Sau hơn một tháng công bố Dự luật Chống tin giả, ngày 8-5-2019 Quốc hội
Singapore đã chính thức thông qua luật này. Lại một lần nữa dư luận dấy lên
những quan điểm khác nhau về việc ban hành bộ luật này.
Quốc hội Singapore vừa
thông qua luật chống tin giả. Ảnh: Harish Tyagi/EPA-EFE
Luật Chống tin giả xử
lý mạnh với hành vi tung tin giả
Luật Chống tin giả - tên đầy đủ là Luật Ngăn chặn Tin giả và
Thao túng Trực tuyến - đã được Quốc hội Singapore thông qua hôm Thứ Tư 8-5 với
72 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 3 phiếu trắng. 9 phiếu chống đến từ các nhà
lập pháp đối lập và 3 phiếu trắng là các thành viên quốc hội không thuộc về
đảng phái nào.
Bộ luật này nhằm mục đích cung cấp cho chính phủ những quyền
lực chống lại những sự giả dối trực tuyến nhằm bảo vệ lợi ích công cộng.
Một sự giả dối được định nghĩa là một tuyên bố thực tế là
sai hoặc tạo nên sự hiểu lầm. Nó không bao gồm các ý kiến, chỉ trích, châm biếm
hoặc nhại lại, mà công chúng có thể tiếp tục tải lên và chia sẻ.
Lợi ích công cộng được định nghĩa là: an ninh của Singapore;
để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, tài chính công, an toàn công cộng hoặc sự yên
tĩnh công cộng; quan hệ thân thiện của Singapore với các nước khác; để ngăn
chặn ảnh hưởng đến kết quả của một cuộc bầu cử hoặc trưng cầu dân ý; để ngăn
chặn sự kích động của cảm giác thù hằn, thù hận hoặc ác ý giữa các nhóm người
khác nhau; hoặc để ngăn chặn sự giảm sút niềm tin của công chúng vào các tổ
chức công cộng.
Các cá nhân vi phạm có thể bị phạt tới 50.000 SGD (hơn 850
triệu đồng VN) hoặc mức án lên tới 5 năm tù. Nếu “tin giả” được đăng bằng “tài
khoản online thiếu xác thực”, tổng số tiền phạt có thể tới 100.000 SGD (khoảng
1,7 tỷ đồng VN) và án tù tới 10 năm. Các công ty truyền thông xã hội (như Facebook)
sẽ phải chịu mức phạt lớn nếu họ không vượt qua lệnh kiểm duyệt, nếu bị kết tội
đưa “tin giả”, có thể phải đối mặt với khoản phạt lên tới 1 triệu SGD (khoảng
17 tỷ đồng VN).
Những phản ứng thận
trọng từ Google và Facebook
Các công ty công nghệ hàng đầu thế giới, trong đó có Google
và Facebook đã nói rằng họ thấy luật này trao cho chính phủ Singapore quá nhiều
quyền lực trong việc quyết định những gì đủ điều kiện là đúng hay sai.
Google cho biết luật chống tin giả có thể gây tổn hại tới nỗ
lực của Singapore để trở thành trung tâm đổi mới công nghệ trong khu vực. Đại
diện của Google cho biết: “Chúng tôi vẫn lo ngại rằng luật này sẽ ảnh hưởng đến
sự đổi mới và phát triển của hệ sinh thái thông tin số của Singapore”. Tuy
nhiên, Google cũng khẳng định họ cam kết hợp tác với các nhà hoạch định chính
sách Singapore về tiến trình thực thi luật chống tin giả.
Phó Chủ tịch khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Facebook,
ông Simon Milner nói: “Chúng tôi vẫn quan ngại về nhiều khía cạnh của luật mới,
trong đó trao quyền rộng lớn cho nhánh hành pháp Singapore buộc chúng tôi xóa
nội dung mà họ cho là sai và đẩy thông báo của chính phủ tới người dùng.”
Lời giải thích từ
chính phủ Singapore
Phát biểu trước quốc hội hôm 8-5, Bộ trưởng Pháp luật
Singapore K. Shanmugam nói rằng không nên quá lo lắng về luật chống tin giả.
Ông nói: “Tự do ngôn luận sẽ không bị ảnh hưởng bởi luật này. Ở đây chúng ta
đang nói về thông tin sai. Chúng ta đang nói về
bot, về troll… về những tài khoản giả mạo và những thứ tương tự như
thế”. Ông Shanmugam nhấn mạnh: “Hoạt động của một xã hội dân chủ phụ thuộc vào
các thành viên trong xã hội đó được thông tin và không bị thông tin sai.”
Chính phủ Singapore lý giải cho việc đưa ra luật chống tin
giả bằng lập luận rằng quốc gia này dễ bị tổn thương bởi các tin giả vì đây là
trung tâm tài chính toàn cầu, là đất nước đa sắc tộc, tôn giáo và tiếp cận
internet phổ biến.
Thái Thư
Lao động Đồng Nai - 13/05/2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét