Trong 2 ngày 20 và 21-03-2019 đã diễn ra Diễn đàn Internet Việt Nam
2019 tại Hà Nội với sự góp mặt của các chuyên gia đến từ Tổ chức Giáo dục, Khoa
học và Văn hoá Liên hiệp quốc (UNESCO), Bộ Giáo dục & Đào tạo, Viện Khoa
học Giáo dục (KHGD) Việt Nam và Microsoft Việt Nam. Một trong những nội dung
đáng chú ý của Diễn đàn lần này là thảo luận chuyên đề về “Quyền công dân số”.
Các chuyên gia quốc tế
tại Diễn đàn Internet Việt Nam 2019 – VIF19. Ảnh: VIF
Diễn đàn Internet Việt Nam (Vietnam Internet Forum 2019,
VIF19) do Đại sứ quán Thụy Điển, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, Chương trình
Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), UNESCO, Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) và
Trường Đại học Lund (Thụy Điển) đồng tổ chức, diễn ra vào 2 ngày 20 và
21-3-2019. VIF19 có chủ đề là “Công nghệ số cho những điều tốt đẹp” (Digital
for Good), nhằm thảo luận cách thức công nghệ số có thể giúp xây dựng một xã
hội sáng tạo, cởi mở và bền vững.
Trong phiên thảo luận chiều ngày 21-3 về chuyên đề “Quyền
công dân số”, bài tham luận của bà Jonghwi Park, chuyên gia của UNESCO, có một
số điểm rất đáng quan tâm.
Bản nghiên cứu của
UNESCO về quyền công dân số
Bà Jonghwi đã giới thiệu một số điều rút ra từ dự án nghiên
cứu về quyền công dân số đã được UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương thực
hiện trong 2 năm với khoảng 5.000 trẻ em 15 tuổi tại 4 nước gồm Hàn Quốc,
Banglades, Fiji và Việt Nam. Lý do UNESCO đưa ra dự án nghiên cứu về quyền công
dân số là nhằm cung cấp một khuôn khổ thăm dò cho các nước thành viên để các
nước có thể theo dõi và đánh giá năng lực của trẻ em tại nước mình trong lĩnh
vực quyền công dân số, từ đó có được những chính sách giáo dục hiệu quả, phù
hợp, có chứng cứ thực tế.
Dự án nghiên cứu về quyền công dân số của UNESCO châu Á-Thái
Bình Dương tập trung vào 5 phương diện với tổng số 104 câu hỏi, gồm:
- Kiến thức, sự am hiểu về
công nghệ số
- Sự an toàn và khả năng
chống chịu trước ảnh hưởng của công nghệ số
- Sự tham gia trên mạng
- Trí tuệ cảm xúc trên môi
trường số
- Sức sáng tạo, đổi mới trên
môi trường số.
Những kết quả không
quá bất ngờ từ dự án nghiên cứu
Theo kết quả nghiên cứu, với cả 4 quốc gia được khảo sát,
phương diện trẻ em có năng lực nhất là “An toàn và sức đề kháng trên mạng”,
phương diện trẻ em có năng lực thấp nhất là “Sáng tạo và đổi mới số”. Bà
Jonghwi nhận xét: “Kết quả này cho thấy các hệ thống giáo dục của các nước được
khảo sát dường như đều quá chú trọng đến các vấn đề liên quan đến an toàn, chưa
quan tâm nhiều đến khả năng sáng tạo, đổi mới”.
Kết quả nghiên cứu còn cho thấy, việc được phép tiếp cận
công nghệ số tại nhà giúp các em có năng lực về công nghệ số cao hơn. Điều này
cho thấy rằng bên cạnh việc quan tâm kiểm soát sử dụng điện thoại thông minh,
máy tính và các thiết bị số khác của các em thì phụ huynh cần phải tạo điều
kiện cho trẻ em tiếp cận với các thiết bị này nhiều hơn.
Một kết quả khác là nghiên cứu cho thấy tại cả 4 nước khu
vực thành thị trẻ em có kỹ năng tốt hơn so với các em ở khu vực nông thôn. Bà
Jonghwi nhận định: “Điều này cho thấy hố ngăn cách về công nghệ vẫn tồn tại giữa khu vực thành thị và nông thôn ở
các nước. Chúng tôi khuyến nghị các nước có các sáng kiến để giải quyết hố ngăn
cách này, khuyến khích các nước tạo điều kiện để trẻ em được tiếp cận một cách
bình đẳng với công nghệ số, có cơ hội bình đẳng để phát triển quyền công dân
số”.
Và kết quả bất ngờ: Trẻ
em Việt tiếp cận công nghệ số để… chơi là chính!
Theo kết quả nghiên cứu của UNESCO, Việt Nam có tỷ lệ trẻ em
đã được học kỹ năng lập trình tại trường học cao nhất trong 4 nước, tuy nhiên
lại có tỷ lệ thấp nhất về số trẻ tham gia khảo sát cho biết đã từng tự phát
triển các trang web hoặc lập trình các ứng dụng. Bà Jonghwi đặt câu hỏi: “Nếu
trẻ em tại Việt Nam đã được học lập trình tại trường, vậy tại sao các em lại
không tự tạo ra các ứng dụng của mình?”
Bà Jonghwi cũng cung cấp thêm thông tin rằng kết quả khảo
sát cho thấy rất ít giáo viên tại Việt Nam khuyến khích trẻ em học tập trên
mạng.
Nói thêm về vấn đề này, tại hội thảo ông Đỗ Đức Lân, nghiên
cứu viên của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết Viện đã có nghiên cứu về năng
lực số của trẻ em, thực hiện với sự hỗ trợ của UNESCO. Nghiên cứu này thực hiện
với 551 học sinh tại 20 trường ở cả khu vực thành thị và nông thôn của 5 địa
phương đại diện cho 63 tỉnh thành của Việt Nam, là Lào Cai, Hà Nội, Đà Nẵng,
Lâm Đồng, Cần Thơ. Kết quả nghiên cứu độc lập ở phương diện quốc gia của Viện
KHGD Việt Nam khá tương đồng với nghiên cứu được UNESCO thực hiện với 4 nước
châu Á - Thái Bình Dương.
Ông Lân nói về kết quả nghiên cứu này: “Trong tương quan so
sánh với các quốc gia khác, Việt Nam chưa phải là nước có kết quả ở mức thấp
nhất. Trong đó, với lĩnh vực đảm bảo an toàn cho trẻ em trên mạng, Việt Nam đã
có những tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. Còn xét ở phương diện thúc
đẩy sự sáng tạo số, Việt Nam chưa thu được thành tích đáng kể”.
Cụ thể, số liệu từ nghiên cứu cho thấy, học sinh Việt Nam có
thể tiếp cận dễ dàng với các thiết bị thông minh cả ở nhà và ở trường; hầu hết
học sinh có thể dùng PC ở trường và chỉ 5% học sinh dùng laptop tại trường; tỉ
lệ học sinh có thể sử dụng các thiết bị số khác như máy in rất thấp, chỉ khoảng
2%; 30% học sinh được khảo sát dành từ 1-2 giờ/ngày để lướt mạng tìm tài liệu
phục vụ việc học tập; khoảng 6% giáo viên, phụ huynh thực sự quan tâm đến việc
học sinh, con em mình lướt web như thế nào…
Đặc biệt là theo khảo sát, trong khi có tới 40% học sinh đã
được học lập trình, lại chỉ có 14% trong số này biết tạo ra các trang web, ứng
dụng số. Điều này hoàn toàn phù hợp với
kết quả nghiên cứu của UNESCO, và cũng… khiến chúng ta lo ngại với hiệu quả đào
tạo lập trình cho trẻ em trong trường học.
Phạm Hoài Nhân
Lao động Đồng Nai - 25/03/2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét