Thứ Hai, 8 tháng 4, 2019

Châu Á nỗ lực kềm chế tin giả


Đúng vào ngày 1 tháng Tư – ngày nói dối – chính phủ Singapore đã cho công bố Dự luật Chống Sai lầm và Nhũng loạn Trực tuyến, dự luật này cho phép chính phủ thêm quyền mới để trấn áp nạn tin giả (fake news). Mặc dù được công bố vào ngày Cá tháng Tư, nhưng đây… không hề là tin giả và nó cho thấy quyết tâm rất lớn của chính phủ Singapore trong việc làm trong sạch môi trường truyền thông.

Dự luật mới về chống tin giả của Singapore

Dự luật Chống Sai lầm và Nhũng loạn Trực tuyến được Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hỗ trợ và gần như chắc chắn sẽ được thông qua tại nghị viện do đảng cầm quyền chiếm đa số.

Theo dự luật nêu trên, các điều sau đây được cho là bất hợp pháp: truyền bá “thông tin sai sự thật”, ảnh hưởng tới an ninh, an toàn công cộng của Singapore và quan hệ “thân thiện” giữa Singapore với các quốc gia khác… Các cá nhân vi phạm có thể bị phạt tới 50.000 SGD (hơn 850 triệu đồng VN) hoặc mức án lên tới 5 năm tù. Nếu “tin giả” được đăng bằng “tài khoản online thiếu xác thực”, tổng số tiền phạt có thể đạt 100.000 SGD (khoảng 1,7 tỷ đồng VN) và án tù tới 10 năm.


Không chỉ với cá nhân, đối tượng xử phạt của dự luật này còn là các công ty truyền thông xã hội (như Facebook) với mức phạt lớn nếu họ không vượt qua lệnh kiểm duyệt. Các công ty như Facebook, nếu bị kết tội đưa “tin giả”, có thể phải đối mặt với khoản phạt lên tới 1 triệu SGD (khoảng 17 tỷ đồng VN).

Một khi xác định có hành vi phát tán “tin giả” trên mạng xã hội, chính quyền Singapore sau đó có thể yêu cầu sửa chữa, xóa bài đăng vi phạm hoặc có hành động pháp lý trừng phạt người đăng hoặc mạng xã hội đăng thông tin đó.

Theo CNN, cùng với lo ngại về tự do ngôn luận nói chung, dự luật cũng sẽ đặt ra những câu hỏi nghiêm túc đối với các công ty công nghệ và truyền thông quốc tế có trụ sở tại Singapore như Facebook, Google. Giám đốc chính sách công của Facebook tại châu Á-Thái Bình Dương, Simon Milner, cho rằng, dù về nguyên tắc công ty này ủng hộ quy định chống phát tán tin giả trực tuyến, họ vẫn lo ngại việc ban hành luật mới này “cho phép chính quyền Singapore buộc chúng tôi xóa những nội dung họ coi là sai trái, đồng thời coi mạng xã hội này thành công cụ để đưa các thông báo của chính phủ tới người dùng”.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phát biểu trước đó một tuần tại một sự kiện kỷ niệm của báo Channel NewsAsia, cho biết tin tức giả là “vấn đề nghiêm trọng đối với nhiều quốc gia”. Ông tỏ ý bảo vệ dự luật mới khi trao cho chính phủ “quyền nắm giữ các nguồn tin tức và nền tảng trực tuyến phải chịu trách nhiệm nếu họ truyền bá về các hành vi sai trái có chủ ý”.

Kềm chế tin giả tại các nước châu Á

Thông điệp quảng cáo tại một nhà ga ở Malaysia: Chia sẻ một lời nói dối sẽ biến bạn thành kẻ dối trá

Ở châu Á, tin giả được coi là một vấn đề nghiêm trọng. Tại đây, chính quyền đã nhận ra những lo ngại chính đáng về fake news để qua đó kềm hãm nguồn thông tin trên Internet. Do vậy dự luật mới của Singapore không nằm ngoài các mô hình nhiều nước trên ở châu Á đã triển khai.

Vào tháng 1, Fiji đã ban hành một đạo luật mới mà họ coi là “con ngựa thành Troy” để kiểm duyệt Internet, còn Philippines, Campuchia và Malaysia đã bày tỏ nhiều lo ngại về vấn nạn tin giả.

Ở Thái Lan, người đứng đầu chính quyền quân sự Prayuth Chan-ocha gần đây đã lên án các phương tiện truyền thông xã hội là nơi ươm mầm cho những “suy nghĩ không đúng đắn” – một điều dường như ám chỉ những lời phàn nàn rằng ông đã gian lận trong cuộc bầu cử vào tháng trước. Chính phủ của ông đã thúc đẩy thông qua một số đạo luật cho phép theo dõi và kềm chế bất đồng chính kiến trên mạng.

Đài Loan rất lo lắng về các chiến dịch thông tin giả từ Trung Quốc, nước mà Đài Loan cáo buộc đang cố gắng thao túng các cuộc bầu cử ở Đài Loan. Tuần này họ đã công bố kế hoạch cấm các dịch vụ truyền phát video trực tiếp của Trung Quốc. Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Quốc gia đã từ chức vào ngày 2 tháng 4 sau khi bị chỉ trích vì không giải quyết được vấn nạn tin giả.

Tại Úc, quốc hội đã thông qua một đạo luật mới rất nghiêm ngặt đối với mạng xã hội trong tuần này để phản ứng lại vụ xả súng gần đây ở New Zealand, sự cố được phát trực tiếp trên Facebook mà người dùng đã cố gắng chia sẻ hơn một triệu lần. Luật này cho phép chính quyền trừng phạt các công ty truyền thông xã hội không xóa các tài liệu thể hiện hành vi khủng bố, hãm hiếp hoặc giết người với số tiền phạt lên tới một phần mười doanh thu hàng năm của các công ty đó. Các giám đốc điều hành, cả ở Úc và nước ngoài, đều có thể bị bỏ tù nếu công ty của họ không nỗ lực đầy đủ để loại bỏ các bài đăng như vậy.

Tại Việt Nam, Luật An ninh mạng được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 12 tháng 6 năm 2018 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Trong Luật có Chương I – Những quy định chung, Điều 8 - Các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng, mục d - Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế, xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Tại sao vấn nạn “tin giả” lại được quan tâm như thế?

Đó là do tính chất cũng như mức độ nguy hiểm mà tin giả có thể gây ra cho an ninh quốc gia, nền kinh tế cũng như an toàn, trật tự xã hội.

Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Mỹ đã dành 11 năm để nghiên cứu 126.000 tin đồn và tin giả trên mạng Twitter và nhận thấy rằng tin bịa đặt lan truyền nhanh hơn tin thật, được đăng tải nhiều hơn. Lý do là tin giả “nóng” hơn. Các chủ đề phổ biến của nó là chính trị, tiếp đó là tin liên quan đến kinh tế, khủng bố, khoa học, thiên tai…

Kết quả nghiên cứu của MIT đăng trên tạp chí Science cho biết: tin giả được đăng lại nhiều hơn 70% so với tin thật; tin thật mất thời gian lâu hơn 6 lần so với tin giả để đến với 1.500 người dùng mạng; tin thật ít khi có trên 1.000 lượt chia sẻ, trong khi không ít tin giả có tới 100.000 lượt chia sẻ. Người dùng mạng bị tính chất giật gân của tin bịa đặt chi phối mà không quan tâm tới việc chúng có bao nhiêu phần trăm sự thật hay không có một tí sự thật nào.

Thái Thư
Lao động Đồng Nai - 08/04/2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét