Thứ Hai, 16 tháng 7, 2018

Android tròn 15 năm


Thời điểm này cách đây 13 năm, Google hoàn tất thương vụ mua Android, một start-up chưa đầy 2 năm tuổi với giá 50 triệu USD. Đây là một cái giá cực kỳ “bèo bọt” nếu so sánh với giá của chính Google mua các công ty khác ở cùng thời điểm. Ví dụ, vào năm 2006 Google đã mua YouTube với giá 1,65 tỷ USD.

Mua Android là thương vụ thành công nhất của Google

Thuở ban đầu vô danh của Android

Công ty Android do Andy Rubin, Rich Miner,  Nick Sears và Chris White thành lập tại Palo Alto, California vào tháng 10-2003. Theo lời của Rubin, mục đích của công ty là để phát triển “các thiết bị di động thông minh hơn có thể biết được vị trí và sở thích của người dùng”. Công ty Android hoạt động một cách âm thầm, chỉ tiết lộ rằng họ đang làm phần mềm dành cho điện thoại di động.


Có thời gian Android đã gần như phải ngừng hoạt động hoàn toàn. Theo Business Insider, có những lúc khó khăn đến mức Rubin phải hỏi Steve Perlman – một nhà đầu tư – để xin thêm tiền đầu tư. Perlman thực sự đã đi đến một ngân hàng và lấy ra 10.000 USD tiền mặt và đưa nó trực tiếp cho Rubin. Một ngày sau khi giao dịch tiền mặt đó, Rubin đã chi một số tiền (chưa rõ là bao nhiêu) để Android tiếp tục hoạt động.

Google yêu cầu gặp gỡ những người đồng sáng lập của Android vào tháng 1-2005 để xem họ có thể giúp công ty hay không. Trong một cuộc họp kế tiếp, những người đồng sáng lập Android đã giới thiệu một nguyên mẫu hệ điều hành này cho Larry Page và Sergey Brin của Google. Nó dường như đủ tốt, bởi vì Google đã rất nhanh chóng đề nghị mua Android với giá 50 triệu USD.

Nhóm nghiên cứu đã chính thức chuyển đến khuôn viên của Google ở Mountain View, California vào ngày 11-7-2005. Đó được coi là ngày Google chính thức mua lại Android. Tuy nhiên, tin tức về việc Google mua Android chỉ được công bố vài tuần sau đó, vào tháng 8-2005.

Hai năm sau, hệ điều hành Android ra mắt (năm 2007) và được đón nhận bằng một thái độ thờ ơ. Mặc dù lúc đó các công ty công nghệ có tiếng tăm hợp tác cùng Google để tạo ra Liên minh thiết bị di động mở, người ta vẫn không tin rằng các nhà sản xuất sẵn sàng thay thế hệ điều hành mà họ đang dùng bằng Android. Các đối thủ sừng sỏ như Nokia và Microsoft tỏ ra xem thường hệ điều hành mới mẻ này. Nokia nói rằng “chúng tôi không xem đó là một sự đe dọa”, còn một thành viên trong nhóm Windows Mobile của Microsoft nói rằng “tôi không hiểu rồi họ sẽ có tác động ra sao”.

Android thống lĩnh thị trường

Android có mặt trên hầu hết mọi smartphone hiện nay

Bất chấp thái độ thờ ơ, coi thường của giới công nghệ, cũng như cái giá rẻ mạt 50 triệu USD mà Google đã mua, Android đã phát triển để trở thành hệ điều hành dành cho điện thoại thông minh phổ biến nhất trên thế giới. Các nhà bình luận nhấn mạnh rằng bản chất mã nguồn mở của hệ điều hành chính là một trong những yếu tố quyết định sức mạnh, cho phép các công ty khác đổi hướng phần mềm và phát hành những phần cứng chạy trên phiên bản Android đã thay đổi của riêng họ. Hiện nay, Android “đương nhiên là hệ điều hành mặc định khi phát hành phần cứng mới” cho những công ty không có nền tảng di động riêng của họ. Chính sự mở và uyển chuyển này cũng hiện diện ở cấp độ người dùng cuối: Android cho phép người dùng điện thoại điều chỉnh thoải mái thiết bị của họ và ứng dụng thì có sẵn trên các cửa hàng ứng dụng và trang web không phải của Google.

Công ty nghiên cứu thị trường Canalys đã ước tính trong quý 2 năm 2009 rằng Android có 2,8% thị phần điện thoại thông minh được bán ra toàn cầu. Đến quý 4 năm 2010 con số này tăng lên 33% thị phần, trở thành nền tảng điện thoại thông minh bán chạy hàng đầu. Đến quý 3 năm 2011 Gartner ước tính rằng hơn một nửa (52,5%) thị trường điện thoại thông minh thuộc về Android. Đến quý 3 năm 2012 Android đã có 75% thị phần điện thoại thông minh toàn cầu theo nghiên cứu của hãng IDC. Theo ước tính mới nhất của hãng nghiên cứu thị trường Gartner thì Android đã được sử dụng trên 86% smartphone mới tung ra thị trường thế giới trong quý đầu tiên của năm 2018.

Vào tháng 7-2011, Google nói rằng có 550.000 thiết bị Android mới được kích hoạt mỗi ngày, đỉnh điểm là 400.000 máy một ngày vào tháng 5, và có hơn 100 triệu thiết bị đã được kích hoạt với mức tăng 4,4% mỗi tuần. Vào tháng 9-2012, 500 triệu thiết bị đã được kích hoạt với 1,3 triệu lượt kích hoạt mỗi ngày.

Vào tháng 5-2017, Google tiết lộ rằng có hơn hai tỷ người dùng Android hoạt động hàng tháng và con số này có lẽ đã tăng lên rất nhiều tính đến thời điểm hiện tại. Bên cạnh điện thoại thông minh, Android còn được sử dụng cho smartwatch, máy tính bảng, TV thông minh, ô tô và nhiều thứ khác. Quan trọng hơn, sự ra mắt của Android đã giúp Google trở thành một trong những công ty lớn nhất và có ảnh hưởng nhất trên thế giới.

Có một vấn đề khiến nhiều người thắc mắc: Hệ điều hành Android dùng trên thiết bị di động được cung cấp miễn phí, vậy Google thu được gì khi đầu tư vào đây?

Thông tin này luôn được Google giữ “kín như bưng”, tuy nhiên trong vụ kiện của Oracle với Google thông tin đã bất ngờ bị tiết lộ. Theo đó, tuy có tiếng là một hệ điều hành “miễn phí”, Android vẫn là một nguồn thu cho Google từ những kênh như doanh thu trong ứng dụng ở cửa hàng Google Play. Đây là một thông tin rất nhạy cảm với Google, đại diện của hãng này đã đề nghị thẩm phán giữ bí mật thông tin trên nhưng không thành. Mặc dù phần biên bản trên đã được ẩn khỏi trang lưu trữ của tòa án, nhưng thông tin vẫn kịp đến với giới báo chí. Theo phía Google, chỉ những luật sư và phía toà án mới được biết thông tin này. Theo bà Annette Hurst, luật sư của Oracle tại phiên tòa xét xử vụ kiện Google , Google đã thu được 31 tỷ USD từ hệ điều hành Android trong 8 năm qua, với lợi nhuận là 22 tỷ USD.

Như vậy, với 50 triệu USD mua Android, đây quả là một thương vụ thành công đến mức không tưởng của Google. Rất khó có một thương vụ nào khác, nếu không muốn nói là không thể, có thể tái hiện được thành công này.

Phạm Hoài Nhân
Lao Động Đồng Nai - 16/07/2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét