Thứ Hai, 20 tháng 5, 2019

Facebook đưa ra chính sách mới để hạn chế lạm dụng livestream


Sau các vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ở New Zealand, trong đó hung thủ đã lợi dụng tính năng livestream của Facebook để truyền trực tiếp những hình ảnh khủng bố đi khắp thế giới, vào hôm thứ tư 15-5 vừa qua Facebook đã chính thức đưa ra tuyên bố sẽ bắt đầu áp dụng chính sách khắt khe hơn nhằm hạn chế hoạt động phát trực tiếp video trên nền tảng mạng xã hội này đối với một số nhóm người nhất định.


Ngày 15-3-2019 sát thủ nổ súng giết chết  49 người trong các cuộc tấn công vào hai nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch, New Zealand đã live stream cảnh tượng hãi hùng này trên Facebook để đảm bảo các hành động ghê tởm của họ sẽ được lan truyền nhanh chóng. Vì không thể phát hiện kịp thời và kiểm soát được sự lan truyền nhanh chóng của video này, Facebook đã phải phải hứng chịu vô số chỉ trích từ khắp thế giới. Sau hai tháng, đây là biện pháp cứng rắn đầu tiên mà Facebook đưa ra. Trong bài viết của mình trên trang blog của Facebook, Guy Rosen – Phó Chủ tịch quản lý quy tắc cộng đồng của Facebook -nhấn mạnh những chính sách mới nhằm tránh việc các đối tượng xấu lạm dụng tính năng Facebook Live.

Chính sách mới nghiêm khắc và gắt gao hơn

Ông Guy Rosen cho biết Facebook sẽ áp dụng chính sách có tên “one strike” trong tính năng phát trực tuyến Facebook Live.

Cụ thể, tính năng này sẽ cấm những người dùng đã từng vi phạm các tiêu chuẩn cộng đồng của Facebook sử dụng dịch vụ phát trực tiếp (live stream) trong một khoảng thời gian nhất định (ví dụ là 30 ngày). Facebook không nêu rõ tất cả các quy tắc mà họ sẽ sử dụng để thực thi quy định mới, nhưng chỉ ra các tiêu chuẩn cộng đồng hiện hành cấm tuyên truyền khủng bố trên mạng xã hội. Chính sách này sẽ mở rộng sang các chủ đề khác trong những tuần tới.

Bên cạnh đó, những cá nhân vi phạm cũng sẽ bị cấm mua quảng cáo trên Facebook.
Không dừng lại ở đây, chính sách cấm livestream cũng sẽ được áp dụng nếu người dùng đăng bất cứ một thông tin độc hại nào liên quan đến khủng bố lên Facebook cá nhân của mình, hoặc đăng đường dẫn tới các hình ảnh khủng bố, bạo lực…

Những quy định hạn chế mới này nhiều khả năng cũng sẽ được Facebook áp dụng cho chính sách Cá nhân và Tổ chức Nguy hiểm (Dangerous Individuals and Organizations) của Facebook, vốn được đưa ra vào đầu tháng này, dẫn đến nhiều nhân vật cánh hữu nổi tiếng như Paul Nehlen, Alex Jones và Milo Yiannopoulos đều bị cấm hoạt động trên cả 2 nền tảng Facebook và Instagram.

Ông Guy Rosen chia sẻ: “Mục tiêu của chúng tôi là giảm thiểu đến mức tối đa rủi ro lạm dụng tính năng Live để phát tán hành vi bạo lực, vi phạm chính sách cộng đồng. Đồng thời giúp cho người dùng có thể trải nghiệm tính năng thú vị này theo cách tích cực mỗi ngày”.

Đổi mới kỹ thuật để hạn chế các mối đe dọa

Không chỉ đề ra các chính sách mới, việc giải quyết các mối đe dọa này đòi hỏi phải đổi mới kỹ thuật nhằm tránh được sự qua mặt của các đối tượng xấu. Ví dụ: một video vi phạm quy định đã bị gỡ xuống và sẽ bị phát hiện ngay nếu đăng lại, các đối tượng cố tình vi phạm sẽ sửa đổi video một ít để tránh bị phát hiện và họ sẽ qua mặt các chương trình kiểm tra để đăng lại.

Điều này sẽ yêu cầu thúc đẩy ngành công nghiệp và học viện phải phôi hợp với nhau để cùng nghiên cứu. Cuối cùng, Facebook đã đầu tư 7,5 triệu đô la vào quan hệ đối tác nghiên cứu mới với các học giả hàng đầu từ ba trường Đại học Maryland, Đại học Cornell và Đại học California, Berkeley, với mục tiêu là thiết kế cải thiện công nghệ phân tích hình ảnh và video.

Ông Guy Rosen cho biết: Một trong những thách thức mà chúng tôi phải đối mặt trong những ngày sau vụ tấn công ở thành phố Christchurch là sự phổ biến của nhiều biến thể khác nhau của video về cuộc tấn công. Mọi người - không phải lúc nào cũng cố ý - đã chia sẻ các phiên bản chỉnh sửa của video, điều này khiến hệ thống của chúng tôi khó phát hiện. Mặc dù chúng tôi đã triển khai một số kỹ thuật để cuối cùng tìm thấy các biến thể này, bao gồm cả công nghệ khớp video và âm thanh, chúng tôi nhận ra rằng đây là một lĩnh vực mà chúng tôi cần đầu tư vào nghiên cứu thêm.

Các nghiên cứu này nhằm mục đích:

-          Phát hiện phương tiện bị thao túng trên hình ảnh, video và âm thanh
-          Phân biệt giữa người đăng bài vô tình và kẻ cố tình thao túng video và hình ảnh.

Ông Guy Rosen kết luận: Đối phó với sự gia tăng của các phương tiện truyền thông bị thao túng sẽ đòi hỏi nghiên cứu và hợp tác sâu sắc giữa ngành công nghiệp và giới học thuật - chúng tôi cần mọi người làm việc cùng nhau để giải quyết thách thức này. Những mối quan hệ đối tác này chỉ là một phần trong những nỗ lực của chúng tôi để hợp tác với các học giả và các đồng nghiệp trong ngành - trong những tháng tới, chúng tôi sẽ hợp tác nhiều hơn để tất cả chúng ta có thể tiến hành nhanh nhất có thể để đổi mới khi đối mặt với mối đe dọa này.

Thái Thư
Lao động Đồng Nai - 20/05/2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét