Hiện nay, đa số mọi người di chuyển trên đường đều sử dụng dịch vụ
Google Maps. Ngoài tính năng chỉ đường, Google còn bổ sung thêm tính năng chỉ báo
kẹt xe theo thời gian thực nữa. Google thực hiện điều này bằng cách nào và nó chính
xác tới đâu? Một người Đức đã thực nghiệm để trả lời câu hỏi này.
Tính năng Chỉ đường của Google rất thông minh, khi bạn xác định
một điểm đến và chọn Chỉ đường, Google sẽ xác định nhiều phương án và đề xuất
cho bạn một đường đi tối ưu. Đường đi tối ưu ấy, theo Google không hẳn là con đường
ngắn nhất, mà là con đường thuận tiện nhất, nhanh nhất – tức là ít ùn tắc giao
thông nhất. Trên bản đồ Google, lộ trình đi được thể hiện bằng đường màu xanh
cho đoạn đường không có trở ngại giao thông; đoạn nào màu cam là lượng giao
thông trung bình; đoạn nào có màu đỏ là có trở ngại giao thông, màu đỏ càng
đậm, tốc độ giao thông trên đường càng chậm.
Một người Đức tên Simon Weckert đã nghĩ ra một cách để đánh
lừa Google, mà anh ta gọi là “hack” Google, như sau: Anh ta mượn 99 cái điện thoại
second-hand, kích hoạt Google Maps trên tất cả các điện thoại ấy rồi bỏ lên một
cái khay có bánh xe, kéo đi bộ trên đường. Trang web 9to5Google.com đã ghi lại
kết quả như sau:
Simon Weckert bỏ 99 cái smartphone
đang mở Google Maps lên một cái khay có bánh xe và kéo trên đường
Google tự hiểu rằng mỗi chiếc smartphone đang mở đại diện
cho một phương tiện di chuyển, điều này đồng nghĩa với việc có tới… 99 chiếc xe
đang chạy sát nhau trên đường, đã vậy còn chạy rất chậm (bằng tốc độ người đi bộ)
nữa. Thế là Google liền cập nhật lên bản đồ của mình đoạn đường ấy đang… bị kẹt
xe (màu đỏ)!
Như vậy là Simon đã “hack” được Google. Tác động của cú lừa
này không chỉ dừng lại ở đó. Các phương tiện đang di chuyển trên đường khi sắp đến
đoạn đường này theo dõi trên Google Maps thấy có màu đỏ, liền hiểu rằng nơi đây
đang… có kẹt xe và chủ động rẽ hướng khác để khỏi ùn tắc giao thông. Còn
Google, khi chỉ đường cho các phương tiện khác thì thấy rằng đoạn đường này
giao thông trở ngại nên theo nguyên tắc tối ưu hóa nó cũng định hướng cho xe đi
đường khác để nhanh hơn.
Kết quả là đoạn đường này vắng xe lưu thông, mặc dù rằng chẳng
hề có vụ ùn tắc nào hết, chỉ có một anh chàng đang… dắt 99 cái smartphone đi chơi!
Trong khi Simon dắt đám
smartphone của mình đi bộ thì bản đồ chuyển màu đỏ, xác định rằng đang ách tắc
giao thông!
Trả lời 9to5Google.com, đại diện Google cho biết: Dữ liệu
giao thông trên Google Maps được cập nhật liên tục từ nhiều nguồn khác nhau,
trong đó có nguồn vô danh từ những thiết bị có bật định vị đang lưu thông trên đường
cùng những đóng góp của cộng đồng Google Maps. Chúng tôi đã đưa ra được tính năng
phân biệt giữa ô tô và xe máy lưu thông trên đường và đã áp dụng tại vài quốc
gia như Ấn Độ, Indonesia và Ai Cập, tuy vậy chúng tôi chưa lường trước tình huống
xe kéo như trên. Chúng tôi hoan nghênh các áp dụng Google Maps sáng tạo như
Simon đã làm, vì nó giúp chúng tôi cải tiến Google Maps tốt hơn.
Về phía Simon Weckert, trả lời phỏng vấn báo Frankfurter
Allgemeine, anh giải thích thêm về “thí nghiệm” của mình. Trong thử nghiệm này,
Simon nhận thấy khi anh dừng “xe kéo” lại thì tình trạng kẹt xe cũng hết, vì vậy
muốn thấy giao thông tắc nghẽn trên bản đồ thì phải kéo “xe” đi tới đi lui. Một
điều thú vị là nếu có một chiếc xe khác đang sử dụng Google Maps chạy qua trên đường
thì lập tức Google sẽ cho rằng đã hết ùn tắc giao thông và thể hiện lại trên bản
đồ đường màu xanh, thông thoáng.
Phạm Hoài Nhân
Báo Đồng Nai - 10/02/2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét