Thứ Hai, 17 tháng 9, 2018

Thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam lại có nhiều chuyển biến


Ra mắt tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 1-8-2018, mới đây nhân dịp ra mắt tiếp theo tại Hà Nội, ông Nadiem Makarim - Tổng giám đốc, nhà sáng lập Go-Jek (Indonesia), công ty mẹ của Go-Viet - cho biết Go-Viet đang nắm giữ 35% thị phần. Cùng lúc đó, ứng dụng gọi xe thuần Việt Go-ixe ra mắt tại TP Hồ Chí Minh, hứa hẹn nhiều cạnh tranh hấp dẫn với cả hai “đại gia” Grab và Go-Viet.

Có thật là Go-Viet đã chiếm 35% thị phần?

Mặc dù đây là tuyên bố chính thức của tổng giám đốc Go-Jek (Indonesia) – công ty mẹ của Go-Viet – nhưng giới chuyên gia tỏ ra nghi ngờ về số liệu này. Bởi vì ngay cả Grab, hay Uber trước đây cũng chưa từng dám lên tiếng khẳng định chiếm được bao nhiêu thị phần. Các chuyên gia cho rằng không thể xác định chính xác thị phần tại thị trường này khi việc định danh loại hình chưa rõ ràng, chính cơ quan nhà nước cũng khó lòng xác định tỷ lệ chiếm lĩnh thị phần của bất cứ doanh nghiệp nào trong lĩnh vực gọi xe công nghệ. Chỉ có thể xác định rằng Go-Viet đã chiếm được thị phần khá lớn trong một thời gian ngắn sau khi ra mắt.


Mặt khác, sau những sức hút mạnh ban đầu do những chương trình khuyến mãi lớn, tại TP. Hồ Chí Minh sức hút của Go-Viet đã giảm dần khi các chương trình ấy không còn nữa hoặc giảm mức độ, đồng thời lại có khuyến mãi từ Grab hoặc các đối thủ cạnh tranh khác.

Go-ixe có mặt tại TP Hồ chí Minh

Giao diện ứng dụng Go-ixe

Go-ixe không phải là một công ty mới. Ứng dụng gọi xe Go-ixe có chức năng tương tự Uber, Grab, được một chàng thanh niên trẻ là Hàng Bá Trí, sinh năm 1984, quê tại Bến Tre, cho ra đời năm 2016. Trí từng theo học ngành công nghệ thông tin tại Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TP.HCM. Sau khi tốt nghiệp, năm 2006 anh vào làm việc tại một công ty Nhật Bản và đã có kinh nghiệm hơn 10 năm tại trong lĩnh vực phần mềm, từ vị trí nhân viên đến quản lý sản phẩm. Năm 2016, Trí quyết định nghỉ việc và thành lập Go-ixe, ứng dụng gọi xe tương tự như Uber và Grab.

Nếu theo dõi thị trường, người ta sẽ thấy ở thời điểm đó cả Uber lẫn Grab phát triển mạnh ở những thành phố lớn, trong đó chủ yếu là Hà Nội và TPHCM. Ở những vùng khác, sự phát triển chậm, thậm chí không có dịch vụ gọi xe này, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long. Nắm được đặc điểm này, tận dụng thế mạnh đồng bằng sông Cửu Long là quê hương của mình, dịch vụ Go-ixe của Hàng Bá Trí quyết nhanh tay chiếm lĩnh thị trường. Sau hai năm, ứng dụng đã triển khai tại 8 tỉnh thành, gồm Bắc Giang, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Cần Thơ, An Giang, Bạc Liêu và Sóc Trăng.

Ngày 12-9, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cùng Công ty TNHH Công nghệ Phần mềm Go-ixe đã tổ chức họp báo công bố triển khai kế hoạch thí điểm Go-ixe tại địa bàn TP.HCM. Anh Hàng Bá Trí cho biết: “Trong 2 năm triển khai tại các địa phương nêu trên, chúng tôi không thu phí mà chủ yếu học thêm kinh nghiệm, hoàn thiện mình để bước vào các thị trường lớn”.

Go-Ixe cho biết họ tin rằng sẽ giành được thị phần tại TP HCM trước những ông lớn như Grab, Go-Viet với ưu thế là ứng dụng Go-ixe được xây dựng dựa trên nhu cầu đi lại, chính sách và cả am hiểu tâm lý địa phương. Go-ixe khẳng định giá cước mà đơn vị áp dụng tại TP HCM sẽ bằng hoặc thấp hơn các ứng dụng công nghệ khác. Ngoài ra, Go-ixe cũng liên kết với ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông… để hỗ trợ tài xế khi đăng ký tham gia và thực hiện giám sát, quản lý tốt trong quá trình hoạt động. Hiện Go-ixe đang triển khai 3 dịch vụ chính, gồm Go-bike, Go-car và Go-taxi.

Thái Thư
Lao động Đồng Nai - 17/09/2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét