Nhờ sự phát triển công nghệ, việc chúc Tết bây giờ đã nhanh chóng và
tiện lợi hơn ngày xưa rất nhiều. Thậm chí người ta có thể gửi hàng loạt lời
chúc Tết đến cho rất nhiều người mà… chẳng cần biết mình chúc cái gì và gửi cho
ai nữa!
Những lời chúc Tết
hàng loạt
Ngày xưa, muốn chúc Tết nhau người ta đến tận nhà, trao nhau
câu chúc ân cần. Bên cạnh đó, người ta có thể gửi cho nhau những cánh thiệp đầu
Xuân để chúc mừng năm mới, điều này càng cần thiết khi ở cách xa, không thể đến
gặp nhau được.
Rồi thì điện thoại phát triển, nếu không thể đến với nhau
thì người ta gọi điện đến hay gửi tin nhắn chúc mừng. Thay cho những cánh thiệp
là những email được người gửi chăm chút kỹ lưỡng để gửi lời chúc mừng đến người
thân, bạn hữu. Có thể xem đây là mặt tích cực của công nghệ, nó giúp mọi người
thể hiện tình cảm, sự quan tâm đến nhau dù không có điều kiện gặp nhau.
Công nghệ phát triển hơn nữa, các công ty công nghệ soạn sẵn
các mẫu hình ảnh và câu chúc, các video clip để người dùng gửi đi. Bây giờ
không chỉ là gửi qua mail nữa mà có vô số công cụ để gửi đi, nhanh chóng và
miễn phí: Messenger, Zalo, Viber… Có nơi còn phát triển các ứng dụng có thể gửi
đồng loạt đến rất nhiều người nhận cùng một lúc. Người dùng không còn phải bận
tâm suy nghĩ xem mình phải chúc như thế nào, phải gửi đến ai nữa mà chỉ việc
chọn mẫu rồi… bấm nút, lời chúc mừng năm mới sẽ “bay đi muôn phương”!
Nhờ sự phát triển công nghệ, số lời chúc mọi người gửi đến
nhau tăng lên đến gấp trăm, gấp ngàn lần. Như vậy phải chăng nhờ công nghệ
người ta đã quan tâm đến nhau nhiều hơn? Câu trả lời có lẽ là Không, mà ngược
lại.
Những tấm thiệp rất đẹp với những câu chúc văn hoa bay bướm
đáng lẽ làm người nhận cảm thấy xúc động thì lại chỉ khiến họ dửng dưng, chẳng
buồn nhìn tới vì chúng… được sản xuất hàng loạt và rập khuôn nhau. Mỗi tấm
thiệp, câu chúc không hề mang nét riêng gì của người gửi và vì thế hầu như
chẳng có chút tình cảm gì trong đó. Ngay cả người gửi, có khi chỉ máy móc lấy
những tên người nhận từ danh bạ điện thoại, trong danh sách bạn bè (ở Facebook,
Zalo, Viber…) rồi gửi những lời chúc này đến (có thể là “máy móc” thực sự nếu
người gửi sử dụng một ứng dụng tự động gửi).
Theo thông lệ, khi nhận lời chúc thì người nhận phải trả lời
đáp lễ. Thế nhưng vì số lời chúc vô cảm như thế này quá nhiều nên khó mà chu
đáo trả lời được. Thế là họ đành phải làm cái việc tương tự như người gửi,
nghĩa là lôi trong danh bạ, trong danh sách bạn bè ra những cái tên để gửi lời
chúc hàng loạt. Kết quả là ta có vô số lời chúc vô cảm gởi cho nhau, chẳng ai
buồn đọc cả!
Tệ hại hơn, có nhiều người gửi lời chúc bằng những đường
link – có thể là video clip, nhạc hay một ứng dụng nào đó – mà khó lòng xác
nhận là đường link đó có… chứa virus hay không. Người nhận vì thế dù có muốn
quan tâm cũng không dám mở ra vì sợ thiết bị của mình bị nhiễm virus. Trên thực
tế tình trạng này rất thường xảy ra, có thể do người gửi vô tình, cũng có thể
do hacker giả dạng làm người chúc Tết. Nhảm nhí hơn nữa, có những gửi lời chúc
Tết kèm theo câu thòng: “Hãy gửi lời chúc này đến 100 người khác, nếu không thì
sẽ…”!
Vẫn có những lời chúc chân tình, thực tâm, nhưng chúng bị
lọt thỏm giữa vô số lời chúc robot vô cảm. Như vậy công nghệ đã vô tình làm
người ta sống khô khan, nhạt nhòa hơn.
Lì xì thời công nghệ
Nếu bạn đã… từng là con nít, chắc bạn đã từng biết được cảm
giác vui sướng khi nhận được những phong bao lì xì đỏ thắm từ người thân. Còn
nếu bạn… đang là con nít, có thể bạn đang dần mất đi cảm giác ấy khi ngày nay
người ta đang chuyển sang lì xì online.
Cách lì xì thông dụng nhất là nạp thẻ điện thoại cho người
khác. Đây là một cách lì xì dễ dàng, chỉ cần người bạn muốn lì xì có sử dụng
điện thoại thì bạn có thể lì xì với mệnh giá thẻ nạp tùy ý, không nhất thiết họ
phải có tài khoản ngân hàng. Đơn giản hơn, ta có thể mua thẻ cào và tự mình lì
xì vào tài khoản di động của người khác. Đơn giản hơn nữa là… cứ ra đại lý thẻ
cào nhờ người ta nạp dùm.
Hiện đại hơn, bạn có thể tận dụng loại hình tiền điện tử để
lì xì mà ở đó các ứng dụng ví điện tử phổ biến như Momo, Appota, ZaloPay… đang cạnh
tranh nhau thu hút người dùng sử dụng ứng dụng lì xì của mình với nhiều hình
thức thể hiện.
Ví dụ về lì xì qua ví
Appota
Những “công nghệ lì xì” này là điều mà thế hệ cha ông chúng
ta không thể tưởng tượng ra được. Công nghệ đã giúp người dùng có thể lì xì đến
nhiều người, ở nhiều nơi khác nhau mà không cần đến tận nơi, trao tận tay. Tuy
nhiên có chút gì đó khiến ta phải suy nghĩ, luyến tiếc…
Sẽ không có cảnh ông bà cha mẹ ân cần trao tay cho con cháu
phong bao lì xì đỏ. Sẽ không có cảnh em bé mắt xoe tròn hạnh phúc nhận tiền lì
xì, khoanh tay cảm ơn và chúc cha mẹ ông bà sống lâu trăm tuổi.
Công nghệ giúp chúng ta làm việc, hoạt động nhanh chóng hơn,
hiệu quả hơn. Vì vậy, công nghệ ngày càng lấn sâu hơn vào mọi lĩnh vực đời
sống, kể cả lĩnh vực mang nhiều yếu tố tình cảm như chúc Tết hay lì xì đầu năm.
Đó là quy luật tất yếu, cái mới sẽ dần thay thế những cái xưa cũ. Chúng ta
không thể viện lẽ hoài cổ để đòi hỏi phải duy trì những tập quán cổ truyền y hệt
như ngày xưa, vì mỗi thời mỗi khác. Tuy nhiên, như ông bà ta đã nói “Của cho
không bằng cách cho”, việc ứng dụng công nghệ phải theo cách thức thế nào đó để
việc gửi những lời chúc mừng năm mới, những món quà lì xì cho nhau phải mang
theo được tấm lòng của người gửi. Chúc mừng năm mới, trao tiền lì xì là những
hành động của những con người dạt dào tình cảm với nhau chứ không nên là hoạt
động khô khan của những cỗ máy.
Phạm Hoài Nhân
Lao động Đồng Nai - 11/02/2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét