Thứ Ba, 7 tháng 8, 2018

Cho vay ngang hàng – một hình thức vay tiền theo kiểu… Uber


Vài năm gần đây, tiếp theo sau sự bùng phát của mô hình kinh tế chia sẻ mà điển hình là dịch vụ cho thuê xe Uber, một dịch vụ theo mô hình trên, nhưng trong lĩnh vực tài chính đã phát triển mạnh tại nhiều nơi trên thế giới, gần đây đã xuất hiện tại Việt Nam: đó là dịch vụ cho vay ngang hàng.

Cho vay ngang hàng là gì?

Trước hết xin được nhắc lại mô hình kinh tế chia sẻ qua ví dụ minh họa là Uber: Uber là ứng dụng chia sẻ phương tiện vận chuyển. Có những người sở hữu xe, không phải là đơn vị dịch vụ vận tải, họ có thời gian không sử dụng đến xe của mình và muốn tận dụng thời gian đó làm dịch vụ vận chuyển để kiếm thêm thu nhập. Uber tiếp nhận nhu cầu đó, đưa lên mạng, và những người cần di chuyển có thể tìm thấy (qua smartphone) để sử dụng dịch vụ.

Trong trường hợp này, người thực hiện nhiệm vụ vận chuyển không cần là đơn vị vận chuyển chuyên nghiệp, do đó đối tượng này có rất nhiều, người cần vận chuyển có sự chọn lựa phong phú hơn, tiện lợi hơn.


Bây giờ xét qua chuyện vay – cho vay. Theo truyền thống, người muốn vay tiền sẽ liên lạc với ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng khác. Trong khi đó có nhiều người có tiền nhàn rỗi, muốn cho vay để có thêm thu nhập nhưng lại không thể biết ai có nhu cầu vay và cũng không có chức năng cho vay. Một ứng dụng kiểu như Uber hoặc Grab nhưng trong lĩnh vực tài chính sẽ kết nối hai đối tượng này lại với nhau để thực hiện giao dịch. Đấy là cho vay ngang hàng.

Cho vay ngang hàng có tên quốc tế là peer to peer lending, thường được viết tắt là cho vay P2P. Đây là mô hình kinh doanh sử dụng các dịch vụ online để kết nối nhà đầu tư với cá nhân hay doanh nghiệp muốn vay. Nhà nghiên cứu Morgan Stantley cho rằng: Trong tương lai không xa, chắc chắn mô hình cho vay P2P sẽ trở thành xu hướng phát triển rộng khắp thị trường trên thế giới.

Sơ đồ hoạt động của mô hình cho vay ngang hàng

Sự phát triển mô hình cho vay ngang hàng trên thế giới

Trên thế giới, các mô hình cho vay ngang hàng đang phát triển bùng nổ. Mô hình này lần đầu tiên xuất hiện ở Anh (Zopa, Funding Circle), sau đó thành công tại thị trường Mỹ (Lending Club, Prosper, SoFi, OnDeck, Avant) và đạt đỉnh tại Trung Quốc (Lufax, JimuBox, Dianrong, PPdai, Renrendai). Theo thống kê năm 2015 của Prime Meridian Capital Management và China News, thị trường cho vay ngang hàng tại Mỹ đạt khoảng 18 tỷ USD, tại Trung Quốc là 150 tỷ USD về quy mô giao dịch. Một báo cáo của PricewaterhouseCoopers dự báo quy mô giao dịch tại thị trường Mỹ có thể tăng lên đến 150 tỷ USD vào năm 2025.

Theo nhận định của các chuyên gia, mô hình này sẽ còn phát triển hơn nữa và hoàn toàn có thể thay thế cho hoạt động ngân hàng truyền thống trong tương lai. Sở dĩ mô hình này có thể phát triển như vậy là nhờ vào tính năng ưu việt sử dụng hệ thống dữ liệu BigData và ứng dụng công nghệ thông tin trên điện thoại, nhờ đó những người có nhu cầu vay có thể tiếp cận khoản tiền đầu tư một cách nhanh chóng, trong khi đó nhà đầu tư lại dễ dàng theo dõi và quản lý nguồn lời nhuận của mình.

Tại Việt Nam, mô hình cho vay ngang hàng bắt đầu xuất hiện vào khoảng cuối năm 2016.

Ưu và nhược điểm của cho vay ngang hàng

Ưu điễm dễ thấy nhất của cho vay ngang hàng là:

-    Tạo thêm nhiều cơ hội đầu tư (cho vay) và vay tiền, người vay và cho vay không cần phải biết nhau.
-    Việc vay tiền được thuận lợi và nhanh chóng hơn, chỉ cần thông qua thao tác trên màn hình điện thoại.
-    Nhờ ứng dụng công nghệ nên các chi phí phát sinh thấp.
-    Mô hình cho vay ngang hàng P2P có tính bảo mật thông tin cao. Công nghệ BigData đảm nhiệm vai trò mã hóa, lưu và kiểm soát tất cả thông tin khách hàng, nhờ đó việc thẩm định thông tin khách hàng sẽ diễn ra nhanh hơn và rẻ hơn với những hình thức truyền thống.

Tuy nhiên, do đây là mô hình quá mới mẻ nên việc quản lý chưa thể chặt chẽ, độ rủi ro cao hơn, nợ xấu cao hơn. Chưa kể một số trường hợp lợi dụng hình thức này để cho vay tín dụng đen. Tại Việt Nam, trong khi hoạt động của các ngân hàng và tổ chức tín dụng được quy định rất rõ (mà vẫn còn xảy ra tiêu cực) thì trong lĩnh vực cho vay P2P này hầu như chưa hề có quy định gì cả!

Sự chao đảo của thị trường cho vay P2P ở Trung quốc

Tháng 7-2018, thị trường cho vay ngang hàng tại Trung quốc – được xem là lớn nhất thế giới – có những dấu hiệu sụp đổ. Ngành công nghiệp cho vay P2P tại đây đang rơi vào tình cảnh chao đảo với một loạt vụ phá sản khiến thị trường rúng động.

Theo số liệu thống kê của Yingcan Group có trụ sở tại Thượng Hải, chỉ trong tháng 7-2018 có đến trên 100 nền tảng cho vay P2P đã sụp đổ. Con số nói trên - bao gồm cả các nền tảng đang tạm thời ngừng hoạt động hoặc đang bị cảnh sát điều tra – là cao nhất trong 2 năm trở lại đây.

Suốt 2 năm qua nỗ lực giảm thiểu rủi ro cho hệ thống tài chính của chính phủ Trung Quốc đã gây ra sức ép lớn cho mô hình cho vay ngang hàng. Những tháng gần đây áp lực lại gia tăng đáng kể sau khi thị trường tín dụng bị thắt chặt và cơ quan giám sát ngành ngân hàng của Trung Quốc phát đi một lời cảnh báo bất thường rằng người gửi tiền nên chuẩn bị sẵn tinh thần mất trắng số tiền đã đầu tư vào các sản phẩm lãi suất cao.

Số liệu chính thức cho thấy các nền tảng cho vay ngang hàng ở Trung Quốc có khoảng 50 triệu người đăng ký và có khoảng 192 tỷ USD nợ xấu với lãi suất trung bình 10,2%. Chủ yếu là khách hàng cá nhân sẵn sàng chi trả mức lãi cao do không thể tiếp cận với các kênh ngân hàng chính thống. Những nền tảng tốt có tỷ lệ vỡ nợ 0% nhưng ở những nền tảng tệ nhất tỷ lệ vỡ nợ có thể lên đến 35%.

Tại Việt Nam, dù hiện nay chưa có lời cảnh báo nào đưa ra nhưng xin được nhắc lại: ngay thời điểm Uber mới vào Việt Nam đã có rất nhiều tranh cãi  về việc quản lý mô hình mới mẻ này, vì thế mô hình cho vay P2P vốn có những tính chất nhạy cảm hơn rất nhiều do thuộc lĩnh vực tài chính chắc chắn sẽ cần được quản lý chặt chẽ hơn rất nhiều (thậm chí có thể bị cấm triển khai). Những cá nhân, đơn vị nào tham gia vào lĩnh vực này tại Việt Nam (dù vay hay cho vay) cần phải hết sức cẩn trọng.

Phạm Hoài Nhân
Lao động Đồng Nai - 06/08/2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét