Thứ Hai, 17 tháng 2, 2020

Việt Nam có 3 Đại sứ Người Sáng tạo Thay đổi YouTube đầu tiên


Bên cạnh chức năng giải trí được nhiều người biết đến, YouTube còn có chức năng đóng góp vào sự phát triển xã hội. Một trong những nội dung đó là chương trình Người Sáng tạo Thay đổi YouTube. YouTube vừa công bố danh tính 3 nhà sáng tạo đầu tiên của Việt Nam được lựa chọn trở thành Đại sứ của chương trình này, gồm Giang Ơi, Vlog 1977 và Tizi Đích Lép.

3 Đại sứ của chương trình Người Sáng tạo Thay đổi YouTube, gồm Giang Ơi, Vlog 1977 và Tizi Đích Lép.


Chương trình Người Sáng tạo Thay đổi YouTube là gì?

Chương trình Người Sáng tạo Thay đổi – YouTube Creators for Change - là một dự án của YouTube ra mắt năm 2016 nhằm mục đích giới thiệu những Người sáng tạo truyền cảm hứng, thông qua YouTube để cất lên tiếng nói về các vấn đề khó khăn và tạo nên sự thay đổi tích cực trên toàn thế giới. Các sáng kiến này trao quyền cho hàng nghìn người trẻ thúc đẩy sự thay đổi xã hội tích cực trên toàn Châu Âu, Trung Đông và khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Các Đại sứ Người Sáng tạo Thay đổi và cộng sự sẽ nhận được sự cố vấn cũng như hỗ trợ quảng bá để giúp họ xây dựng các dự án tạo tác động của mình, tức là những bộ phim đề cập đến nhiều chủ đề, từ việc chấp nhận bản thân và thể hiện sự tử tế với mọi người cho đến việc tôn vinh các nền văn hóa và ủng hộ mọi người thể hiện lòng thấu cảm trên toàn cầu.

Mặc dù ra mắt từ năm 2016 nhưng mãi đến năm 2019 Việt Nam vẫn chưa có Đại sứ Người Sáng tạo Thay đổi YouTube nào.

Những Đại sứ Người Sáng tạo Thay đổi YouTube đầu tiên tại Việt Nam

Cuối tháng 12-2019, chương trình Người Sáng tạo Thay đổi YouTube được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam. Chương trình mong muốn mang đến những thay đổi tích cực cho xã hội thông qua cộng đồng người hâm mộ và những người sáng tạo nội dung về hai chủ đề chính: Nâng cao vị thế và phát triển kĩ năng cho phụ nữ và Chống bạo lực mạng.

Sau khi chính thức ra mắt lần đầu tiên tại Việt Nam, chương trình Người Sáng tạo Thay đổi YouTube đã thu hút được sự tham gia của nhiều nhà sáng tạo Việt Nam với những sáng kiến và dự án nhằm tận dụng sức ảnh hưởng của mình với công chúng, mang lại thay đổi tích cực cho xã hội. 3 sáng kiến được đánh giá cao nhất và lựa chọn trở thành Đại sứ Người Sáng tạo Thay đổi 2020 thuộc về Giang Ơi, Vlog 1977 với chủ đề nâng cao vị thế phụ nữ và Tizi Đích Lép với chủ đề chống bạo lực mạng.

3 Đại sứ Người Sáng tạo Thay đổi của Việt Nam cùng các Đại sứ khu vực Châu Á Thái Bình Dương tham gia Trại Tác động Xã hội diễn ra tại Bangkok, Thái Lan

Sau khi được lựa chọn trở thành Đại sứ của chương trình, 3 nhà sáng tạo đại diện Việt Nam đã tham gia Trại Tác động Xã hội (Regional Social Impact Camp) do YouTube tổ chức tại Bangkok, Thái Lan từ ngày 15 đến17-1-2020. Với sự tham gia của 13 nhà sáng tạo đến từ 4 quốc gia khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Trại Tác động Xã hội nhằm tạo ra một mạng lưới giữa những Đại sứ Người Sáng tạo Thay đổi khu vực để hỗ trợ lẫn nhau, giúp các Đại sứ hiểu rõ hơn về ý tưởng “tác động xã hội” và cung cấp sự cố vấn từ các chuyên gia giúp các Đại sứ xây dựng và phát triển ý tưởng của mình một cách hiệu quả hơn.

Sau khi tham gia Trại Tác động Xã hội, các Đại sứ sẽ có 3 tháng để tiến hành thực hiện dự án của mình. Bên cạnh đó, các Đại sứ cũng sẽ tham gia các chuyến đi thực địa trong khuôn khổ chương trình để tìm hiểu và trải nghiệm thêm về các chủ đề mà mình lựa chọn. Sự kiện tổng kết chương trình và công chiếu các video trong dự án sẽ diễn ra vào tháng 4-2020.

Chân dung 3 Đại sứ Người Sáng tạo Thay đổi YouTube đầu tiên của Việt Nam

Giang Ơi bắt đầu hành trình trở thành một nhà sáng tạo YouTube của mình từ năm 2015 khi còn là một du học sinh. Những câu chuyện Giang Ơi chia sẻ qua các video phản ánh tư tưởng của một phụ nữ trẻ thành thị hiện đại, truyền cảm hứng cho đông đảo các bạn nữ theo dõi kênh của cô. Trong 4 năm làm YouTube, Giang Ơi tiếp tục mở rộng những chủ đề về phong cách sống, kỹ năng mềm, chia sẻ quan điểm về tình yêu và các mối quan hệ, đến nay, cô đã có hơn 1,17 triệu lượt đăng ký trên kênh của mình và trở thành một trong những nữ vlogger thành công nhất tại Việt Nam. Đối với chủ đề nâng cao vị thế của phụ nữ, ý tưởng của Giang Ơi là thực hiện một định dạng video đặc biệt, trong đó, cô sẽ thu thập những suy nghĩ, khát vọng, nỗi sợ và ước mơ từ những phụ nữ trẻ đang theo dõi kênh của cô, được gửi đến theo hình thức ẩn danh. Trên video của mình, cô sẽ thay họ nói lên những tâm sự của mình, để các khán giả nữ của cô biết rằng họ không đơn độc, rằng có rất nhiều người cũng có chung nỗi sợ với họ, để họ có thêm động lực vượt qua và chạm tới cuộc sống họ mong ước.

Năm 2019, YouTube Việt chứng kiến sự nổi lên của một cái tên mới, Vlog 1977. Thành lập từ tháng 8-2019 với vỏn vẹn 6 video tính đến nay, nhưng Vlog 1977 đã thực sự trở thành một hiện tượng mạng với hơn 1,75 triệu lượt đăng ký kênh và trung bình hơn 10 triệu lượt xem mỗi video. Các video của Vlog 1977 được thực hiện theo kiểu phim xưa, từ hiệu ứng hình ảnh, bối cảnh, trang phục, âm thanh đến cách đọc thoại của các nhân vật, dựa trên chất liệu văn học Việt Nam hiện đại. Vẫn với phong cách cải biên văn học Việt Nam đã được hàng triệu khán giả yêu mến, Vlog 1977 sẽ khai thác một tác phẩm mà trong đó, chủ đề về thân phận người phụ nữ cực kỳ nổi bật, đó là truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu. Và cũng như với chị Dậu và Mị, Vlog 1977 sẽ tạo ra một cái kết mới cho người đàn bà làng chài để làm nổi bật chủ đề về vị thế của người phụ nữ.

Khởi đầu với một trang nội dung giải trí chủ đề tình yêu, giới tính cho giới trẻ, cặp đôi Tizi Đích Lép - Trúc Nguyễn và Quang Minh đã có được một lượng fans đông đảo trên mạng xã hội và bắt đầu thành lập kênh YouTube Tizi Đích Lép. Là đại sứ Việt Nam duy nhất lựa chọn chủ đề Chống bạo lực mạng, ý tưởng của Tizi Đích Lép là tiếp cận vấn đề từ hướng của những kẻ bắt nạt, thay vì chỉ lắng nghe câu chuyện của những người bị bắt nạt. Ý tưởng dự án của Tizi Đích Lép cho chương trình Người Sáng tạo Thay đổi là thực hiện những video phỏng vấn những kẻ bắt nạt ẩn danh để tìm hiểu về những tâm tư và nỗi đau của họ sau màn hình máy tinh.

Thái Thư
Báo Đồng Nai - 17/02/2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét