ảnh, video và những nơi khác
có sử dụng camera (như video trực tiếp) để nhận dạng xem bạn có xuất hiện trong
nội dung đó không. Lưu ý rằng chúng tôi không chia sẻ hình mẫu của bạn với bất
kỳ ai.
Tính năng này vấp phải những ý kiến phản đối, cho rằng Facebook
tự động thu thập dữ liệu sinh trắc học mà không xin phép người dùng. Vụ kiện tại
bang Illinois nêu trên đã khởi nguồn từ tháng 8-2019, khiến cho Facebook phải tắt
tính năng tự động nhận diện khuôn mặt từ tháng 9-2019 để có thể dàn xếp vụ cáo
buộc, và dẫn đến việc chấp nhận chi trả 550 triệu USD hôm 29-1.
Trước đây, tính năng Nhận dạng khuôn mặt được mặc định là Có,
nhằm giúp Facebook có thể tìm ra người dùng trong hình ảnh và tự động tag họ. Bắt
đầu từ ngày 4-9-2019, tính năng Nhận dạng khuôn mặt được mặc định là Không. Facebook
sẽ hiển thị thông báo trong News Feed nếu người dùng muốn bật.
Người dùng có thể xem mình đang bật hay tắt tính năng Nhận
dạng khuôn mặt (Face Recognition) bằng cách vào Cài đặt > Quyền riêng tư
> Nhận dạng khuôn mặt. Trong mục này, sẽ xuất hiện câu hỏi “Bạn có muốn
Facebook có thể nhận dạng mình trong ảnh hoặc video hay không?”, đi kèm tùy
chọn có hoặc không.
Công nghệ nhận dạng khuôn mặt vẫn đang gây nhiều tranh cãi
Không chỉ Facebook, nhiều công ty khác đầu tư mạnh mẽ vào công
nghệ nhận dạng khuôn mặt, trong đó nổi trội nhất có lẽ là Google. Người dùng có
thể thấy rất rõ hiệu quả của công nghệ này khi sử dụng Google Photo. Với mỗi ảnh
lưu trong Google Photo, Google có thể nhận ra từng nhân vật trong đó dù ở nhiều
tư thế khác nhau, như quay nghiêng, cười, khóc… Độc đáo nhất là Google có thể
nhận ra với độ chính xác khá cao ảnh của nhân vật khi còn bé hoặc đã già, gương
mặt có hóa trang, ảnh thoáng qua…
Những năm gần đây các phần mềm nhận diện khuôn mặt ngày càng
phổ biến. Chúng được dùng tại các sân say, tiền sảnh, trung tâm mua sắm, thậm
chí dùng trong thi hành luật pháp. Thị trường công nghệ nhận diện khuôn mặt
đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Theo báo cáo “Thị trường nhận diện gương
mặt” của Component, giá trị của ngành công nghiệp này sẽ tăng từ 3,2 tỉ USD
trong năm 2019 lên 7 tỉ USD trong năm 2024 chỉ riêng tại Mỹ. Hiện nay, công
nghệ nhận diện khuôn mặt chủ yếu được dùng trong giám sát và marketing. Tuy
vậy, khi công nghệ nhận diện khuôn mặt được dùng trong luật pháp thì nhiều vấn đề
phát sinh. Mặt tốt của nó là giúp ngăn chặn và giải quyết các vụ án hình sự, nhưng
công nghệ này vẫn nhận nhiều chỉ trích vì những rủi ro tiềm tàng.
Vấn đề đầu tiên, công nghệ nhận diện khuôn mặt vẫn chưa thực
sự hoàn thiện. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng công nghệ này vẫn chưa định vị
chính xác 100% những đối tượng da màu, đặc biệt là những phụ nữ da đen. Việc
này dẫn tới vấn đề tiếp theo: sử dụng công nghệ nhận diện gương mặt trong hành
pháp khiến nhiều người lo ngại vấn đề bị kết tội sai do trục trặc trong xác
định khuôn mặt. Nhiều người bày tỏ lo ngại bị xâm hại quyền công dân cơ bản
cùng quyền riêng tư khi chứng kiến sự bành trướng của công nghệ nhận diện khuôn
mặt, đặc biệt là trong hệ thống luật pháp. Hiện tại Trung Quốc đã ứng dụng công
nghệ nhận diện khuôn mặt trong giám sát việc tuân thủ luật giao thông của người
đi bộ và xác định các tội danh nhỏ khác.
Tại Mỹ, nhiều địa phương đã bắt tay vào phòng ngừa những rủi
ro nêu trên. Oregon và New Hamsphire đã cấm cảnh sát sử dụng công nghệ nhận
diện gương mặt trên các camera quay toàn thân. Quan chức tại một vài thành phố
của bang California, chẳng hạn như San Francisco và Oakland, cũng không được
phép sử dụng công nghệ nhận diện gương mặt trong quá trình hành pháp.
Pháp luật không phải là ngành duy nhất hứng chịu rủi ro khi
ứng dụng công nghệ nhận diện gương mặt. Cục hải quan và biên phòng Hoa Kỳ gần
đây đã ứng dụng công nghệ quét gương mặt tại sân bay Atlanta và các cổng lên
máy bay ở Minneapolis và Salt Lake City, dấy lên lo ngại bị giám sát và rủi ro
thông tin bị đánh cắp bởi tội phạm công nghệ cho những khách hàng sử dụng các
sân bay nói trên.
Evan Greer, tổng giám đốc của tổ chức xã hội Fight for the
Future (Chiến đấu vì tương lai) nhận định “Công nghệ nhận diện gương mặt không
cần xuất hiện trong xã hội. Đây là công nghệ mang tính xâm phạm sâu sắc. Tiềm
năng gây hại cho xã hội và sự tự do của con người của công nghệ này vượt xa
những lợi ích mà nó đem lại.”
Thái Thư
Báo Đồng Nai - 03/02/2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét